Điều đặc biệt về ca bệnh phi công người Anh

Bệnh nhân phi công người Anh tiếp tục được điều trị hồi phục tại Bệnh viện Chợ Rẫy Ảnh: BV Chợ Rẫy
Bệnh nhân phi công người Anh tiếp tục được điều trị hồi phục tại Bệnh viện Chợ Rẫy Ảnh: BV Chợ Rẫy
TP - Hơn hai tháng qua là khoảng thời gian căng thẳng của các chuyên gia đầu ngành của y tế Việt Nam, của đội ngũ y bác sỹ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân phi công người Anh mắc COVID-19.

23 năm trong nghề, BS Nguyễn Thanh Phong, trưởng khoa Nhiễm D (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM) mới chứng kiến một ca bệnh vô cùng đặc biệt như vậy. “Tất cả những “món” hồi sức cấp cứu tại Việt Nam đều được bệnh viện sử dụng trong điều trị cho bệnh nhân này’’- bác sĩ Phong nói.

Từ khi bệnh nhân được can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo), một nhóm chat online được thành lập, quy tụ các chuyên gia hàng đầu về hồi sức, truyền nhiễm, huyết học, hô hấp…tập trung theo dõi, hội chẩn. Đó là các chuyên gia đến từ hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy…

Rồi hàng loạt sự cố xảy ra, thậm chí chưa từng có trong phác đồ điều trị. Lần mở nội khí quản cho bệnh nhân, ống đặt nội khí quản loại đắt tiền, hiện đại nhưng khi đặt vào thì máu phun ra nhiều buộc các bác sĩ phải cầm máu và thay ống khác. Được vài ngày, lại tràn khí màng phổi, đặt ống dẫn lưu khí thì máu tiếp tục tràn ra…

Giai đoạn can thiệp ECMO, phải dùng thuốc kháng đông Heparin. Tuy nhiên, bệnh nhân bị rối loạn đông máu do COVID-19, mắc thêm hội chứng giảm tiểu cầu do dị ứng với thuốc Heparin. Nguy cơ chảy máu cao và đe dọa tính mạng nếu tiếp tục điều trị bằng thuốc này. Trong khi thuốc kháng đông bằng tĩnh mạch chưa từng được sử dụng tại Việt Nam.

“Chúng tôi phải báo cáo lên Bộ Y tế để làm thủ tục nhập thuốc này từ Đức về chữa trị cho bệnh nhân người Anh. Thời gian chờ đợi thuốc về tới, gần 10 ngày là một khoảng thời gian vô cùng cân não để duy trì mạng sống cho người bệnh”, bác sĩ Phong nhớ lại.

Các bác sĩ cho biết, kể từ ngày nhập viện ngày 18/3, bệnh tình phi công người Anh chuyển biến nặng quá nhanh. Hệ miễn dịch của người bệnh phản ứng quá mức khi bị virus SARS-CoV-2 tấn công.

Phi công người Anh bị hội chứng “cơn bão Cytokine” (cơ thể tiết ra nhiều chất Cytokine) chống lại chính cơ thể người bệnh, gây ảnh hưởng đến các phủ tạng, trong đó phổi bị tổn thương nghiêm trọng.

Những ngày đầu bệnh nhân được hỗ trợ hô hấp thở oxy qua mũi, đến ngày 25/3 phải chuyển sang thở oxy qua mặt nạ. Tình hình xấu hơn khi đến ngày 5/4 phải thở máy xâm lấn. Một ngày sau phi công người Anh phải can thiệp ECMO ngay tại phòng cách ly áp lực âm.

Không chạy ECMO bệnh nhân sẽ chết. Trong khi thuốc kháng đông tĩnh mạch chưa nhập về kịp, không có thuốc không chạy ECMO. Các bác sỹ hội chẩn, tìm hiểu thông tin tài liệu, quyết định sử dụng thuốc kháng đông bằng đường uống Xarelto dù thuốc này cũng chưa từng có trong phác đồ điều trị.

“Bệnh nhân đáp ứng được với thuốc trong 7 ngày đầu. Đến ngày thứ 8 bắt đầu có phản ứng, không ổn. Rất may thuốc kháng đông tĩnh mạch nhập về kịp lúc đưa vào điều trị và bệnh nhân đáp ứng tốt”, bác sĩ Nguyễn Thanh Phong thở phào khi nhớ lại.

Những tình huống xảy ra như vậy khiến không ít lần các bác sỹ trực tiếp điều trị  đứng tim. 6 tuần liên tiếp họ không được về nhà. Ở bệnh viện điều trị cho bệnh nhân, xong việc về khu cách ly để tạm nghỉ ngơi. Họ không còn khái niệm thời gian, gia đình.

“Với chúng tôi những tháng ngày này là một kỷ niệm khó quên. Rất căng thẳng, mệt mỏi, đầy vất vả nhưng cũng học được rất nhiều điều bổ ích cho chuyên môn”, bác sĩ Nguyễn Thanh Phong nói.        

MỚI - NÓNG