Loạt cựu cán bộ Sơn La tố bị điều tra viên ép chép bản tự khai

Bị cáo Trương Tuấn Dũng - nguyên Phó GĐ Sở Tài chính Sơn La.
Bị cáo Trương Tuấn Dũng - nguyên Phó GĐ Sở Tài chính Sơn La.
TPO - Theo điều tra viên, quy định hỏi cung phải ghi âm ghi hình nhưng Cơ quan An ninh điều tra tỉnh Sơn La chưa làm. Các điều tra viên này bị loạt cựu cán bộ tố cáo đã dọa nạt, ép họ chép lời khai theo ý muốn nhưng chủ tọa cho rằng không có căn cứ.  

Mời kiểm sát viên vào trại “ở thử”

Ngày 27/5, TAND tỉnh Sơn La tiếp tục xét xử 17 bị cáo trong vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” trong quá trình bồi thường đất tại dự án thủy điện Sơn La.

Tại tòa, luật sư Việt Anh đề nghị điều tra viên trả lời có hay không việc Cơ quan ANĐT tỉnh Sơn La gửi công văn số 173/A92 sang Sở TN&MT yêu cầu không cung cấp 17 tài liệu trong vụ án cho các luật sư, thân nhân bị cáo? Việc này đúng hay sai? Tuy nhiên, điều tra viên từ chối trả lời câu hỏi này.

Tiếp tục làm việc, kiểm sát viên đặt câu hỏi với bị cáo Trương Tuấn Dũng - nguyên Phó GĐ Sở Tài chính tỉnh Sơn La về những lời khai ở tòa mâu thuẫn với giai đoạn điều tra. Bị cáo này giải thích, bản thân bị tiểu đường, điều kiện trại giam không tốt nên khai báo mâu thuẫn, nói: “Không tin kiểm sát vào trại ở thử xem”. Ngoài ra, ông Dũng khẳng định có nhiều bản khai sai do điều tra viên bắt chép lại

Kiểm sát viên hỏi nếu vậy tại sao có nhiều bản cung bị cáo khai chi tiết hơn bản gốc? Ông Trương Tuấn Dũng đáp: “Có lúc đường huyết hạ, lúc đó bị cáo khôn ra chút”. Bị cáo này còn khẳng định, từng bị điều tra viên dọa không được thuê luật sư, phải khai báo theo ý điều tra viên nếu không sẽ bị phạt nặng hơn.

Lập tức, loạt bị cáo khác cùng giơ tay xin phát biểu, khẳng định bản thân cũng bị bắt chép bản khai báo, bị điều tra viên dọa nạt...

Đáp lại, điều tra viên khẳng định đã làm đúng quy định, không có việc bắt chép hay ép cung, mớm cung, thông cung; các buổi làm việc có kiểm sát viên tham gia; các bị cáo còn có lời khai trước khi bị khởi tố, bắt giam... nên đề nghị HĐXX bác ý kiến của các bị cáo.

Loạt cựu cán bộ Sơn La tố bị điều tra viên ép chép bản tự khai ảnh 1

Hai kiểm sát viên được phân công giải quyết vụ án.

Tố cáo điều tra viên vô căn cứ

Chủ tọa yêu cầu bị cáo Phan Đức Chính - nguyên Trưởng phòng TN&MT huyện Mường La thay mặt các bị cáo khác nói rõ có bức cung, nhục hình hay không? Các bị cáo có đơn từ tố cáo về tố tụng của điều tra viên hay không?

Bị cáo Chính xác nhận bản thân không bị đánh đập nhưng bị điều tra viên dọa nạt. Các bản tự khai của ông được chép lại từ biên bản hỏi cung nhưng không chép y hệt. “Riêng bản tự khai cuối cùng tức bản tổng cung, bị cáo chép được 1 nửa, điều tra viên nói chép không đúng nên bỏ đi, phải chép lại đúng y bản cung, sai phải chép lại tiếp” - ông Chính nói và khẳng định, bản tổng cung này là chứng cứ thể hiện việc điều tra viên bắt chép.

Phan Đức Chính nói thêm, trong bản các cung có chữ ký của kiểm sát viên Lê Thị Thu Hà - người đang giữ quyền công tố và kiểm sát xét xử tại tòa nhưng chưa bao giờ bà Hà tham gia hỏi cung. Đáp lại, nữ kiểm sát viên cho biết các thành phần tham gia xét hỏi đều đã có chữ ký.

Đáng chú ý, một bị cáo cho biết phía trên một số bản cung có nội dung thể hiện đã ghi âm, ghi hình khi lấy lời khai; việc này có thể chứng minh họ phải chép lời khai cũ.

Chủ tọa nêu câu hỏi về việc này, điều tra viên cho biết quy định khi lấy lời khai phải ghi âm, ghi hình nhưng Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Sơn La chưa làm. “Tức là trong bản cung ghi có nhưng thực tế là không làm?” - chủ tọa hỏi. Điều tra viên đáp: “Đúng”.

Kết luận sự việc, chủ tọa cho rằng các bị cáo không có đơn khiếu nại về hành vi tố tụng của điều tra viên nên những lời tố cáo tại tòa không có căn cứ.

Cũng tại tòa, kiểm sát viên Lê Thị Thu Hà luôn ngồi khi trả lời HĐXX dù bị nhắc nhở nhiều lần. Chiều 26/5, luật sư Lê Văn Thiệp tiếp tục đề nghị kiểm sát viên đứng dậy và khẳng định hành động này không chỉ thể hiện sự tôn trọng cá nhân thẩm phán, hội thẩm mà còn tôn trọng Nhà nước Việt Nam. Chủ tọa đồng tình ý kiến này.

Vụ án có 17 bị cáo, đa phần là cán bộ, lãnh đạo các cơ quan Nhà nước trong tỉnh Sơn La như Trương Tuấn Dũng; Triệu Ngọc Hoan - nguyên GĐ Sở TN&MT; Phan Tiến Diện - nguyên Phó GĐ Sở TN&MT; Phan Đức Chính - nguyên Trưởng phòng TN&MT huyện Mường La...

Theo cáo trạng, năm 2005, công tác chi tiền bồi thường về tài sản, di dời theo hình thức “đất đổi đất” cho các hộ dân trong khu vực nhà máy thủy điện Sơn La đã hoàn thành. Năm 2013, Chính phủ cho phép bồi thường thêm phần chênh lệch giá trị đất giữa nơi đi và nơi đến tại khu tái định cư.

Năm 2014, UBND tỉnh Sơn La ra Công văn 617 chỉ đạo UBND huyện Mường La thống kê lại diện tích đất của từng hộ và đề xuất phương án bồi thường. Lúc này, bị cáo Trương Tuấn Dũng là Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La đã ban hành Kế hoạch 41 triển khai chỉ đạo của tỉnh đồng thời chỉ định Văn phòng đăng ký đất đai Sơn La và Cty Bảo Bình (ở Hà Nội) đo đạc, lập bản đồ địa chính.

Cơ quan truy tố cho rằng, kế hoạch 41 nói trên không đúng chỉ đạo của UBND tỉnh Sơn La và dẫn tới việc các đơn vị khác thực hiện sai quy định về đo đạc, lập bản đồ rồi bồi thường “thừa” hơn 1,2 tỷ đồng cho bị cáo Đèo Văn Ban.  

MỚI - NÓNG