Ông Đinh La Thăng tự bào chữa, mong có được mức án ‘nhân văn’

Bị cáo Đinh La Thăng tự bào chữa trước tòa.
Bị cáo Đinh La Thăng tự bào chữa trước tòa.
TP - Trước tòa, bị cáo Đinh La Thăng thừa nhận mình và Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí có trách nhiệm trong vụ án khi thiếu kiểm tra, giám sát… Tuy vậy, ông Thăng mong tòa xem xét bối cảnh vụ án xảy ra 10 năm trước đây, vì ông cho rằng lúc đó hành lang pháp lý chưa hoàn thiện.

Thiếu kiểm tra, giám sát?

Ngày 13/1, phiên tòa xét xử vụ án kinh tế - tham nhũng xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam  (PVN) và Tổng Cty CP xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) tiếp tục làm việc. Sau khi các luật sư trình bày luận cứ, ông Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch HĐTV PVN được phát biểu tự bào chữa.

Trước bục khai báo, ông Thăng khá xúc động và xin cảm ơn các cơ quan tố tụng đã đẩy tiến độ vụ án một cách nhanh nhất. Ngừng vài giây, bị cáo tiếp lời: “Những hôm nay trời rất lạnh, tôi phải dậy từ 5h sáng nhưng những phạm nhân cùng bị tạm giam cũng dậy sớm để chúc sức khỏe và mong bị cáo may mắn”.

Ông Đinh La Thăng cũng cảm ơn các luật sư đã bào chữa cho mình và cho các bị cáo khác đồng thời khẳng định: “Bị cáo đã hết sức thành khẩn, nhận trách nhiệm đứng đầu PVN, chưa hoàn thành chức trách nhiệm vụ với vai trò Chủ tịch HĐTV, thiếu kiểm tra, giám sát dẫn đến không phát hiện sai sót của cấp dưới… Bị cáo làm chưa tròn trách nhiệm, dẫn đến các cơ quan, cá nhân đã vi phạm pháp luật và bị đưa ra truy tố tại tòa hôm nay”.

Về việc ký hợp đồng EPC thực hiện Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, ông Đinh La Thăng cho rằng: “HĐTV PVN đã ủy quyền cho PV Power (chủ đầu tư ban đầu) như nhiều luật sư, bị cáo đã nêu nên bản thân bị cáo cũng như anh Thực (Phùng Đình Thực-  nguyên TGĐ PVN), anh Khánh (Nguyễn Quốc Khánh – nguyên Phó TGĐ PVN) không chỉ đạo ký hợp đồng EPC số 33. Xin khẳng định là bị cáo không có ý đồ đổ lỗi cho cấp dưới... Bản thân HĐQT PV Power phải chịu trách nhiệm…”.

Xin nhận trách nhiệm cho các cựu cán bộ cấp dưới

Đặc biệt, ông Đinh La Thăng cũng xin nhận trách nhiệm cho các cựu cán bộ cấp dưới. “Bị cáo xin nhận trách nhiệm theo đúng chức năng nhiệm vụ của mình. Bị cáo cũng xin nhận trách nhiệm cho các cán bộ từ anh Thực trở xuống. Những bị cáo này không vụ lợi, họ vì trách nhiệm của mình, vì chỉ đạo của Chính phủ, của HĐTV và của bị cáo rất quyết liệt, có lúc nôn nóng…” - ông Thăng trình bày trước tòa.

Ông Thăng nói thêm: “Đề nghị xem xét cho các bị cáo khác như anh Quý ở PVC (bị cáo Nguyễn Ngọc Quý- nguyên Phó chủ tịch HĐQT PVN). Năm 2009, anh Quý xin thôi, ra khỏi HĐQT vì trình độ có hạn nhưng bị cáo cũng như HĐTV giữ lại. Bị cáo rất thương anh Quý, người hiền lành chất phác…”.

Bị cáo Thăng tiếp lời: “Hay như anh Lê Đình Mậu (Phó ban Tài chính kế toán PVN), người trẻ tuổi, chỉ vì anh Quỳnh (Ninh Văn Quỳnh - nguyên trưởng ban Tài chính kế toán PVN) ủy quyền trong 2 ngày mà vướng vòng lao lý thì đau xót quá. Hoặc như anh Thực bị quy kết là quanh co, đổ lỗi. Bị cáo làm việc với anh Thực, có thể khẳng định anh Thực không bao giờ đổ lỗi cho cấp dưới”.

“Hành lang pháp lý chưa hoàn thiện”

Ông Đinh La Thăng cũng trình bày về Dự án Thái Bình 2. Theo ông Thăng, dự án được triển khai từ 10 năm trước, trong quy hoạch tổng thể và phát triển PVN từ 2006 đến 2015 tầm nhìn đến 2025; dự án được đặt trong chủ trương của Đảng, Chính phủ về phát triển PVN thành tập đoàn kinh tế kinh doanh đa ngành.

Ông Đinh La Thăng trình bày: “Trong bối cảnh PVN cùng nhiều đơn vị khác thực hiện thí điểm mô hình kinh tế khi hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, phải vừa làm vừa hoàn thiện. Vì vậy, sự năng động dám nghĩ dám làm của PVN với vi phạm là mong manh, rủi ro pháp lý cực kỳ lớn…”.

Cũng theo ông Thăng, PVN đã đảm bảo an ninh năng lượng, góp phần đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, ông Thăng cho biết mình đã đề ra chủ trương thu khí đốt trong việc khai thác dầu mà trước kia chỉ đốt đi đồng thời lấy ví dụ: “Dự án Nhân Trạch 2, bị cáo xin chỉ định thầu với Chính phủ, nếu không giảm được 100 triệu thì xin từ chức. Thực tế đã chỉ định thầu cho Lilama và PVC làm được, giảm được hơn 130 triệu USD”...

“Không biết còn sống đủ thời gian thụ án không?”

Nói về bản thân, gia đình, ông Thăng trình bày sau vụ án này ông còn tiếp tục đối mặt với vụ án góp vốn 800 tỷ đồng vào OceanBank (giai đoạn 2 vụ án Ngân hàng TMCP Đại Dương) nên mong có được mức án “nhân văn”. Ông nói mình có bố 87 tuổi mắc bệnh hiểm nghèo, có hai con gái nhưng một cháu phát triển không bình thường rất cần sự chăm sóc của bố mẹ.

“Khả năng khi bố bị cáo mất chắc bị cáo khó được gặp mặt... Nếu bị xử hai vụ án, bị cáo không biết còn sống để đủ thời gian thụ án không… Bị cáo chỉ mong được chết tại nhà, trong vòng tay người thân, gia đình, bạn bè, được thành con ma tự do, không phải con ma tù. Bị cáo xin lỗi Đảng, nhân dân, xin lỗi các thế hệ cán bộ công nhân ngành dầu khí, ảnh hưởng tới truyền thống ngành vì những sai phạm của mình” – ông Đinh La Thăng nói.

Khi ông Thăng về chỗ, tới lượt Trịnh Xuân Thanh – nguyên Chủ tịch HĐQT PVC được tự bào chữa. Ông Thanh vừa khóc vừa nói: “Tôi thấy mình có lỗi với anh Thăng, với lãnh đạo PVN”. Lấy lại bình tĩnh, Trịnh Xuân Thanh phân tích quan điểm buộc tội của VKSND. Bị cáo khẳng định không chỉ đạo ký hợp đồng EPC số 33 (để thực hiện dự án Thái Bình 2) một cách sai phạm và dùng tiền từ dự án Thái Bình 2 để đầu tư các dự án khác.

Ông Thanh cũng phủ nhận việc đề ra chủ trương rút 13 tỷ đồng từ Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch để tham ô, chiếm đoạt. Tuy vậy, Trịnh Xuân Thanh khẳng định không đổ lỗi cho cấp dưới: “Bị cáo xin giảm nhẹ tội cho các anh Thuận (Vũ Đức Thuận - nguyên TGĐ PVC), anh Tiến (Nguyễn Mạnh Tiến - nguyên Phó TGĐ PVC)… Nếu bị cáo thêm vài năm tù mà các anh giảm được thì bị cáo cũng xin nhận”. Tuy vậy, ông Thanh cũng mong HĐXX xem xét cho mình, nói: “Bị cáo ít tuổi hơn anh Thăng nhưng chắc chắn bị cáo cũng là con ma trong tù, không được làm con ma tự do”. Hôm nay (14/1), phiên tòa tiếp tục làm việc.

Luật sư Nguyễn Chiến, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Quốc Khánh - nguyên Phó TGĐ PVN cho rằng thân chủ mình bị kết luận “quanh co chối tội” là sai và luật tố tụng mới cũng không có từ nào nêu về “quanh co chối tội”. Ông Chiến nói: “Ở giai đoạn điều tra, ông Khánh là Đại biểu Quốc hội nhưng mỗi lần triệu tập đều có mặt đầy đủ… Cáo buộc thân chủ của tôi đứng ở vị trí thứ 3 trong vụ án chỉ sau Chủ tịch và TGĐ, phải chăng đây là vụ án xét xử theo chức vụ?”.

 

Luật sư Đỗ Ngọc Quang- bào chữa cho bị cáo Ninh Văn Quỳnh nêu quan điểm: “Nếu thực sự có lợi ích nhóm trong vụ án này như phần luận tội của đại diện VKS thì kính đề nghị đại diện VKS chỉ rõ nhóm lợi ích này có những ai, và lợi ích của nhóm này thể hiện như thế nào, để kết luận chắc chắn”.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.