5 năm cuộc chiến phòng chống tham nhũng, Bài 1:

Tội phạm sụp đổ theo dây chuyền

Trong 5 năm, nhiều quan chức, lãnh đạo ở các lĩnh vực từ quân sự tới dân sự đã bị xử lý vì các tội liên quan tham nhũng, kinh tế, chức vụ.
Trong 5 năm, nhiều quan chức, lãnh đạo ở các lĩnh vực từ quân sự tới dân sự đã bị xử lý vì các tội liên quan tham nhũng, kinh tế, chức vụ.
TP - Từ năm 2016 đến nay, gần 15.000 người bị khởi tố về các tội liên quan tham nhũng, kinh tế, chức vụ. Rất nhiều trong số đó là cán bộ, lãnh đạo cấp cao ở nhiều lĩnh vực từ an ninh quốc phòng đến kinh tế xã hội.

Nóng trên mọi mặt trận

Năm 2013, luồng hàng hải Cái Lân - Hòn Gai bị bồi lấp bùn, đe dọa hoạt động của tàu thuyền. Cơ quan chức năng mở gói thầu nạo vét, duy tu. Để trúng gói thầu này, 2 người đứng đầu Cty Tân Việt là Trịnh Văn Thắng và Vũ Thanh Huyền đã chi cho các lãnh đạo có thẩm quyền số tiền bằng 50% giá trúng thầu. Lúc thi công, Cty Tân Việt đổ bùn chỉ cách vị trí nạo vét 2 - 3km thay vì cách khoảng 50km như trong hợp đồng, chiếm đoạt 7,8 tỷ đồng. Các ông Thắng, Huyền sau đó chịu lần lượt 24 và 22 năm tù; những quan chức nhận hối lộ cũng lĩnh án.

Trên đây là một trong số những vụ án được Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng (gọi tắt là Ban chỉ đạo) yêu cầu xử lý trong năm 2016 - năm đầu thực hiện nghị quyết của Đại hội Đảng khóa XII. Các năm tiếp theo, Viện KSND Tối cao đưa ra thống kê, tỷ lệ phát hiện, khởi tố, xét xử tội phạm về kinh tế, tham nhũng năm sau luôn cao hơn năm trước. Năm 2016, có 207 vụ với 428 bị can. Đến năm 2019 đã tăng hơn gấp đôi, với 418 vụ và 925 bị can.

Viện kiểm sát, tòa án đã đưa ra truy tố, xét xử những bị can là cán bộ có chức vụ rất cao, ở tất cả các lĩnh vực kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng. Điển hình như vụ ông Đinh La Thăng; các cựu Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, Nguyễn Bắc Son…

Mới đây nhất, ngay trong tháng 7/2020, cơ quan tố tụng đã khởi tố các bị can Vũ Huy Hoàng, Hồ Thị Kim Thoa, nguyên Bộ trưởng và Thứ trưởng Bộ Công thương. Tại cuộc họp thứ 18 (tháng 7/2020), Ban chỉ đạo công bố số liệu thể hiện, từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay đã xử lý kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý gồm 24 nguyên Ủy viên hoặc Ủy viên T.Ư Đảng; 2 Ủy viên Bộ Chính trị, 1 nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, 26 sĩ quan cấp tướng.

Vướng vòng lao lý theo tội phạm

Tháng 12/2017, Phan Văn Anh Vũ, thượng tá tình báo công an bị khởi tố sau đó bị xác định giữ vai trò chính trong 4 vụ án khác nhau gồm làm lộ bí mật Nhà nước, vụ lạm dụng chức vụ để chiếm đoạt hơn 200 tỷ đồng của ngân hàng Đông Á và 2 vụ án sai phạm đất đai. Qua 8 phiên tòa từ Bắc vào Nam, Vũ “nhôm” nhận 30 năm tù giam.

Các vụ án liên quan đến ông Vũ cũng khiến một loạt quan chức, cán bộ ở các lĩnh vực khác nhau vướng lao lý. Có thể kể đến Trần Phương Bình - nguyên Tổng GĐ ngân hàng Đông Á; Thượng tướng Trần Việt Tân; các Trung tướng Bùi Văn Thành,  Phan Hữu Tuấn; 2 cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng là Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến… Cơ quan tố tụng xác định các quan chức này đã tạo điều kiện cho Phan Văn Anh Vũ chiếm đoạt hoặc gây thất thoát hàng chục nghìn tỷ đồng.

Theo ghi nhận, trên đây là một trong nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng khi cơ quan chức năng “chặt đúng mắt xích” quan trọng khiến cả đường dây sụp đổ. Một ví dụ khác, năm 2017, Hà Văn Thắm - nguyên Chủ tịch ngân hàng Đại Dương (OceanBank) và 50 đồng phạm bị xét xử về các hành vi tham ô, lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản, vi phạm hoạt động của ngân hàng, cố ý làm trái… cao nhất là Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Tổng GĐ OceanBank nhận án tử hình về 4 tội danh.

Việc xử lý ông Hà Văn Thắm kéo theo các lãnh đạo tổ chức tài chính khác phải ngồi tù như Phạm Công Danh, Hứa Thị Phấn và tòa án cũng kiến nghị tiếp tục điều tra giai đoạn 2 vụ án. Sau đó, hàng loạt cán bộ, lãnh đạo ngành dầu khí đã tra tay vào còng số 8 như các bị cáo Phùng Đình Thực, Ninh Văn Quỳnh…

Đặc biệt là  ông Đinh La Thăng (nguyên chủ tịch HĐQT PVN) phải nhận 18 năm tù vì cố ý làm trái khi quyết định mang 800 tỷ đồng của PVN vào OceanBank và sau đó số tiền này “mất trắng”. Đã có 6 vụ án khác nhau được xử lý trong giai đoạn 2 vụ án Hà Văn Thắm và các bị cáo chủ yếu bị xác định có hành vi lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản thông qua việc đưa tiền của doanh nghiệp mình gửi vào OceanBank rồi được ngân hàng “lại quả”.

Gọi tên các đồng chí “chưa bị lộ”

Trò chuyện với phóng viên Tiền Phong, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư cho rằng, đất nước ta ngày một đi sâu vào nền kinh tế thị trường. Trước những cám dỗ ngày càng lớn, có một thực tế là một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên không kiềm chế được bản thân. Đảng ta đã thấy những nguy cơ ngay từ Đại hội VII, đề ra các giải pháp khắc phục. Đến Đại hội VIII, Đảng ta có Nghị quyết T.Ư 6 (lần 2). Tiếp đến, Đại hội XI có Nghị quyết T.Ư 4, nhưng thấy chưa đủ, Đại hội XII lại tiếp tục có Nghị quyết T.Ư 4.

Theo ông Hùng, cuộc chiến này là cuộc chiến chống kẻ thù trong  con người  đồng chí  mình, mà có đồng chí lại ở cương vị, địa vị cao. Nên “phải làm như thế nào để không trở thành tan hoang, mất đoàn kết. Chỉnh đốn Đảng phải làm cho Đảng đoàn kết, thống nhất hơn. Chỉ như vậy mới có sức mạnh, mới tập hợp được quần chúng nhân dân”.

 Theo ông Hùng, việc xử lý hàng hoạt cán bộ thời gian qua là đáng buồn, đau xót, nhưng không thể khác được. “Muốn cứu chế độ, muốn Đảng thực sự là lực lượng cách mạng lãnh đạo đất nước, lãnh đạo nhân dân thì phải làm trong sạch Đảng. Cho nên việc này bây giờ  không có vùng cấm”, ông Hùng nói.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư cho rằng, nhiều cán bộ bị kỷ luật là điều không vui, nhưng điều đáng mừng là Đảng đã rất nghiêm khắc và cần phải tiếp tục nghiêm khắc hơn nữa. Phải làm rõ “các đồng chí chưa bị lộ”; làm tốt công tác giáo dục, công tác kiểm tra, công tác tổ chức để những người không xứng đáng phải bị đưa ra khỏi bộ máy, hay những người tự thấy không xứng đáng cũng phải tự giác xin rút lui. Bên cạnh đó, phải kiên quyết thu hồi tài sản tham nhũng.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư  cho rằng, thời gian qua, công tác kiểm tra, xử lý, kỷ luật của Đảng đã làm được nhiều việc, lấy lại lòng tin của nhân dân. Phải làm mạnh hơn nữa để “soi chiếu” vào các đồng chí chưa bị lộ. Muốn thế, phải dựa vào nhân dân. “Không nể nang né tránh, không dính líu thì mới làm đến nơi đến chốn được. Chứ nếu nể nang, né tránh, há miệng mắc quai thì không làm gì được. Cái này Tổng Bí thư  nói nhiều rồi. Bây giờ cụ thể triển khai thôi”, ông Hùng nói.

 “Đảng đã nhận ra nguy cơ tồn vong, sống còn của Đảng và chế độ. Nói đến mức như thế là một báo động rất lớn. Trong thời gian qua, với sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, đặc biệt là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúng ta thực hiện chống tham nhũng rất kiên quyết. Đây là cuộc đấu tranh để chấn chỉnh, chỉnh đốn nội bộ nên phải rất bản lĩnh, kiên định”.
 Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra T.Ư Vũ Quốc  Hùng

MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.