Nhiều người chưa dám tố cáo Đường 'Nhuệ'

Vợ chồng Đường - Dương thường khoe tiền, đất trên mạng xã hội
Vợ chồng Đường - Dương thường khoe tiền, đất trên mạng xã hội
TP - Chính quyền nắm thông tin có đối tượng cưỡng đoạt tiền của người trúng đấu giá đất nhưng không ai trình báo. Đến nay, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ tang lễ tại Thái Bình cũng chưa tố cáo việc Đường “Nhuệ” cưỡng đoạt, thu 500 nghìn đồng với mỗi ca hỏa táng.

Dân không dám tố cáo

Như đã đưa, Công an tỉnh Thái Bình đã bắt giữ vợ chồng Nguyễn Xuân Đường (SN 1971, ở TP Thái Bình) và 4 đồng phạm để làm rõ hành vi cố ý gây thương tích. Mở rộng điều tra, công an khởi tố vụ án khác, bắt giam 4 cán bộ thuộc Trung tâm đấu giá và Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Thái Bình về hành vi lạm dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. 

Tìm hiểu về vụ án, nhiều người dân tại Thái Bình cho biết trong những năm qua, Đường “Nhuệ” và Cty TNHH Đường Dương của mình gần như đã “làm mưa làm gió” trong các cuộc đấu giá đất tại Thái Bình khi trúng thầu cả các lô lẻ hoặc cả khu lớn với giá không chênh nhiều so với khởi điểm. Trong đó, Cty TNHH Đường Dương do Nguyễn Thị Dương (vợ Đường) làm chủ, hoạt động từ năm 2015 và nổi tiếng bởi hay làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo… 

Vợ chồng Đường -Dương thường khoe trên mạng xã hội về hàng loạt hợp đồng mua bán đất, tiền xếp thành đống trên bàn làm việc… Tuy nhiên, một số cán bộ đấu giá đất tại Thái Bình khẳng định, vợ chồng này thường chậm nộp tiền sử dụng đất mỗi khi trúng đấu giá. Từ năm 2019, tỉnh Thái Bình ra quy định, sau 30 ngày trúng đấu giá, ai không nộp tiền sẽ bị hủy kết quả nên tình trạng chậm nộp mới chấm dứt.

Được hỏi về việc này, ông Lương Văn Đình - Chủ tịch UBND xã Song An (Vũ Thư, Thái Bình) cho biết, năm 2018, xã tổ chức đấu giá đất và vợ chồng Đường trúng 7/11 lô đất đắc địa. Tuy vậy,  Cty TNHH  Dương Đường chỉ nộp tiền hai lô để làm sổ đỏ và chuyển nhượng luôn cho người khác nhằm “ăn” chênh lệch. Số còn lại, chính quyền nhiều lần gọi điện thuyết phục Đường hoàn thành nghĩa vụ tài chính nhưng không được. “Vợ chồng Đường trả lời chỉ nộp tiền đấu giá các lô đất khi bán được cho người khác, còn không cứ để đấy” - ông Đình nói.

Cũng theo ông Đình, xã Song An bắt đầu đấu giá từ năm 1991 và đều êm đẹp nhưng khi Đường “Nhuệ” tham gia đã gây mất an ninh trật tự. “Sau buổi đấu giá trúng 7/11 lô đất, nhiều thanh niên xăm trổ nghi là đàn em của Đường đã tát vợ của một người trúng đấu giá ngay trước cổng ủy ban xã. Nhiều người trúng đấu giá khác cũng bị đe doạ ngay tại trụ sở và bị chặn dọc đường nhưng các bên tự hòa giải nên chính quyền không nắm được nội tình” - vị Chủ tịch xã nói. 

Chính quyền Song An từng báo cáo lên huyện về việc một số người dân sau khi trúng đấu giá đất đã bị một số đối tượng ép đưa tiền cho chúng, việc này gây dư luận rất xấu. Tuy nhiên, không một người dân nào trình báo sự việc nên lực lượng công an chỉ có thể theo dõi thêm.

Giảm giá dịch vụ tang lễ

Cũng liên quan tới Đường “Nhuệ”, Công an tỉnh Thái Bình đang làm rõ thông tin về việc “giang hồ” này bảo kê, thu 500 nghìn đồng/ca hỏa táng (tiền ca) của người dân Thái Bình. Theo tìm hiểu của Tiền Phong, sau khi Đường “Nhuệ” bị bắt, khoảng hơn 20 cơ sở kinh doanh dịch vụ tang lễ tại Thái Bình đã có một buổi họp vào chiều 18/4. Một chủ cơ sở tang lễ cho biết, họ đang tìm cách thành lập một hiệp hội mới, minh bạch hơn nhằm ngăn chặn việc vi phạm pháp luật.

Vị này chia sẻ: “Ông Đường bị bắt, văn phòng của ông cũng không còn và không có ai thu tiền của chúng tôi nữa nên anh em chúng tôi sẽ họp bàn về việc giảm giá hay không. Chắc chắn sẽ giảm nhưng giảm bao nhiêu cần tính toán cho hợp lý”. Tương tự, một phụ nữ kinh doanh dịch vụ tang lễ tại TP Thái Bình nói: “Đường bị bắt rồi, không phải “báo ca” và cũng không ai thu 500 nghìn đồng nên đương nhiên tôi sẽ giảm số tiền này cho người dân”.

Ngoài ra, các cơ sở tang lễ tại Thái Bình hiện cũng chưa tố cáo hành vi cưỡng đoạt tài sản của Đường “Nhuệ”. Chủ một cơ sở được mọi người cử ra làm đại diện trả lời đã nói: “Chúng tôi chỉ có thông tin cho công an những việc mờ ám, những thứ không minh bạch của anh Đường. Bên công an kết luận anh Đường vi phạm mức độ nào cần xử lý theo mức độ đó. Bảo tố cáo ông Đường hay ai ăn chặn của mình, chúng tôi không dám nhưng chỉ biết là anh ấy chưa minh bạch”. 

Trước đó, nhiều người hoạt động trong lĩnh vực tang lễ tại Thái Bình và Nam Định chia sẻ, Đường “Nhuệ” thu 500 nghìn đồng/ca hỏa táng từ năm 2018. Nếu ai vi phạm, Đường sẽ cho đàn em đánh đập hoặc không cho kinh doanh dịch vụ nữa. 

Một số người khẳng định với Tiền Phong, họ từng vận động các cơ sở tang lễ cùng nhau tố cáo Đường “Nhuệ” nhưng chưa nhận được đồng tình. Thậm chí, khi Nguyễn Xuân Đường đã bị bắt, nhiều người vẫn lo lắng. Quá trình tìm hiểu vụ việc, nhiều người từ chối trả lời phóng viên vì cho rằng, đàn em của Đường Nhuệ “đóng vai”... nhà báo.

Tối 30/3, vợ chồng Đường Nhuệ buộc một phụ xe khách tới nhà mình để đánh, gây thương tích 14% nên Công an tỉnh Thái Bình khởi tố, bắt Đường - Dương và 4 đồng phạm. Mở rộng vụ án, cơ quan điều tra bắt giam  4 cán bộ  tại Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Thái Bình và Trung tâm Phát triển quỹ đất và kỹ thuật tài nguyên tỉnh Thái Bình về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Theo tìm hiểu, Công an tỉnh Thái Bình đã thu thập nhiều hồ sơ tài liệu liên quan đấu giá đất đai tại Trung tâm đấu giá; Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Thái Bình và Trung tâm phát triển quỹ đất tại các huyện Đông Hưng, Kiến Xương... Nhiều cán bộ được triệu tập để làm việc và vụ án đang tiếp tục được điều tra mở rộng.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.