Hà Nội: Bệnh nhân đã ra viện tái dương tính SARS-CoV-2

Hà Nội: Bệnh nhân đã ra viện tái dương tính SARS-CoV-2
TPO - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư xác nhận trường hợp tái dương tính với SARS-CoV-2 mới nhất tại Việt Nam.

Bệnh nhân V.H.C số hiệu 348, 39 tuổi, địa chỉ: CT608 tổ dân phố Hoàng 7, phường Cổ Nhuế 1, Bắc Từ Liêm, sinh sống tại Rumani, từ Thụy Điển nhập cảnh về sân bay Nội Bài ngày 6/6/2020, cách ly tập trung tại trường Cao đẳng Nghề Công Nghệ Cao, Nam Từ Liêm. 

Bệnh nhân cùng vợ và 3 con được xét nghiệm lần 2 ngày 18/6 có kết quả dương tính cả 5 người, sau đó cùng vợ và 3 con được chuyển cách ly và điều trị tại bệnh viện Nhiệt Đới T.Ư từ ngày 19/6 đến ngày 8/8 ra viện về cách ly tại nhà. 

Ngày 13/8, bệnh nhân cùng vợ và 3 con được TTYT Bắc Từ Liêm lấy mẫu xét nghiệm sau ra viện, kết quả âm tính. 

Đến ngày 22/8, bệnh nhân cùng vợ và 3 con được TTYT Bắc Từ Liêm lấy mẫu lần 2, ngày 23/8 kết quả bệnh nhân dương tính. Bệnh nhân đã được chuyển trở lại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư trong đêm 23/8, vợ và 3 con tiếp tục cách ly tại nhà. 

Đến 13h sáng 24/8 quận Bắc Từ Liêm đã phối hợp với Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội xử lý xong (phun thuốc khử khuẩn, đưa F0 đi cách ly, phong tỏa căn nhà, lấy mẫu xét nghiệm F1, điều tra các F2).

Theo GS Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam, dịch COVID-19 là dịch mới nên thế giới cần nhiều thời gian để nghiên cứu thêm về sự biến đổi của virus. Hiện nay virus SARS-CoV-2 ở mỗi quốc gia lại có sự khác biệt với virus ban đầu ở Vũ Hán.

Các khuyến cáo bệnh nhân khỏi bệnh dựa vào tình trạng lâm sàng hết sốt 3 ngày, 2 lần xét nghiệm cách nhau 24 giờ âm tính.

Dựa theo kinh nghiệm điều trị bệnh của Trung Quốc và Hàn Quốc, những bệnh nhân được công bố khỏi bệnh sẽ được theo dõi thêm 14 ngày. Và trong quá trình theo dõi thì xuất hiện một số bệnh nhân tái dương tính.

Tại Việt Nam cũng có những trường hợp tái dương tính sau khi công bố khỏi bệnh. Ở những người tái dương tính không có dấu hiệu lâm sàng nào. Bệnh nhân hoàn toàn khoẻ mạnh, ăn ngủ bình thường.

Số ca mắc mới COVID-19 ở Việt Nam có xu hướng giảm

Tại Việt Nam, số ca mắc đang giảm dần trong những ngày gần đây với 4 buổi sáng liên tiếp không ghi nhận ca COVID-19 mới và buổi chiều ghi nhận khoảng 2-5 ca mắc mới. Đà Nẵng là địa phương có số ca nhiễm COVID-19 cao nhất cả nước, tiếp theo là tỉnh Quảng Nam.

Tính đến 14h00 ngày 24/8/2020, theo thống kê của worldometers.info:

* Thế giới: 23.586.867 người mắc; 812.539 người tử vong; 16.086.235 người bình phục.

* Việt Nam: 1016 người mắc; 568 người điều trị khỏi, 27 người tử vong

215 quốc gia, vùng lãnh thổ (trong đó có 2 tàu du lịch) ghi nhận ca mắc COVID-19.

Việt Nam có tổng cộng 342 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.

 Từ 18h ngày 23/8 – 14 giờ ngày 24/8: ghi nhận 2 ca mắc mới.

Số ca tử vong: 27

Số ca tiến triển tốt:

- Số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2:  39 ca.

- Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 49 ca.

-Số ca âm tính lần 3 với SARS-CoV-2: 28 ca

Số người cách ly: 70.620 người

- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 1.992 người

- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 18.776 người

- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú:  59.852 người

Số trường hợp mắc nhập cảnh được quản lý ngay: 342 ca

Số ca mắc mới liên quan tới Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay:  534 ca

Bộ Y tế khuyến cáo người dân về những việc cần làm khi bị sốt, ho, đau họng, khó thở

Ngay sau khi có biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở:

1. Đeo khẩu trang và tự cách ly ở một phòng riêng, thoáng khí hoặc ở một vị trí trong nhà, giữ khoảng cách với mọi người ít nhất 2 mét;

2. Gọi điện cho đường dây nóng của cơ quan y tế địa phương hoặc của Bộ Y tế (số điện thoại 19009095) để được tư vấn và đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị; Đeo khẩu trang trong suốt quá trình di chuyển đến cơ sở y tế;

3. Che kín mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi bằng khuỷu tay áo, hoặc khăn vải hoặc khăn tay hoặc khan giấy; Thải bỏ khẩu trang, khăn giấy sau khi sử dụng vào thùng rác có nắp đậy kín hoặc vào túi và buộc kín miệng;

4. Rửa tay thường xuyên với xà phòng đặc biệt sau khi ho, hắt hơi, sau khi thải bỏ khẩu trang, khăn giấy;

5. Sử dụng riêng đồ dùng cá nhân như cốc uống nước, bát đũa…

6. Hạn chế sử dụng phương tiện công cộng; không đến chỗ đông người, nơi làm việc, trường học;

7. Thông báo với người sử dụng lao động, nhà trường và những người liên quan.

MỚI - NÓNG