Thu thuế tài sản bất minh: Cái gốc là quản lý nguồn thu nhập

Biệt phủ xây dựng không phép của Ông Phạm Sỹ Quý, giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái. Ảnh: N.Minh.
Biệt phủ xây dựng không phép của Ông Phạm Sỹ Quý, giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái. Ảnh: N.Minh.
TP - “Việc thu thuế đối với tài sản kê khai không trung thực hoặc giải trình nguồn gốc không hợp lý, không có nghĩa là “đóng dấu” thừa nhận tài sản đó là hợp pháp", ông Đinh Văn Minh, Viện trưởng Viện khoa học Thanh tra - Thanh tra Chính phủ nói.

“Việc thu thuế đối với tài sản kê khai không trung thực hoặc giải trình nguồn gốc không hợp lý, không có nghĩa là “đóng dấu” thừa nhận tài sản đó là hợp pháp. Khi các cơ quan chức năng điều tra, xác định tài sản đó có nguồn gốc bất hợp pháp thì vẫn có thể tịch thu, xử lý trách nhiệm, thậm chí là trách nhiệm hình sự”, ông Đinh Văn Minh, Viện trưởng Viện khoa học Thanh tra - Thanh tra Chính phủ nói. Ông Minh thừa nhận, đây cũng chỉ là một biện pháp trong phòng chống tham nhũng, còn gốc của nó là chúng ta phải quản lý được nguồn thu nhập.

Tịch thu tài sản không dễ

Cơ sở nào để Thanh tra Chính phủ đề xuất quy định đánh thuế 45% tài sản, thu nhập không kê khai hoặc giải trình không hợp lý được quy định trong Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), thưa ông?

Trong thời gian qua, công luận bàn nhiều về những khối tài sản lớn của quan chức và nghi ngờ nó có nguồn gốc từ tham nhũng. Dư luận cũng mong muốn phải làm rõ và tịch thu số tài sản đó ngay, nhưng thực tế không dễ dàng như vậy? Hiện con đường duy nhất để thu hồi tài sản tham nhũng là thông qua bản án hình sự, sau khi đã chứng minh được hành vi tham nhũng và tài sản của người bị kết án được xác định là có nguồn gốc từ hành vi đó. Với các trường hợp khác dường như pháp luật “bó tay”. Vì vậy kết quả thu hồi tài sản tham nhũng trong những năm qua rất khiêm tốn.

Ví dụ với một số “biệt phủ khủng” của quan chức, dư luận nghi ngờ việc giải trình về nguồn gốc tài sản là không hợp lý. Tuy nhiên theo quy định của pháp luật, muốn kết luận đó là tài sản tham nhũng thì phải chứng minh. Có chứng minh được thì mới quy được người ta phạm tội và mới tịch thu được tài sản. Con đường này chắc chắn nhưng rất mất thời gian, khó khăn. Đây cũng là lý do khiến cho việc thu hồi tài sản tham nhũng trong thời gian vừa qua còn thấp.

Do đó để tăng tính hiệu quả trong việc thu hồi tài sản, chúng tôi cho rằng, cần phải có những biện pháp linh hoạt. Đối với những tài sản chưa rõ về nguồn gốc thì phải có cách để làm sao thu được càng nhiều càng tốt. Việc đề xuất đánh thuế 45% đối với tài sản chưa rõ nguồn gốc, hoặc việc giải trình về tài sản, thu nhập tăng thêm không hợp lý là phù hợp.

Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, tài sản không kê khai, không giải trình được nguồn gốc cần tịch thu ngay?

Không thể kết luận ngay rằng, tài sản kê khai không trung thực, không giải trình được nguồn gốc một cách hợp lý là tài sản tham nhũng và tịch thu ngay được. Muốn tịch thu thì phải chứng minh được hành vi tham nhũng và tài sản đó có nguồn gốc từ hành vi đó. Nguyên tắc căn bản của pháp quyền là nguyên tắc suy đoán vô tội, trách nhiệm chứng minh thuộc về cơ quan nhà nước.

Còn thu thuế đối với khối tài sản đó không có nghĩa là chúng ta “đóng dấu” thừa nhận tài sản đó là hợp pháp. Khi các cơ quan chức năng điều tra, xác định tài sản đó có nguồn gốc bất hợp pháp thì vẫn có thể tịch thu, xử lý trách nhiệm, thậm chí là trách nhiệm hình sự. Như vậy việc thu thuế đối với những tài sản không kê khai, không giải trình được nguồn gốc không phải giấy chứng nhận hợp pháp cho những tài sản đó.

Không “đóng dấu” hợp pháp tài sản

Tuy nhiên, có ý kiến lo ngại là nếu thu thuế thì hóa ra lại hợp thức hóa cho khối tài sản đó mà theo suy luận là có dấu hiệu bất minh?

Như tôi đã nói ở trên, việc kê khai không đầy đủ, không trung thực không có nghĩa tài sản đó là bất hợp pháp. Việc thu thuế không có nghĩa là “đóng dấu” hay hợp pháp hóa tài sản đã che dấu. Việc đánh thuế có thể được coi là một biện pháp khả thi và cũng có thể coi đây là một sắc thuế “đặc biệt”. Chúng ta hãy cứ tạm coi đó là khoản thu nhập người ta giấu mà về nguyên tắc là phải kê khai thu nhập, nộp thuế nay phát hiện ra thì phải truy thu. Ví dụ như anh có 5 tỷ đồng nhưng chỉ kê khai 2 tỷ, khi bị phát hiện thì đánh thuế rất nặng 3 tỷ còn lại. Ngoài thuế bình thường còn phạt vì hành vi trốn thuế.

Qua tham khảo một số sắc thuế chúng ta đưa ra mức đánh thuế 45%. Tuy nhiên, đến một lúc nào đó sẽ phải đánh thuế rất nặng. Đề xuất này nếu được thực thi sẽ phát huy tác dụng, kể cả người bị thu, họ dễ chấp nhận vì đó là tài sản chưa đóng thuế bây giờ đóng. Chứ nếu chờ cho đến khi chứng minh phạm tội thì phải qua trình tự tố tụng rất phức tạp, số lượng thu sẽ không được bao nhiêu, còn thu thuế thì sẽ thu được rất nhanh, thậm chí người ta cũng nộp rất nhanh.

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một cách thức, một giải pháp thôi. Điều quan trọng là phải quản lý đầu vào một cách minh bạch thì lúc đó mới nói đến chuyện tài sản không giải trình được là bất minh.

Như vậy, việc đánh thuế cũng chỉ là biện pháp ngọn, chứ chưa phải là giải pháp căn cơ để nâng cao hiệu quả phòng chống tham nhũng, kiểm soát tài sản, thu nhập của những người thuộc diện kê khai tài sản?

Chúng ta đừng quá kỳ vọng Luật Phòng chống tham nhũng sẽ giải quyết được mọi thứ vì đây chỉ là luật khung, bên cạnh đó còn nhiều luật rất quan trọng khác như luật thuế, đề án không sử dụng tiền mặt, các đạo luật liên quan đến cơ chế phát hiện và xử lý như thanh tra, kiểm toán, điều tra, rồi các cơ chế phát huy vai trò giám sát của người dân, cơ quan báo chí và xã hội... Do đó, việc đánh thuế 45% đối với tài sản, thu nhập không kê khai hoặc giải trình không hợp lý cũng chỉ là một biện pháp thôi, còn gốc của nó là chúng ta phải quản lý được nguồn thu nhập. Thực tế hiện nay có hiện tượng vô lý là lương khu vực tư 10- 15 triệu/tháng, khu vực công chỉ 5- 7 triệu mà vẫn cứ “chạy” tiền tỷ để vào làm công chức. Đó là vì lương chỉ là một phần thu nhập, trong tổng số thu nhập (hợp pháp) khác của công chức mà chính chúng ta không thể kiểm soát được. Do đó, nếu tất cả giao dịch đều phải qua ngân hàng, đều chuyển khoản chúng ta sẽ thấy ngay công chức đó một tháng thu nhập bao nhiêu. Khi đã sử dụng tài khoản thì không chạy vào đâu được vì có số tiền, ngày giờ cụ thể. Ở nước ngoài giao dịch 10 Euro trở lên là không có chuyện tiền mặt.

Cảm ơn ông.

“Thực tế hiện nay có hiện tượng vô lý là lương khu vực tư 10- 15 triệu/tháng, khu vực công chỉ 5- 7 triệu mà vẫn cứ “chạy” tiền tỷ để vào làm công chức. Đó là vì lương chỉ là một phần thu nhập, trong tổng số thu nhập (hợp pháp) khác của công chức mà chính chúng ta không thể kiểm soát được. Do đó, nếu tất cả giao dịch đều phải qua ngân hàng, đều chuyển khoản chúng ta sẽ thấy ngay công chức đó một tháng thu nhập bao nhiêu”.     

 Ông Đinh Văn Minh

MỚI - NÓNG