Khẩn cấp tiêm vắc-xin ngừa bạch hầu trên diện rộng để dập dịch

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trị cuộc họp khẩn chiều tối ngày 7/7
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trị cuộc họp khẩn chiều tối ngày 7/7
TPO - Chiều tối ngày 7/7, GS.TS Nguyễn Thanh Long- Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đã có cuộc họp khẩn với các chuyên gia về phòng, chống bệnh bạch hầu nhằm tìm ra các biện pháp ngăn chặn và dập dịch hiệu quả.

Báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho thấy, từ đầu năm đến nay tại khu vực Tây Nguyên đã có 63 ca dương tính với bạch hầu (tăng 10 ca so với ngày 6/7). Trong đó Đắk Lắk là tỉnh mới nhất ghi nhận ca mắc đầu tiên. Tỉnh Đắk Nông có thêm 4 ca bệnh, nâng tổng số ca mắc ở đây lên 25 người; tỉnh Gia Lai có thêm 5 ca, tổng ở đây có 15 ca; riêng tỉnh Kon Tum vẫn giữ nguyên số ca mắc là 22.

Ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, đa số các trường hợp mắc bệnh không được tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu đủ mũi, đúng lịch. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ có xác minh chỉ khoảng 6%. Về 3 trường hợp tử vong do bạch hầu, ông Tấn cho hay, các bệnh nhân đều ở vùng sâu, vùng xa, là ca bệnh mới xuất hiện lần đầu tại các địa bàn đó do phát hiện muộn.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) thông tin, Bộ Y tế đã tổ chức tập huấn điều trị bạch hầu kết hợp sốt xuất huyết, COVID-19 cho 4 tỉnh khu vực Tây Nguyên, chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh tăng cường phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, cách ly kịp thời, khoanh vùng triệt để ổ dịch… chuẩn bị sẵn các khu cách ly, buồng cách ly, phương tiện vật tư tiêu hao, thuốc men…

GS.TS Nguyễn Thanh Long đánh giá, tình hình bệnh bạch hầu có nhiều điểm khác biệt so với các năm trước đây: Diện mắc rộng hơn, nhiều địa bàn mắc hơn, đối tượng mắc rải rộng mọi lứa tuổi, không riêng ở trẻ em, đặc biệt, tỷ lệ tử vong do bệnh này đến thời điểm hiện nay khá cao.

Lãnh đạo Bộ Y tế  giao Cục Y tế dự phòng phối hợp Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia triển khai ngay chiến dịch tiêm dự phòng bạch hầu trên diện rộng, cho tất cả đối tượng từ 2 tháng tuổi trở lên. Với trẻ em, tiêm vắc-xin 3 trong 1, người lớn tiêm vắc-xin Td (chứa thành phần uốn ván, bạch hầu).

Các chuyên gia thống nhất cần phải triển khai ngay điều trị dự phòng với người có tiếp xúc mầm bệnh và những người trong khu vực có mầm bệnh. Ngoài ra, cần khoanh vùng, dập dịch, thực hiện cách ly với tất cả những xã có người mắc (hạn chế ra vào, ra vào vùng dịch phải đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc gần)…

Đặc biệt, lãnh đạo Bộ Y tế yêu cầu Cục Quản lý Khám chữa bệnh thành lập ngay 4 tổ công tác của điều trị vào “nằm vùng” ở 4 địa phương có dịch. Các tổ này tập hợp các chuyên gia về truyền nhiễm, hồi sức và các lĩnh vực điều trị khác, vừa “cầm tay chỉ việc”, vừa hướng dẫn, tập huấn, giúp cán bộ y tế ở đấy điều trị bệnh nhân.

“Phải tiêm diện rộng mới giải quyết được bài toán bạch hầu. Về vắc-xin phòng bệnh, Việt Nam đảm bảo được, tuy nhiên hiện nay cần tiêm cho người dân ở vùng có dịch trước (4 tỉnh Tây Nguyên), sau đó tính tới các tỉnh có nguy cơ vì chúng ta cần cân đối lượng vắc-xin hiện có” – Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nói.

 
MỚI - NÓNG