Không được chủ quan coi như đã hết dịch COVID-19

Người dân không nên chủ quan, có tâm lý xả hơi Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng
Người dân không nên chủ quan, có tâm lý xả hơi Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng
TP - Thời gian tới, nguy cơ dịch bệnh COVID-19 xâm nhập có khả năng gia tăng, vì vậy, toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch không được mất cảnh giác, chủ quan, lơ là, không được có tâm lý “coi như đã hết dịch”, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 nhận định tại cuộc họp chiều 21/5. 

“Thậm chí giai đoạn này còn có phần khó hơn, bởi sau thời gian dài không xuất hiện ca bệnh trong cộng đồng, nên người dân có tâm lý buông lỏng. Vì vậy, chúng ta tuyệt đối không được có tâm lý xả hơi”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Trước nhu cầu nhập cảnh rất lớn của các chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài, nhà đầu tư, Ban Chỉ đạo thống nhất rằng, phải có hướng dẫn chi tiết theo quy trình khép kín từ xem xét cấp thị thực nhập cảnh đến chuẩn bị cơ sở cách ly và các điều kiện theo dõi sức khoẻ sau khi cách ly đối với những đối tượng này. Lãnh đạo ngành công an nhận trách nhiệm về việc này. Ban Chỉ đạo đề nghị tất cả doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài phải có văn bản gửi UBND tỉnh, thành phố.

Trên cơ sở đó, UBND địa phương căn cứ vào tình hình, tập hợp danh sách và có văn bản gửi Bộ Công an để làm thủ tục duyệt cấp thị thực nhập cảnh và phối hợp với lực lượng công an để chuẩn bị các cơ sở cách ly. Tất cả những đối tượng này đều phải cách ly tối thiểu 14 ngày. Đáng chú ý, các chuyên gia đã nêu nguy cơ, rủi ro lây nhiễm từ thành viên tổ bay, phi hành đoàn của các hãng hàng không ở nước ngoài, vốn vẫn sinh hoạt bình thường, không phải cách ly trước khi thực hiện các chuyến bay đến Việt Nam.

Vì vậy, Ban Chỉ đạo đặc biệt lưu ý và yêu cầu Bộ GTVT, các địa phương siết chặt quy định về cách ly tổ bay các chuyến bay chở khách cũng như vận tải hàng hoá quốc tế đến Việt Nam. Những phi hành đoàn này phải ở khách sạn riêng.

Chiều tối 21/5, Bộ Y tế cho biết tất cả bệnh nhân COVID-19 nặng tại Việt Nam đã được chữa khỏi, trong đó phi công người Anh đã 6 lần xét nghiệm âm tính và được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy để tiếp tục điều trị hồi sức tích cực, bệnh lý nền, kiểm soát nhiễm khuẩn. PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, cho biết, kết quả nuôi cấy virus của bệnh nhân tại Viện Pasteur TPHCM cũng không phát triển, cho thấy bệnh nhân đã được điều trị khỏi COVID-19, không thấy khả năng tái nhiễm virus.

“Trường hợp này vẫn sẽ tiếp tục được hội chẩn trực tuyến liên tục, nắm chặt diễn biến của người bệnh để tiến tới ghép phổi khi đủ điều kiện. Với bệnh nhân này cần ghép toàn bộ lá phổi (2 bên phổi) nên nguồn phổi hiến cần lấy từ người chết não có chỉ số phù hợp”, ông Khuê nói. Một phương án khác đang được tính đến là chuyển bệnh nhân về Anh vì anh này đã khỏi COVID-19. 

Ngày 21/5, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư công bố thêm 2 ca được chữa khỏi bệnh. Đó là bệnh nhân 188 (quê ở Chương Mỹ, Hà Nội, nhân viên Công ty Trường Sinh, từng điều trị ở Hà Nam) và bệnh nhân 261 (quê ở Mê Linh, Hà Nội). 

MỚI - NÓNG
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
TPO - Hoàng tử Harry đã ghi Mỹ là nơi cư trú chính, thay vì Vương quốc Anh như trước đây, trong hồ sơ kinh doanh. Đáng nói, thay đổi này được thực hiện vào thời điểm anh chính thức dọn khỏi nhà tân hôn Frogmore Cottage.