Nữ bệnh nhân hôn mê, tổn thương tim, gan vì sốc nhiệt

Bệnh nhân sốc nhiệt vẫn đang điều trị tại BV Bạch Mai
Bệnh nhân sốc nhiệt vẫn đang điều trị tại BV Bạch Mai
TPO - Ngày 21/5 TS. Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, Trung tâm đang điều trị cho nữ bệnh nhân, 49 tuổi, quê Quảng Ninh, được chuyển từ y tế tuyến dưới lên cách đây 5 ngày trong tình trạng rối loạn ý thức, rối loạn đông máu, tụt huyết áp, tổn thương gan, thận, tim...

Trước đó, bệnh nhân cùng người nhà lên nương, đốt nương trong thời tiết nắng nóng cao điểm. Đám cháy lan nhanh, do cố dập lửa trong thời gian kéo dài, sức nóng của lửa và nhiệt độ tăng cao nên bệnh nhân say nắng, say nóng, nhanh chóng rơi vào hôn mê...

Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân sốc nhiệt, nghi ngờ hôn mê do hít khói, ngộ độc khí CO. Bệnh nhân có tổn thương đa tạng, bỏng vùng mắt, tổn thương gan nặng, suy gan, tiêu cơ vân, rối loạn đông máu... Đến nay, bệnh nhân qua tình trạng nặng, các chức năng tim, thận của người phụ nữ này trở về bình thường, rối loại đông máu ổn định, chức năng gan gần về bình thường. Hiện bệnh nhân tỉnh táo, tự sinh hoạt..

Bác sĩ Dũng khuyến cáo, làm việc, đi lại ở ngoài trời trong thời tiết nắng nóng, đặc biệt là thời điểm trưa và đầu giờ chiều dễ gây ra tình trạng say nắng, sốc nhiệt. Thời tiết nắng nóng ảnh hưởng đến cơ chế điều hòa thân nhiệt, có thể làm cho nhiệt độ cơ thể tăng cao. Khi đó con người sẽ rơi vào trạng thái chóng mặt, lơ mơ, rối loạn ý thức.

Ngoài ra thân nhiệt tăng cao cũng ảnh hưởng lớn đến chức năng tim phổi, hệ thần kinh., cơ thể mất nước do tăng thân nhiệt, ra mồ hôi nhiều, cộng thêm bị say nóng do ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào đầu nếu không đội mũ hay đồ bảo hộ, nhiều yếu tố cộng hưởng dễ khiến bệnh nhân bị tổn thương đa cơ quan. Theo bác sĩ Dũng, bệnh nhân sốc nhiệt thường trong tình trạng nặng, tổn thương đa tạng, tỷ lệ tử vong cao kể cả khi hồi sức tốt.

Các bác sĩ khuyên, ngay khi thấy một người nghi ngờ sốc nhiệt, say nắng với các biểu hiện mặt đỏ bừng, da nóng, khô, mệt lả, đau đầu, khó ở, nôn mửa... thì ưu tiên hàng đầu là sơ cứu hạ thân nhiệt.

Nhanh chóng chuyển bệnh nhân tới khu vực râm mát, cởi bớt quần áo, dùng các biện pháp chườm mát vào vùng cổ, nách, bẹn, thậm chí lau người toàn thân bằng nước mát để nhanh chóng hạ thân nhiệt của bệnh nhân. Thậm chí, có thể dùng vòi nước mát hay xô nước mát xối lên người, dùng khăn ướt lau người...

Tiếp tục theo dõi thân nhiệt và thực hiện các biện pháp làm mát cho tới khi nhiệt độ xuống còn 38,5 hay 39 độ C rồi chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Nếu bệnh nhân có biểu hiện cấp cứu thì tiến hành hô hấp theo tình trạng tại chỗ, sau đó chuyển đến cơ sở y tế để được các bác sĩ hồi sức tích cực.

MỚI - NÓNG