Những sai phạm khiến cựu Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Cao su bị khởi tố

Trụ sở Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (ảnh lớn), ông Lê Quang Thung (ảnh nhỏ).
Trụ sở Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (ảnh lớn), ông Lê Quang Thung (ảnh nhỏ).
TP - Đầu tư ngoài nghề kinh doanh chính hơn 2.420 tỷ đồng; có đơn vị dùng cả quỹ phúc lợi để góp vốn vào Cty “sân sau”; cố ý làm trái trong quá trình thực hiện dự án, sử dụng vốn vay...  là một số sai phạm được cơ quan chức năng chỉ ra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và các đơn vị thành viên.

Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) – Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét và áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với 5 bị can: Lê Quang Thung - nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG); Nguyễn Thành Châu - nguyên GĐ Cty Cao su Đồng Nai (DNRC); Nguyễn Văn Minh - nguyên Kế toán trưởng DNRC; Nguyễn Hồng Phú - nguyên GĐ Cty Cao su Phú Riềng (PRK); Hoàng Văn Sơn - Kế toán trưởng PRK cùng về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại Điều 165 - Bộ luật Hình sự.

Góp vốn cá nhân để điều hành Cty “sân sau”

Trước đó, tại kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ (TTCP) số 2341/KL-TTCP năm 2014, TTCP chỉ ra nhiều khuyết điểm, vi phạm trong việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn và tài sản của VRG, DNRC, PRK và các đơn vị thành viên.

Tính đến 31/12/2011, VRG đã đầu tư ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính hơn 2.420 tỷ đồng, chiếm 13,03% vốn điều lệ và chiếm 13,25% tổng vốn đầu tư tài chính, chủ yếu lấy từ nguồn vốn điều lệ do nhà nước đầu tư. Theo TTCP, việc thiếu tính toán, đầu tư dàn trải là một phần nguyên nhân dẫn đến tỷ suất lợi nhuận rất thấp, nhiều khoản đầu tư trong nhiều năm không có lợi nhuận, một số khoản tiềm ẩn nguy cơ mất vốn với giá trị lớn.

Cụ thể, VRG đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào các Cty hoạt động trong các lĩnh vực thủy điện, xi măng, kinh doanh khách sạn, thép, chứng khoán… song hầu như trong nhiều năm liên tục không có lợi nhuận được chia. Đơn cử, VRG đầu tư hơn 390 tỷ đồng vào Cty CP Đầu tư thủy điện VRG Phú Yên, Cty CP Xi măng FICO Tây Ninh, Tổng Cty xây dựng miền Trung nhưng trong 5 năm liên tục (từ 2006 - 2011) không có lợi nhuận được chia. VRG còn đầu tư hơn 224 tỷ đồng vào Cty CP Thương mại và Du lịch Cao su (chủ yếu kinh doanh khách sạn Móng Cái) song chỉ năm 2008 được chia 224 triệu đồng, còn những năm sau đó đều lỗ.

Thanh tra còn phát hiện, một số lãnh đạo VRG tham gia góp vốn cá nhân, gia đình để sáng lập và lãnh đạo, quản lý, điều hành hoạt động Cty CP Chế biến và xuất nhập khẩu thủy sản Đồng Tháp (DSEC). Trong đó, nguyên Chủ tịch HĐQT VRG kiêm chức Chủ tịch HĐQT DSEC; TGĐ Cty CP Công nghiệp và Xuất nhập khẩu Cao su (Cty XNK Cao su) kiêm Tổng giám đốc DSEC… vi phạm Luật Doanh nghiệp 2005.  Bên cạnh đó, một số Cty “con” của VRG cũng tham gia góp vốn vào DSEC khi chưa được Tập đoàn đồng ý, cá biệt có đơn vị dùng cả quỹ phúc lợi để đầu tư, góp vốn vào Cty “sân sau” của các vị quan chức ngành cao su.

Cơ quan thanh tra đánh giá, việc đầu tư góp vốn và hoạt động kinh doanh của Cty DSEC có nhiều sai phạm, gây thiệt hại lớn cho nhà nước và doanh nghiệp, lỗ liên tục, đến nay mất hết vốn điều lệ khoảng 144 tỷ đồng và dư nợ không có khả năng thanh toán hơn 253 tỷ đồng.

Đầu tư sai, thất thoát nghìn tỷ

Kết luận thanh tra cũng cho thấy, Cty cao su Phú Riềng thực hiện dự án đầu tư trồng 6.000 cây cao su tại Campuchia theo giấy chứng nhận đầu tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) nhưng không được cơ quan thẩm quyền thẩm định, điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư và quy mô dự án khi chưa có giấy phép đầu tư điều chỉnh của Bộ KH&ĐT cấp. Việc ký kết, thực hiện hợp đồng tư vấn và dịch vụ đất tô nhượng và mua đất tại Campuchia liên quan tới dự án chậm, diện tích đất sang nhượng không đủ, không đúng trình tự.

TTCP cũng xác định, Cty cao su Phú Riềng sử dụng vốn đầu tư sai mục đích, đầu tư các dự án khác khi chưa được phép đầu tư tại Campuchia. Cụ thể, tạm ứng 600.000 USD cho Cty Phát triển Đông Bắc để hợp tác kinh doanh dịch vụ xin tô nhượng đất tại Campuchia sai chức năng kinh doanh; Đầu tư hơn 1,8 triệu USD vào dự án khác trồng 4.000 ha cao su tại Campuchia và xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su khi chưa được phép. Ngoài ra, Cty cao su Phú Riềng đã vay vốn của nhiều đơn vị trong ngành cao su, không có khả năng trả.

Cty này dù có báo cáo hàng năm về một số chi tiêu tài chính nhưng không đầy đủ, chính xác, không có phân tích đánh giá và kiến nghị giải pháp xử lý dẫn đến dự án đầu tư không hiệu quả, mất vốn và dư nợ không có năng thanh toán trên 600 tỷ đồng.

Còn tại Cty Cao su Đồng Nai (DNRC), kết luận thanh tra chỉ ra rằng, người đại diện vốn của DNRC cùng lúc hưởng thù lao tại 2 doanh nghiệp từ năm 2006 đến 2008 là thực hiện không đúng quy định về tiền lương thưởng và quyền lợi khác của người đại diện tại Điều 47, Nghị định 199/2004/NĐ-CP.

Theo báo cáo của VRG, tổng giá trị lợi nhuận chưa phân phối đến ngày 31/12/2011 còn để lại tại 4 Cty cổ phần có vốn góp của VRG và kết quả do TTCP tính toán lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của VRG tại 4 Cty cổ phần này (Phước Hòa, Hòa Bình, Đồng Phú và Tây Ninh) là hơn 935 tỷ đồng. Việc làm này của VRG thể hiện công tác quản lý, sử dụng vốn kém hiệu quả, lãng phí vốn của Nhà nước.

Qua thanh tra việc thanh lý 51.495 ha cao su (từ năm 2006-2011) cho thấy, một số đơn vị tự tổ chức bán đấu giá thanh lý vườn cao su có diện tích 4.740 ha, thu được hơn 1,5 nghìn tỷ đồng khi không có chức năng tổ chức bán đấu giá, không có đấu giá viên. Trong khi đó, việc xây dựng giá sàn để bán thanh lý vườn cao su của các đơn vị trình VRG phê duyệt chưa đầy đủ cơ sở pháp lý.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.