Xe khách tông xe cứu hỏa: Lỗi không thuộc về tài xế xe khách?

Hình ảnh xe cứu hỏa vào cao tốc trước khi bị xe khách đâm trúng. Ảnh: Cắt từ clip.
Hình ảnh xe cứu hỏa vào cao tốc trước khi bị xe khách đâm trúng. Ảnh: Cắt từ clip.
TP - Luật sư Trần Thu Nam - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, để xác định lỗi của tài xế xe khách và người điều khiển xe cứu hỏa, cơ quan điều tra cần thực nghiệm hiện trường, giám định vết phanh, tầm nhìn thực của tài xế trong điều kiện mưa mù, đồng thời xác định việc nhập làn ngược chiều vào cao tốc của xe cứu hỏa có đảm bảo đầy đủ các biện pháp an toàn?

Thực nghiệm hiện trường

Nguồn tin của Tiền Phong ngày 26/3 cho biết, Cơ quan điều tra (CQĐT) Công an TP Hà Nội chưa khởi tố vụ xe khách va chạm với xe cứu hỏa trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (Hà Nội) khiến một chiến sỹ cảnh sát PCCC tử vong, nhiều người khác bị thương xảy ra 8 ngày trước.

Liên quan tới vụ việc, trao đổi với Tiền Phong, luật sư Trần Thu Nam - Đoàn luật sư Hà Nội cho biết, ông nhận được lời đề nghị hỗ trợ pháp lý cho anh Đỗ Mạnh Hùng - tài xế xe khách cùng với 4 luật sư khác. Ngoài ra, phía nhà xe Hải Hà cũng mời luật sư Lê Văn Thiệp là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Ngoài việc trợ giúp pháp lý cho tài xế Mạnh, ông cũng muốn được làm rõ các quy định liên quan đến xe ưu tiên.

Theo luật sư Nam, thông qua clip ghi lại vụ việc có thể thấy, lỗi không thuộc về tài xế xe khách. Còn người điều khiển xe cứu hỏa (xe ưu tiên) thực hiện quyền ưu tiên, điều khiển xe nhập vào làn cao tốc ngược chiều dẫn tới va chạm đã vi phạm quy định đảm bảo an toàn giao thông, quy định tại Điều 4 - Luật giao thông đường bộ (?!).

CQĐT đã lấy lời khai của tài xế, phụ lái, hành khách và một số nhân chứng tại hiện trường để xác định tầm nhìn của tài xế có bị che khuất, xe cứu hỏa có sử dụng còi báo động hay không; đồng thời xác định thời điểm người ngồi trên xe khách phát hiện xe cứu hỏa đi vào cao tốc cách bao xa. Để xác định lỗi của từng bên, cơ quan điều tra cũng cần thực nghiệm lại hiện trường, giám định vết phanh, đo tốc độ, tầm nhìn thực của tài xế xe khách trong điều kiện mưa mù.

Xe khách tông xe cứu hỏa: Lỗi không thuộc về tài xế xe khách? ảnh 1 Hiện trường vụ tai nạn.

Đề nghị sửa luật

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho tài xế Hùng cũng cho rằng, quy trình thực hiện công vụ của xe cứu hỏa cũng cần được cơ quan điều tra làm rõ. Cụ thể, sau khi tiếp nhận thông tin sự cố tai nạn trên cao tốc Pháp Vân, lực lượng cảnh sát PCCC có thông báo và nhận được sự hỗ trợ của CSGT, Trung tâm quản lý, cứu hộ cứu nạn trên cao tốc hay không? Quá trình nhập làn ngược chiều trên cao tốc, xe cứu hỏa có được thông báo an toàn từ lực lượng phối hợp và xe cứu hỏa có thực hiện đầy đủ các biện pháp nghiệp vụ theo quy định?

Theo luật sư Nam, quy định hiện hành trao cho xe cứu hỏa quyền ưu tiên rất lớn, gần như tuyệt đối. Khi một phương tiện được hưởng quyền ưu tiên quá lớn như vậy cần phải đảm bảo an toàn cho phương tiện khác nếu không rất có thể dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc, thậm chí lạm quyền khi thực hiện công vụ. Nếu thực hiện quyền ưu tiên một cách vô tội vạ, vi phạm gây tai nạn chết người thì người điều khiển xe này còn vi phạm quyền được sống của người khác.

“Cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu sửa luật hoặc ra văn bản hướng dẫn cụ thể cho phương tiện ưu tiên khi vào cao tốc. Khi xe ưu tiên thực hiện công vụ khẩn cấp cần phải cho phương tiện khác điều kiện thời gian, không gian để tài xế thực hiện nghĩa vụ tránh đường bằng các nghiệp vụ như: CSGT hướng dẫn phân luồng, thông báo lên đài VOV giao thông, cấm đường khu vực gặp sự cố… đảm bảo 100% các phương tiện đang lưu thông trên đó biết”, luật sư Nam nói.

Xe ưu tiên có những quyền gì?

Còn luật sư Nguyễn Anh Thơm- Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, Luật giao thông đường bộ 2008 quy định: Xe ưu tiên là những loại phương tiện thực thi công vụ, không bị hạn chế tốc độ và được phép đi vào đường ngược chiều hoặc bất cứ các đường nào khác có thể đi được, kể cả khi đã có tín hiệu đèn đỏ, nhưng phải tuân theo sự chỉ dẫn của người điều khiển giao thông.

Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, trong vụ việc này để có căn cứ xem xét trách nhiệm các bên, cần thiết phải làm rõ mức độ lỗi của người lái xe cứu hỏa và xe khách. Nếu có căn cứ xác định lái xe khách do thiếu quan sát, không nhường đường cho xe ưu tiên dù có đủ khả năng để quan sát mà không chủ động giảm tốc, nhường đường dẫn đến gây hậu quả nghiêm trọng thì có dấu hiệu vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 BLHS 2015.

Theo luật sư Nam, quy định hiện hành trao cho xe cứu hỏa quyền ưu tiên rất lớn, gần như tuyệt đối. Khi một phương tiện được hưởng quyền ưu tiên quá lớn như vậy cần phải đảm bảo an toàn cho phương tiện khác nếu không rất có thể dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc, thậm chí lạm quyền khi thực hiện công vụ. Nếu thực hiện quyền ưu tiên một cách vô tội vạ, vi phạm gây tai nạn chết người thì người điều khiển xe này còn vi phạm quyền được sống của người khác.

MỚI - NÓNG