Những uẩn khúc cần làm rõ trong vụ sát hại Thiếu tá CA

Những uẩn khúc cần làm rõ trong vụ sát hại Thiếu tá CA
TP - Tiền phong nhận được đơn thư của một số nhân chứng, cho rằng, nghi can Nguyễn Văn Chưởng không thể trực tiếp tham gia sát hại Thiếu tá Nguyễn Văn Sinh vào đêm 14/7/2007.
Những uẩn khúc cần làm rõ trong vụ sát hại Thiếu tá CA ảnh 1
Bà Nguyễn Thị Bích

Dẫn nguồn từ cơ quan điều tra, nhiều tờ báo đưa tin ban đầu cho biết, Thiếu tá Nguyễn Văn Sinh (Công an phường Đông Hải 2, quận Hải An, TP Hải Phòng) bị sát hại lúc 21 giờ 14/7/2007. Trong các ngày 1 và 2/8/2007, Công an Hải Phòng đã bắt giữ 3 nghi can gây án.

Ba nghi can gồm: Vũ Đoàn Trung (sinh năm 1984, quê Kiến Thụy, Hải Phòng); Đỗ Văn Hoàng (sinh năm 1985, quê Kiến Thụy, Hải Phòng); Nguyễn Văn Chưởng (sinh năm 1983, quê Kim Thành, Hải Dương).

Bên cạnh những thông tin đó, Tiền phong lại nhận được đơn thư của một số nhân chứng, cho rằng, nghi can Chưởng không thể trực tiếp tham gia sát hại Thiếu tá Sinh vào đêm 14/7/2007...

Sau khi Công an Hải Phòng bắt các đối tượng tình nghi sát hại Thiếu tá Sinh, một số báo đã đưa tin ban đầu: Đêm 14/7, ba nghi can Chưởng, Trung và Hoàng chở nhau trên chiếc xe máy do Chưởng cầm lái. Họ xuất phát lúc 21 giờ đêm từ quán cà phê đèn mờ Thiên Thần (do Chưởng thuê để kinh doanh, nằm trên địa bàn phường Đông Hải 2, quận Hải An, Hải Phòng), đi về phía bán đảo Đình Vũ, với mục đích trấn cướp để lấy tiền mua ma tuý, thỏa mãn cơn nghiền.

Tới khu vực nhà máy cám Con Cò, phát hiện một người đi xe máy mặc áo mưa đang đứng nói chuyện bằng điện thoại cầm tay (chính là Thiếu tá Sinh), chúng lập tức ra tay. Trước khi gục ngã, Thiếu tá Sinh kịp hô hoán và rút súng bắn, nên chúng bỏ chạy...

Không có mặt tại hiện trường khi vụ án xảy ra?

Thời gian qua, Tiền phong nhận được nhiều đơn thư của một số người dân ở quê của bị can Chưởng (xã Bình Dân, Kim Thành, Hải Dương), cho biết, Chưởng không ở Hải Phòng, mà có mặt tại xã Bình Dân đúng thời gian xảy ra vụ án.

Bà Nguyễn Thị Bích, sinh năm 1959, trú tại thôn Trung Tuyến, xã Bình Dân, mẹ của bị can Chưởng, trình bày trong đơn: Khoảng 20 giờ ngày 14/7/2007, Chưởng đi xe máy cùng một người bạn từ Hải Phòng về đến nhà bà Bích. Sau đó, Chưởng cùng bạn đi tiếp đến nhà một số người trong xã chơi. Khoảng 22 giờ, Chưởng và bạn về nhà ngủ.

Một người khác có đơn gửi báo Tiền phong, là anh Trần Quang Tuất, sinh năm 1982, trú tại thôn Tân Tạo, xã Bình Dân. Tuất là bạn học phổ thông cùng bị can Chưởng. Đơn của Tuất cho biết, khoảng 21 giờ đêm 14/7/2007, Chưởng đi cùng một người bạn vào nhà Tuất chơi, chừng 15 phút thì hai người ra về.

Nhận được những lá đơn trên, PV Tiền phong đã có mặt tại xã Bình Dân, trực tiếp gặp bà Nguyễn Thị Bích. Bà Bích trình bày: Hai con trai bà Nguyễn Văn Chưởng và Nguyễn Trọng Đoàn (sinh năm 1987) cùng làm việc tại Cty TNHH Đại Phát ở Hải Phòng.

Chưởng, Đoàn thuê trọ tại Hải Phòng, thường về thăm mẹ vào thứ Bảy rồi xuống lại Hải Phòng chiều Chủ nhật hằng tuần. Ngày 14/7/2007 là thứ Bảy, trùng vào mùng Một âm lịch, nên bà Bích nhớ rõ. Hôm ấy Đoàn về thăm mẹ từ chiều, còn Chưởng khoảng 20 giờ tối mới về đến nhà, đi cùng một người bạn tên là Trường, bằng chiếc xe máy Honda Wave.

Chưởng cho biết hai người ăn cơm tối ở Hải Phòng mới về, lại bị hỏng xe, nên về muộn. Sau khi để túi xách lại nhà, Chưởng chở Trường đi chơi, khoảng 22 giờ thì về. Chưởng ngủ trước, còn Trường xem ti vi với Đoàn, sau đó ngủ cùng Đoàn.

Sau khi Chưởng bị bắt, bà Bích làm đơn gửi cơ quan điều tra, trình bày việc Chưởng có mặt tại nhà tối 14/7. Đơn gửi đi chưa có hồi âm, bà Bích sốt ruột, sai Đoàn đưa đơn tiếp.

Hôm đó 10/8, Đoàn đến Công an Hải Phòng nộp đơn, bị bắt giữ luôn. Gia đình chỉ được nghe nói Đoàn bị bắt về tội “khai báo gian dối, làm nhân chứng giả”. Cả Trường - người đi cùng Chưởng tối 14/7 - cũng đã bị công an Hải Phòng bắt giữ, song bà Bích chưa rõ vì lý do gì...

Đến ngày 11/8, bà Bích được Công an Hải Phòng triệu tập đến lấy lời khai, và bà đã khai đúng như những gì trình bày với PV báo Tiền phong.

Bà Bích cho biết thêm, tối 14/7 Chưởng và Trường trong lúc đi chơi đã gặp nhiều người trong làng, như bà Nhiễu bán nước, cô Mến (bạn của Đoàn), và anh Trần Quang Tuất, người đã có đơn gửi báo Tiền phong.

Nhân chứng Tuất: “Tôi không thể nói sai sự thật”

Những uẩn khúc cần làm rõ trong vụ sát hại Thiếu tá CA ảnh 2
Chị Nguyễn Thị Bảy

Trong đơn gửi Tiền phong, Trần Quang Tuất cho biết: Sau khi viết giấy xác nhận việc Chưởng đến nhà mình tối 14/7, ngày 11/8, Tuất được Công an Hải Phòng triệu tập đến lấy lời khai. Tại đó, do áp lực và lo sợ bị bắt nên Tuất đã viết lại lời khai là không nhớ chính xác thời gian và xin rút lại giấy xác nhận.

Tuy nhiên, Tuất viết tiếp: “Việc bạn tôi có liên quan đến vụ sát hại cán bộ công an Nguyễn Văn Sinh không, tôi không biết. Song bạn tôi có mặt tại nhà tôi tối 14/7 là đúng sự thật. Tại cơ quan công an, tôi đã rút lại lời khai này, song về nhà nghĩ lại, với trách nhiệm của một công dân phải khai đúng sự thật trước cơ quan pháp luật, tôi mạnh dạn viết lá đơn này để phản ánh với báo Tiền phong”.

Về xã Bình Dân, các PV Tiền phong đã tìm dến nhà Tuất, nhưng không gặp và người nhà tránh không cung cấp số điện thoại cầm tay. Qua tìm hiểu, các PV được biết những nhân chứng khác như bà Nhiễu, chị Mến (trước đó có giấy xác nhận đã gặp Chưởng tối 14/7), khi được triệu tập đến cơ quan điều tra đều đã rút lại lời xác nhận, và họ hiện rất ngại gặp luật sư hoặc nhà báo, sợ những phiền phức sẽ đến.

Nhiều ngày trôi qua, khá bất ngờ nhân chứng Tuất đã chủ động đến trụ sở Tiền phong để gặp các PV. Tuất trình bày: Hôm 14/7, Tuất và một người cùng làng tên là Sơn lăn sơn cho một ngôi nhà ở phố Văn Cao - Hải Phòng. Hai người nghỉ tay lúc 16 giờ kém 15 phút (Tuất xem giờ trên điện thoại di động khi thay quần áo). Rửa ráy xong, hai người ra về, đi xe máy của Tuất.

Đến nhà khoảng gần 19 giờ, Tuất đứng nói chuyện với vợ và láng giềng khá lâu, vì hôm đó vợ Tuất vừa hái dưa hấu, đang chờ người đến cân. Sau khi Tuất tắm xong, cả nhà mới ăn cơm, xong bữa khoảng 20 giờ.

Tuất ngồi chơi xem ti vi khoảng một tiếng, thì thấy Chưởng đi cùng một người bạn ghé chơi, hai người ngồi độ mươi lăm phút thì ra xem thiếu niên sinh hoạt hè ngay trước cửa nhà Tuất, rồi họ về lúc nào Tuất không rõ...

Trả lời câu hỏi vì sao nhớ rõ hôm đó là tối 14/7, Tuất nói: “Các nhà khác trồng nhiều dưa, hái trong nhiều ngày, nhà em chỉ trồng 1,8 sào, hái một hôm là xong. Thực ra em cũng chỉ nhớ hôm đó là mùng Một âm lịch. Sau khi Chưởng bị bắt, em tra lịch, mới biết hôm đó là 14/7 dương lịch”.

Tuất cho biết, sau khi ở Công an Hải Phòng về, nhất là sau khi biết Đoàn (em trai Chưởng) bị bắt, Tuất lo nghĩ phát ốm, gầy sút mấy cân. “Em định không lên đây, song nghĩ mãi, thấy nếu mình nói đúng sự thật thì sao lại phải sợ hãi như vậy, em quyết định đến gặp các anh”.

Các PV cảnh báo: “Nếu trình bày sai sự thật, Tuất sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự”. Tuất quả quyết: “Em khẳng định những điều em trình bày là đúng sự thật”, và tự tay viết giấy cam đoan gửi lại các PV.

Cần tôn trọng chứng cứ để làm rõ các tình tiết của vụ án

Những uẩn khúc cần làm rõ trong vụ sát hại Thiếu tá CA ảnh 3

Anh Trần Quang Tuất

Các PV Tiền phong đã xác minh lời trình bày của Trần Quang Tuất, bước đầu thấy phù hợp với trình bày của một số nhân chứng khác. Trước hết, đó là trình bày của bà Bích đã nói ở trên.

Tiếp đến, là trình bày của chị Đồng Thị Mai - vợ Tuất, người có mặt cùng Tuất tiếp Chưởng và bạn của Chưởng tối 14/7. Tiếp đến nữa là trình bày của chị Nguyễn Thị Bảy, vợ của bị can Chưởng (chị Bảy khẳng định tối 14/7, Chưởng và Trường sau khi ăn cơm tại quán cà phê cùng chị Bảy và sửa xe ở hàng bên cạnh, đã đi về quê Hải Dương, 23 giờ đêm hôm sau, ngày 15/7, mới về đến quán cà phê Thiên Thần).

Đặc biệt là việc xác minh bảng chấm công của anh Khoa, người nhận công trình và trực tiếp thuê Tuất, Sơn lăn sơn ngôi nhà ở đường Văn Cao (TP Hải Phòng), đã cho thấy ngày 14/7 Tuất và Sơn cùng có tên trong bảng, và đó cũng là ngày duy nhất trong tháng ấy, Tuất và Sơn làm việc tại Hải Phòng, nên không thể có chuyện Tuất nhớ nhầm sang ngày khác.

Các PV được biết trước đó, Công an Hải Phòng cũng đã đến gặp anh Khoa xác minh bảng chấm công này, nên có thể coi đây là chứng cứ khách quan.

Qua những đơn thư và xác minh trên đây, các PV Tiền phong không thể khẳng định, có hay không việc nghi can Nguyễn Văn Chưởng tham gia sát hại Thiếu tá công an Nguyễn Văn Sinh.

Tuy nhiên, bước đầu có căn cứ (đáng chú ý nhất là lời trình bày mang tính khách quan của nhân chứng Trần Quang Tuất) để nhận định tối 14/7, nghi can Chưởng có thể đã có mặt tại quê nhà xã Bình Dân, huyện Kim Thành, Hải Dương, vào quãng thời gian diễn ra vụ sát hại Thiếu tá Sinh.

Đây là một tình tiết mới, không phù hợp với những thông tin ban đầu về vụ án. Tình tiết này đòi hỏi cơ quan điều tra phải làm rõ và đưa ra lời giải đáp thỏa đáng, đây là mong muốn của nhiều người dân ở xã Bình Dân, và cũng là mong muốn của những người viết bài này.

Trao đổi với PV Tiền phong qua điện thoại, một cán bộ có trách nhiệm của Cơ quan CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an TP Hải Phòng cho biết, đến thời điểm này, Cơ quan CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an TP Hải Phòng vẫn xác định bị can Nguyễn Văn Chưởng có liên quan trực tiếp đến vụ sát hại Thiếu tá Nguyễn Văn Sinh, còn bị can Nguyễn Trọng Đoàn bị khởi tố và bắt tạm giam về hành vi khai báo gian dối nhằm che giấu tội phạm.

Vị cán bộ này cũng cho biết, công việc điều tra vụ trọng án vẫn đang được tiếp tục.

MỚI - NÓNG