50% ca đột quỵ vì tăng huyết áp tử vong, bác sĩ chỉ cách chống căn bệnh 'sát thủ'

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
TPO - Tại Việt Nam mỗi năm có hơn 160.000 - 180.000 người bị đột quỵ do tăng huyết áp, khoảng 50% trong số đó tử vong, số còn lại đa phần mang di chứng nặng nề. Trước đây đột quỵ thường gặp ở người từ 50 tuổi trở lên thì hiện nay ngày càng trẻ hóa.

Tăng huyết áp là bệnh lý tim mạch nguy hiểm xuất hiện khi áp lực của máu tác động lên thành động mạch tăng cao. Đây được xem như “kẻ giết người thầm lặng” vì toàn bộ sự tiến triển của bệnh thường diễn ra trong âm thầm không có triệu chứng và là căn nguyên của nhiều biến chứng tim mạch nghiêm trọng, trong đó nguy hiểm nhất là đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não.

Tại Việt Nam mỗi năm có hơn 160.000 - 180.000 người bị đột quỵ do tăng huyết áp, khoảng 50% trong số đó tử vong, số còn lại sống sót qua cơn tai biến thì đa phần mang di chứng: rối loạn vận động, mất ý thức thậm chí phải sống đời thực vật, đồng thời phải đối diện với nguy cơ tái phát bệnh cao. Nguy hiểm hơn, nếu như trước đây, đột quỵ thường gặp ở những bệnh nhân tuổi từ 50 trở lên thì hiện nay, xu hướng bệnh ngày càng trẻ hóa, tỷ lệ đột quỵ ở người cao huyết áp trẻ tuổi tăng trung bình khoảng 2% mỗi năm.

Đây là những thông tin do GS. TS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch hội Đột quỵ Việt Nam đưa ra tại Hội thảo khoa học "Xu hướng Đông Tây y kết hợp trong điều trị tăng huyết áp và phòng ngừa đột quỵ' do Hội Đột quỵ Việt Nam phối hợp với nhãn hàng Hạ áp Ích nhân tổ chức ngày 9/7 tại Hà Nội.

Theo các bác sĩ, đa phần các triệu chứng của cao huyết áp đều khá mờ nhạt. Trên thực tế, hầu hết các bệnh nhân tăng huyết áp đều không thể nhận thấy bất kỳ một dấu hiệu hoặc triệu chứng rõ ràng nào, mặc dù bệnh đã tiến triển khá nghiêm trọng. Một số ít bệnh nhân bị tăng huyết áp có thể biểu hiện một số triệu chứng thoáng qua như đau đầu, khó thở, hoặc hiếm hơn là chảy máu cam.

Những người có nguy cơ bị cao huyết áp

Người lớn tuổi: Hệ thống thành mạch máu không còn duytrì được độ đàn hồi như trước, dẫn đến cao huyết áp

Giới tính: Tỷ lệ đàn ông dưới 45 tuổi mắc bệnh cao hơn so với phụ nữ, tuy nhiên phụ nữ sau mãn kinh lại có nhiều khả năng bị cao huyết áp hơn so với đàn ông cũng vào độ tuổi này

Tiền sử gia đình: Nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp thường cao hơn đối với các thành viên trong gia đình (cha mẹ hoặc anh chị) có tiền sử mắc bệnh tim mạch.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp

Thừa cân béo phì

Lối sống tĩnh tại, lười vận động

Ăn uống không lành mạnh

Ăn quá nhiều muối

Sử dụng lạm dụng rượu, bia

Hút thuốc lá

Căng thẳng thường xuyên

Cách kiểm soát huyết áp ổn định

Biện pháp không dùng thuốc bao giờ cũng chiếm một vai trò cực kỳ quan trọng trong liệu trình điều trị chung. Theo lời khuyên của các bác sĩ, bệnh nhân có thể kiểm soát huyết áp bằng cách:

Điều chỉnh chế độ ăn uống: lành mạnh hơn và dùng ít muối (dưới 6g/ngày)

Tập thể dục đều đặn, vừa sức

Cố gắng duy trì cân nặng lý tưởng, giảm cân theo hướng dẫn

Ngừng hoặc hạn chế tối đa uống rượu, bỏ hút thuốc;

Tránh nhiễm lạnh đột ngột

Kiểm soát tốt các bệnh liên quan

Sử dụng thuốc điều trị cao huyết áp đúng theo hướng dẫn của bác sĩ

Thường xuyên theo dõi sự thay đổi của huyết áp ngay tại nhà với máy đo thích hợp.

MỚI - NÓNG
Lai Châu bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục
Lai Châu bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục
TPO - Tại Kỳ họp thứ hai mươi (Kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh Lai Châu khóa XV thông qua 13 nghị quyết có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, tỉnh có Nghị quyết phê duyệt bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục năm 2024.