Vụ buôn lậu gỗ trắc 'khủng' ở Quảng Trị: Lần thứ hai tòa trả hồ sơ

Các bị cáo tại tòa. Ảnh: Phương Trang.
Các bị cáo tại tòa. Ảnh: Phương Trang.
TPO - Sáng 6/5, TAND thành phố Đà Nẵng khai mạc phiên sơ thẩm (lần hai) xét xử vụ án buôn lậu gỗ trắc xảy ra ở tỉnh Quảng Trị. Đây là vụ án gây nhiều tranh cãi có tội hay không trong nhiều năm qua, khởi tố ngày 6/4/2012. Lần này xét xử theo cáo trạng của Viện KSNDTC ngày 25/1/2016.

Hội đồng xét xử do Thẩm phán Nguyễn Thị Cảnh làm chủ tọa. Cả 5 bị cáo có mặt, gồm vợ chồng chủ Cty TNHH MTV Ngọc Hưng (Cty Ngọc Hưng) là ông Trương Huy Liệu và bà Trần Thị Dung bị truy tố tội buôn lậu. Ba công chức hải quan bị truy tố tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng: ông Đỗ Lý Nhi, Lê Xuân Thành ở Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị và Đỗ Danh Thắng ở Cục Hải quan Đà Nẵng. Người có quyền và nghĩa vụ liên quan là Cục Điều tra chống buôn lậu của Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị, thành phố Đà Nẵng cùng hàng chục nhân chứng và 8 luật sư bào chữa cho các bị cáo có mặt.

Theo cáo trạng, ngày 17/12/2011, ông Liệu nhận lô gỗ chở trong 13 xe từ Lào tại cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị), khai báo hải quan và đóng thuế. Hai ngày sau, ông xuất nguyên lô gỗ (xếp vào 22 container) sang Hồng Công, trên đường chở xuống tàu ở cảng Đà Nẵng thì bị bắt giữ và khởi tố tội “buôn lậu”.

Cáo trạng cho rằng, “ông Trương Huy Liệu chỉ đạo nhân viên Cty Ngọc Hưng làm giả hồ sơ, tài liệu, sau đó sử dụng bộ hồ sơ này để nhập khẩu, xuất khẩu 614,672 m3 gỗ không rõ nguồn gốc, xuất xứ theo quy định của pháp luật, trị giá 63.619.706.500 đồng”. Bà Dung “có hành vi góp sức cho Trương Huy Liệu”. Còn ông Đỗ Lý Nhi và Lê Xuân Thành được giao nhiệm vụ kiểm hoá lô hàng xuất khẩu “đã không làm đầy đủ trách nhiệm được giao”. Ông Đỗ Danh Thắng cũng “không làm hết trách nhiệm”, để tốn chi phí bốc lên, lưu bãi, kẹp chì hơn 25 triệu đồng.

Tại tòa, các bị cáo bác bỏ toàn bộ cáo trạng, thậm chí ông Nhi còn cho rằng “những người làm nên cáo trạng đã làm trái pháp luật”. Bởi lẽ, cáo trạng đã xác định lô gỗ nhập khẩu từ Lào, rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đại diện Hải quan cửa khẩu Lao Bảo khẳng định, lô gỗ nhập từ Lào được kê khai đóng thuế đúng theo các quy định của pháp luật và đây là hàng hóa không cấm nhập khẩu, xuất khẩu. Không có gỗ lậu thì không có hành vi buôn lậu.

Về khối lượng lô gỗ, Cty Ngọc Hưng khai khi nhập cũng như xuất là 535,8 m3 gỗ trắc. Cáo trạng cho rằng lô gỗ 614,672 m3 và trong đó có 23,828 m3 gỗ giáng hương, việc khai khống này “vi phạm pháp luật”. Tại tòa, các bị cáo bác bỏ con số của cáo trạng, bởi cho rằng được làm ra không đúng luật. Vì đó là con số giám định của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, trong khi Viện này không có tư cách pháp nhân về giám định tư pháp, phương pháp giám định cũng sai là cân gỗ lên để quy ra khối lượng.

Các cơ quan tố tụng còn đưa ra hai con số khối lượng gỗ. Ban đầu, Cục Điều tra chống buôn lậu khởi tố vụ án thì biên bản tạm giữ lô gỗ ghi chỉ gần 453 m3. Sau đó, hồ sơ chuyển sang Bộ Công an, Cơ quan CSĐT (C44) trưng cầu giám định ra hơn 614 m3. Trong quá trình điều tra, C44 ra quyết định bán lô gỗ ghi là theo kê khai hải quan của Cty Ngọc Hưng và biên bản tạm giữ, nhưng Trung tâm Dịch vụ Bán đấu giá tài sản của Sở Tư pháp Hà Nội lại tổ chức bán theo khối lượng của giám định. Luật sư hỏi đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu là có ý kiến gì về việc giám định và bán vật chứng? Vị đại diện Cục Điều tra trả lời, bán vật chứng là sai, còn con số giám định và việc bán thì phải hỏi các cơ quan liên quan. Những cơ quan liên quan đã được các luật sư kiến nghị triệu tập ra tòa nhưng không có mặt nên không thể làm rõ.

Chiều tối cùng ngày, Chủ tọa Hội đồng xét xử Nguyễn Thị Cảnh tuyên dừng phiên tòa vì mới thẩm vấn đã có nhiều vấn đề không thể làm rõ tại tòa nên trả hồ sơ cho cơ quan điều tra làm rõ. Trong đó có yêu cầu giám định lại lô gỗ để xác định chính xác khối lượng và điều tra chứng cứ cung cấp tại tòa về dấu hiệu ép cung nhân chứng Trần Đình Quang.

Diễn biến vụ án:

Ngày 6/4/2012, Cục Điều tra chống buôn lậu của Tổng cục Hải quan ra quyết định khởi tố vụ án và chuyển hồ sơ cho Cơ quan CSĐT (C46) Bộ Công an. Hơn hai tháng điều tra, C46 có công văn kết luận: “Chưa đủ yếu tố cấu thành tội buôn lậu” nên trả hồ sơ.Sau đó, hồ sơ chuyển sang C44 của Bộ Công an.

Ngày 10/1/2014, C44 quyết định bán lô gỗ vật chứng được 63 tỷ 920 triệu đồng, sau khi trừ các khoản cho phí còn 60 tỷ 801.217.688 đồng; theo ông Liệu là rẻ mất khoảng 250 tỷ đồng.

Ngày 7/5/2014, Viện KSNDTC có cáo trạng sau hai lần yêu cầu C44 điều tra bổ sung.

Ngày 30 và 31/10/2014, TAND thành phố Đà Nẵng xử sơ thẩm nhưng chưa đủ chứng cứ buộc tội nên trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Ngày 25/1/2016, Viện KSNDTC có cáo trạng sau hai lần yêu cầu C44 điều tra bổ sung.

MỚI - NÓNG