Tìm xe quá tải chưa nộp tiền bảo kê rồi 'mật báo' để CSGT xử lý?

Quang cảnh phiên tòa sáng 5/11.
Quang cảnh phiên tòa sáng 5/11.
TPO - Bị cáo khai ngoài việc thu tiền bảo kê, mình còn có nhiệm vụ tuần tra, dò la các tuyến đường để phát hiện các xe quá tải chưa nộp tiền rồi báo về, cho CSGT xử lý.

Sáng 5/11, TAND tỉnh Bắc Ninh xét xử Phạm Văn Phương (SN1975, ở Hà Nam) - GĐ Cty CP xây dựng và thương mại PNV về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Các nhân viên của Phương gồm Phùng Đức Ngọc (SN 1986, ở Hà Nội), Lê Văn Hiếu (SN 1988, ở Hà Nội) hầu tòa về tội “Môi giới hối lộ”

Liên quan vụ án, các bị cáo Trần Huy Lâm (SN 1980, ở Bắc Giang) - lái xe; Ngô Sĩ Bảo (SN 1987, ở Bắc Giang) - kinh doanh; Đinh Văn Hải (SN 1968, ở Bắc Ninh) - kinh doanh bị truy tố về tội “Đưa hối lộ”. Cả 3 bị cáo này được xác định vừa là bị hại trong hành vi lừa đảo của bị cáo Phương, vừa là bị cáo do đưa tiền cho các bị cáo Ngọc, Hiếu nhằm chuyển cho CSGT, TTGT để không bị xử phạt xe quá tải.

Theo truy tố, từ tháng 6 - 7/2016, Phương có hành vi chỉ đạo Hiếu và Ngọc nhận hơn 1,6 tỷ đồng từ các bị cáo Lâm, Bảo, Hải và 3 nhà xe khác để bảo kê 359 ô tô quá tải trên địa bàn Bắc Ninh, Bắc Giang. Ngày 19/7/2016, khi Ngọc đang nhận 48 triệu đồng từ một lái xe để bảo kê liền bị công an bắt giữ.

Ban đầu, Phương khai đưa một phần tiền cho ông Đỗ Văn Huyền - Trưởng phòng CSGT Bắc Giang và các thuộc cấp của ông Huyền là Nguyễn Đức Dũng, Triệu Anh Quý. Tại Bắc Ninh, Phương được Lê Quang Dũng - cán bộ C46 Bộ Công an giới thiệu đưa tiền cho Ngô Thanh Quý, Nguyễn Thanh Hiên là 2 đội trưởng thuộc Phòng CSGT Bắc Ninh.

Sau đó, Phương thay đổi lời khai, nói đã chiếm đoạt hết tiền, các lời khai trước do nhớ nhầm, không tỉnh táo. Các cán bộ nói trên cũng không thừa nhận cầm tiền của Phương nên CQĐT không có căn cứ làm rõ.

Tại tòa, các CSGT và bị hại là 3 nhà xe đã đưa tiền cho Phương đều vắng mặt. Từ đề nghị của luật sư, chủ tọa cho biết sẽ triệu tập họ nếu thấy cần thiết vì phiên tòa diễn ra trong thời gian dài.

Tại phần xét hỏi, bị cáo Phùng Đức Ngọc khai đã cùng Hiếu nhận chỉ đạo của Phương nhận tin nhắn, cuối tháng đi lấy từ 1,3 đến 8 triệu đồng/xe quá tải cần bảo kê tại Bắc Giang, Bắc Ninh (gồm 5,5 triệu đồng cho CSGT, 2,5 triệu đồng cho TTGT). Tiền sau đó được chuyển về cho Phương, Ngọc không nắm rõ Phương có chuyển cho cảnh sát hay không

Ban đầu, các bị cáo phát cho xe quá tải logo An Hùng để CSGT nhận diện nhưng sợ bị lộ nên chuyển sang nhắn tin. Các tin nhắn chứa biển số xe quá tải đã nộp tiền sẽ được chuyển tiếp tới số lưu trong điện thoại là “QuyBN” - tức ông Quý, CSGT tỉnh Bắc Ninh.

Chủ tọa yêu cầu nói rõ về anh Quý, bị cáo Ngọc khai từng được Phương đưa đi ngồi uống nước cùng anh Quý và anh Hiên là CSGT nhưng không trao đổi, không biết việc các anh có bảo kê xe quá tải hay không. Chủ tọa công bố hồ sơ, yêu cầu Ngọc giải thích việc từng gọi cho anh Quý hàng trăm cuộc.

Trả lời HĐXX, Ngọc khai tất cả cuộc gọi tới ông Quý để xin cho các xe quá tải đang bị CSGT kiểm tra; khi gọi, đầu dây bên kia chỉ đáp “Được rồi”. Sau đó, đa phần các xe quá tải được cho đi mà không xử phạt.

Trường hợp các xe bị lập biên bản, Phương yêu cầu họ mang biên lai về cho Ngọc để bồi thường. Trên thực tế, Ngọc đã nhiều lần bồi thường tiền phạt cho xe quá tải. Chỉ có 1 trường hợp xe bị Cục CSGT xử phạt nên Ngọc không trả tiền vì thỏa thuận chỉ bảo kê với CSGT 2 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang.

Đáng chú ý, chủ tọa đặt câu hỏi ngoài việc thu tiền, nhắn tin cho “Quy BN”, bị cáo có đi kiểm tra các tuyến đường, dò la nếu phát hiện xe quá tải chưa nộp tiền cho mình sẽ báo lại CSGT? Ngọc thừa nhận hành vi này nhưng khẳng định khi phát hiện xe quá tải, bị cáo chỉ báo cho Phương. Sau đó, các xe quá tải này sẽ bị xử lý nếu tiếp tục không nộp tiền bảo kê.

Một luật sư đề nghị Ngọc so sánh tần suất bị kiểm tra, xử phạt của xe quá tải trước và sau khi đóng tiền bảo kê. Bị cáo đáp: “Đúng là sau khi nộp tiền, xe ít bị kiểm tra hơn”.

MỚI - NÓNG