Dị dạng lồng ngực: Chú ý khi bị viêm phế quản, phổi kéo dài

BS theo dõi sức khỏe cho bệnh nhân P.Q.M (16 tuổi) sau ca mổ dị dạng ngực bẩm sinh
BS theo dõi sức khỏe cho bệnh nhân P.Q.M (16 tuổi) sau ca mổ dị dạng ngực bẩm sinh
TPO - 2 bệnh nhân may mắn vừa được các bác sĩ Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E “giải cứu” vì bị dị tật lõm ngực bẩm sinh. 

Theo các bác sĩ, lõm ngực hay lõm xương ức là một bệnh lý bẩm sinh xuất hiện từ nhỏ với biểu hiện lồng ngực ở giữa bị lõm sâu xuống. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh lõm ngực bẩm sinh không chỉ gây biến dạng về mặt thẩm mỹ mà còn gây nhiều hệ lụy đến sức khỏe và sự phát triển.

Bệnh nhân T.V.L (19 tuổi, ở Nam Định) thường xuyên phải nhập viện vì bị viêm phổi, viêm phế quản do lõm xương ức lệch phải từ nhỏ. Tuy nhiên, theo anh Trần Anh Tuấn, bố của bệnh nhân L, gia đình không hay biết về căn bệnh này, cho đến khi L học lớp 8 và không thể tham gia các hoạt động thể thao hoặc làm các công việc nặng nhọc.

Bệnh nhân L được nhập viện vào Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E và được thực hiện các xét nghiệm, chiếu chụp cần thiết, các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E xác định và chẩn đoán bệnh nhân bị lõm ngực bẩm sinh thể II A3, và chỉ định phẫu thuật NUSS (đặt 2 thanh nâng ngực).

Chị Đỗ Thị Xuân Hồng (ở Hải Phòng) – mẹ P.Q.M (16 tuổi) cho biết, mặc dù là căn bệnh bẩm sinh nhưng vì khi mới sinh bé M phát triển bình thường, chỉ thỉnh thoảng cảm sốt nhẹ. Khoảng thời gian từ đầu năm 2013 đến cuối năm 2014, M đi học về luôn miệng kêu mệt mỏi, khó thở, thậm chí, thời gian gần đây, M xuống cân rất nhanh, sức khỏe giảm sút rõ rệt và đặc biệt quan sát trên vùng ngực có một "hố" lõm ngày càng sâu, gia đình vội vàng đưa con lên điều trị ở Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E. "Đưa cháu đi khám mới biết đúng là con bị lõm ngực bẩm sinh. Lo cháu lớn lên sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe nên gia đình tôi quyết định phẫu thuật cho cháu", chị Hồng chia sẻ.

Dị dạng lồng ngực: Chú ý khi bị viêm phế quản, phổi kéo dài ảnh 1

Cha mẹ cần chú ý đến những dấu hiệu bất thường của trẻ để cho con đi khám và điều trị kịp thời. Ảnh minh họa: Internet

Theo TS.BS Nguyễn Công Hựu – trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực, Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E: Lõm ngực bẩm sinh là bệnh lý hay gặp nhất (chiếm khoảng gần 90%) trong nhóm các bệnh biến dạng lồng ngực bẩm sinh ở trẻ em (lõm ngực, ngực dô kiểu ức gà, gù vẹo cột sống, khe hở xương ức…). Với phương pháp phẫu thuật nội soi sử dụng thanh kim loại uốn cong đặt trong lồng ngực nâng bản xương lõm (phẫu thuật NUSS), chỉ với đường rạch nhỏ 2-3 cm phía sau hai bên thành ngực người bệnh, thời gian nằm viện ngắn. Cho đến khi xương phát triển ổn định (khoảng từ 2 đến 4 năm tùy tình trạng phát triển của xương) thì mổ lấy thanh nâng ngực ra.

TS Hựu cảnh bảo về sự nguy hiểm của căn bệnh này, khi khung lồng ngực bị biến dạng sẽ tác động đến các tạng bên trong. Những trường hợp lõm nhẹ thường ít bị ảnh hưởng. Khi trẻ bị lõm ngực nặng, tình trạng chèn ép gây ảnh hưởng đến chức năng 2 cơ quan quan trọng bậc nhất của cơ thể là tim mạch và hô hấp. Bệnh nhi lõm ngực bẩm sinh kém phát triển thể chất, trẻ khó có thể phát triển để có một cơ thể cường tráng. Các biểu hiện lâm sàng khác có thể gặp trong những trường hợp bị lõm nặng: trẻ nhanh mệt khi chơi các môn thể thao hay các hoạt động có tính chất gắng sức; hay mệt mỏi, hồi hộp. Nhịp tim nhanh, tim lệch hẳn về bên trái khi bị chèn ép nhiều. Đặc biệt, biến dạng lồng ngực ảnh hưởng xấu đến tâm sinh lý. Trẻ em thường sống khép mình, hạn chế các hoạt động xã hội, hạn chế trong giao tiếp, không dám tham gia các hoạt động thể thao có tính chất tập thể.

Vì vậy TS Hựu khuyến cáo: Khi thấy trẻ có những bất thường vùng lồng ngực, cùng biểu hiện khó thở, mệt mỏi trong các hoạt động gắng sức, cần đưa đến bệnh viện chuyên khoa như Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E để được khám, phát hiện và xử lý kịp thời. Chụp cắt lớp lồng ngực là phương tiện chẩn đoán hình ảnh rất có giá trị, được sử dụng để đánh giá mức độ nặng của bệnh. Ngoài ra còn giúp phẫu thuật viên đánh giá được hình thái lõm, mức độ cân xứng của lồng ngực, hình ảnh tim phổi, các thương tổn đi kèm, từ đó giúp phẫu thuật viên đưa ra các quyết định phẫu thuật hợp lý.

Bệnh nên được phẫu thuật ở trẻ em, tốt nhất ở lứa tuổi trước dậy thì khi lồng ngực đang còn phát triển sẽ cho kết quả tốt. Đối với tuổi trưởng thành, người lớn độ tuổi trung niên kết quả phẫu thuật cũng rất khả quan. Tuy nhiên đối với người lớn do khung xương đã phát triển nên tỷ lệ bị lõm lại sau phẫu thuật cao hơn so với ở trẻ. Mùa hè khi trẻ được nghỉ học là thời điểm thuận lợi cho việc phẫu thuật nâng khung lồng ngực.

MỚI - NÓNG