Chưa phát hiện được nguồn lây dịch bạch hầu ở Tây Nguyên

Lập chốt phòng ngừa dịch bạch hầu ở Đắk Nông
Lập chốt phòng ngừa dịch bạch hầu ở Đắk Nông
TP - Đắk Nông là địa phương phát bệnh đầu tiên trong năm nay, nhưng cơ quan chức năng tại đây chưa phát hiện ra nguồn lây từ đâu.

Đến cuối ngày 7/7, bệnh bạch hầu đã xuất hiện tại Đắk Lắk ca đầu tiên, đánh dấu 4 tỉnh Tây Nguyên đều có bệnh nhân (trừ tỉnh Lâm Đồng). 

Tính tới ngày 7/7, tỉnh Gia Lai có 16 bệnh nhân bạch hầu, những ca mắc mới chủ yếu liên quan bệnh nhi tử vong (4 tuổi, làng Bông Hiot, xã Hải Yang, huyện Đắk Đoa). Sở Y tế Gia Lai đã gửi văn bản tới Bộ Y tế đề nghị cấp 100 nghìn liều vắc-xin bạch hầu để tiêm phòng cho người dân huyện Đắk Đoa. Ngành y tế Gia Lai chỉ đạo các cơ sở y tế trực thuộc chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện hỗ trợ để sẵn sàng thu dung, cấp cứu, điều trị các trường hợp mắc bệnh. 

Trong một cuộc họp tại Tỉnh ủy Gia Lai, sau khi nghe đại diện ngành y tế Gia Lai báo cáo tình hình dịch bạch hầu, ông Hồ Văn Niên, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, yêu cầu bí thư 14 huyện, 2 thị xã và TP Pleiku phải theo dõi tình hình, kiểm soát dịch bạch hầu tại từng địa phương. Theo ông Niên, bệnh bạch hầu rất dễ lây lan, đặc biệt trong cộng đồng người dân tộc thiểu số do phong tục tập quán của bà con. Ông cũng yêu cầu ngành y tế Gia Lai kiểm soát tình trạng khan hiếm vắc-xin. 

Tại tỉnh Kon Tum, chiều 7/7, phóng viên Tiền Phong đã về xã Diên Bình, huyện Đắk Tô - nơi có 5 ca dương tính với bạch hầu. Ông Thái Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Diên Bình cho biết, xã đã phối hợp với các ngành tổ chức tuyên truyền cho hộ gia đình có ca bệnh và các biện pháp phòng chống dịch bạch hầu.

Ông Nguyễn Lộc Vương, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum, nói: “Toàn tỉnh Kon Tum đến ngày 7/7 có 22 ca dương tính với bạch hầu. Việc tiêm vắc-xin bạch hầu và những loại vắc-xin khác gặp nhiều khó khăn do người dân đồng bào thường đi làm trên rẫy nên phải thực hiện tiêm vét nhiều lần mới đạt hiệu quả. Hầu hết cán bộ làm công tác phòng chống dịch rất vất vả”.

Do chủ quan?

Chiều cùng ngày, bác sĩ Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk, xác nhận có 1 ca bạch hầu. Đó là trường hợp của bà H’B.M (SN 1968, trú tại buôn Diệo, xã Bông Krang, huyện Lắk). Đây là địa bàn tiếp giáp huyện Đắk G’Long (Đắk Nông), nơi dịch bệnh đang bùng phát.

“Chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức ngay việc tiêm vắc - xin phòng bạch hầu, uốn ván ở những khu vực có nguy cơ cao. Tiêm chủng mở rộng đạt tỷ lệ trên 95%. Thành lập tổ công tác lưu động phòng chống dịch khi cần có thể triển khai đến các khu vực có nguy cơ cao để thực hiện 4 cùng, hướng dẫn nhân viên y tế và người dân chống dịch theo cách cầm tay chỉ việc”, ông Nay Phi La nói.

Đắk Nông hiện có 26 ca nhiễm, trong đó có điểm mới phát sinh ở xã Đắk Wer (huyện Đắk R’lấp) và thôn Phú Vinh, xã Quảng Phú (huyện Krông Nô). Cả tháng nay, cơ quan y tế tỉnh này liên tục nhận định nguy cơ chủ yếu do vùng trũng tiêm chủng. Tuy nhiên, điểm phát sinh dịch mới tại Đắk Wer lại khá gần trung tâm huyện và TP Gia Nghĩa.

Khi trao đổi với phóng viên Tiền Phong cuối tháng trước, ông Hà Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế Đắk Nông nói rằng, dịch bùng phát có phần lỗi do người dân không đi tiêm chủng. Đa số ca bệnh là đồng bào dân tộc thiểu số.

MỚI - NÓNG