Nguyễn Thập Nhất: "Ra tù, tôi sẽ về nhà ngay"

Nguyễn Thập Nhất: "Ra tù, tôi sẽ về nhà ngay"
Nguyễn Thập Nhất - Nguyên Trưởng phòng Kiểm sát giam giữ cải tạo (Viện KSND TP Hà Nội) trông có vẻ lên cân hơn nhiều sau hơn 2 năm nằm trong trại giam Thanh Xuân (Hà Tây) với hình phạt 4 năm tù giam.

Trước Tết Ất Dậu 2005, Nguyễn Thập Nhất (cùng với các ông Bùi Quốc Huy, Dương Minh Ngọc, là 3 trong số 13 phạm nhân liên quan đến vụ án Năm Cam được đặc xá đợt này (tháng 2/2005), đã trả lời phóng viên trong những giây phút cuối cùng mặc áo tù.

Cảm giác của anh Nhất bây giờ như thế nào nhỉ?

Có lẽ tôi cũng có chung suy nghĩ như mọi người: Tự do là cái đáng quý nhất. Tôi tin là pháp luật của Nhà nước CHXHCN Việt Nam là pháp luật của một nhà nước pháp quyền. Tức là Nhà nước được quản lý bằng pháp luật. Đó là suy nghĩ của tôi từ khi tôi bước vào ngành (kiểm sát - NV), và đến hết đời, tôi vẫn tin như vậy.

Việc đầu tiên khi anh rời khỏi đây sẽ làm gì?

Dạ..., tôi về nhà (cười xoà), và gặp tất cả những người thân của mình (lại cười).

Anh có thì giờ để báo tin cho gia đình đến đón ngày hôm nay không?

Thưa..., không thể có được. Về nguyên tắc thì không thể có được.

Vậy anh có cảm nhận được người thân của anh có đến chờ đợi đón anh ở đây không?

Dạ..., tôi cũng cảm nhận vì người thân thì không bao giờ bỏ mình. Mà hôm qua trên ti vi cũng đã công bố về các quyết định đặc xá của Chủ tịch nước. Hà Nội và nhiều nơi đã làm nên tôi tin việc này cũng không phải là một bí mật nữa.

Anh có xem ti vi tối qua không? Có cảnh một số bạn anh vừa trở về tối hôm qua.

Thưa..., có.

Anh có biết trong đợt này có bao nhiêu người trong cùng vụ án với anh được đặc xá không?

Nguyễn Thập Nhất: "Ra tù, tôi sẽ về nhà ngay" ảnh 1

Nguyễn Thập Nhất đang băn khoăn hỏi cán bộ giám thị vè số tiền 800 ngàn đồng tiền lưu ký của mình sau khi nhận quyết định đặc xá.              Ảnh: Hà Trường

Sáng nay, trong quyết định công bố tại trại, tôi chỉ biết có tên tôi thôi. Còn những người khác thì tôi không biết.

Tóc chải keo láng bóng, vuốt ngược. Khuôn mặt đã đầy đặn hơn rất nhiều so với lúc thời gian phiên toà sơ thẩm và phúc thẩm vụ án diễn ra, khoé miệng Nguyễn Thập Nhất luôn mỉm cười khi trả lời phỏng vấn.

Bị can Nguyễn Thập Nhất bị toà tuyên phạt 4 năm tù giam (bị bắt từ 15/5/2002) về tội "Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi", đã ở tù 2 năm 9 tháng 13 ngày, được giảm án 1 lần (6 tháng), án tù còn lại 8 tháng 17 ngày.

Chắc thời gian vừa qua, anh có rất nhiều thời gian để nghiên cứu thêm các sách về luật?

Vâng, tôi nghiên cứu rất nhiều.Tôi cũng suy ngẫm rất nhiều. Có lẽ tôi cũng sẽ có những suy nghĩ và phát biểu vào những lúc cần thiết nhất.

Trong thời gian thụ án, anh có nghĩ rằng mình sẽ được đặc xá?

Tôi đã nghĩ đợt 2/9 (đợt đặc xá 2/9/2004 - NV), tôi đã về rồi. Vì cứ theo quy định tiêu chuẩn thì đến 2004 là đã đủ (cười).

Trong thời gian ở lại trại, anh có suy nghĩ nhiều không?

Đối với tôi, về phía cá nhân, tôi đang phải thực hiện nghĩa vụ theo một bản án đã có hiệu lực pháp luật. Đấy là nghĩa vụ của tôi. Về phía trại thì trại đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho một người chấp hành án. Tôi cảm thấy rất thoải mái.

Điều đó có mang lại cho anh suy nghĩ: Đó là một bài học?

Nguyễn Thập Nhất: "Ra tù, tôi sẽ về nhà ngay" ảnh 2

Nguyễn Thập Nhất nhận quyết định đặc xá sáng nay.        Ảnh: Hà Trường.

Tất nhiên trong cuộc sống dù thành công hay thất bại thì đều rút ra một bài học. Cũng chưa chắc trong việc chấp hành án này đã là một sự thất bại. Tôi cho rằng thất bại hoàn toàn lại là những tiền đề của thành công. Cho nên đối với một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì không bao giờ hạn chế sự phát triển của một con người cả. Tôi mong là đất nước cũng có cách nhìn nhận như thế.

Nguyễn Thập Nhất là phạm nhân duy nhất của trại giam Thanh Xuân trong đợt đặc xá này được xe hơi đón sẵn ngay từ trong sân trại giam Thanh Xuân.

Trí nhớ của ông Nguyễn Thập Nhất vẫn tỏ ra chi tiết, như cách ông ta đã gây ấn tượng khi không sách, không giấy bút, đứng trước toà phân tích vanh vách từng câu, chữ, khái niệm các điều luật trong BLHS truy tố ông ta trong phiên xét xử sơ thẩm vụ án Trương Văn Cam và đồng phạm.

Cũng như cách Nguyễn Thập Nhất nhớ rất kỹ, trước khi ký nhận vào giấy công nhận đặc xá vẫn hỏi cán bộ giám thị số tiền 800 ngàn tiền lưu ký. Thậm chí, ông Nhất còn nhắc: "Tôi đã viết đơn gửi cán bộ trước đây rồi" (về chuyện 800 ngàn ông Nhất gửi lưu ký khi vào trại Thanh Xuân - NV).

Khi được trở lại là một người công dân bình thường, anh có nghĩ là anh sẽ tiếp tục tham gia vào những công việc mà trước đây anh đã làm?

Tôi tin chắc là tôi sẽ làm và làm nhiều. Tôi nghĩ rằng là với kinh nghiệm mà mình đã có, và đến bây giờ có lẽ là có nhiều hơn, chắc chắn là tôi sẽ có nhiều ý kiến có chất lượng trong việc tham gia xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Cám ơn anh và chúc anh một Xuân mới tốt đẹp.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.