Phong tỏa Bệnh viện C Đà Nẵng: Gần 1000 người bên trong được lo ăn ở ra sao?

Phong tỏa Bệnh viện C Đà Nẵng: Gần 1000 người bên trong được lo ăn ở ra sao?
TPO - Theo thống kê có 916 người người gồm nhân viên y tế và bệnh nhân, người chăm nuôi, y bác sĩ, sinh viên thực tập…đang được cách ly khi Bệnh viện C Đà Nẵng được phong tỏa. Toàn bộ được Bệnh viện C Đà Nẵng bố trí chỗ nghỉ ngơi, khẩu phần ăn hàng ngày đảm bảo. Riêng các bệnh nhân điều trị bệnh lý về tiêu hóa, hô hấp, tim mạch sẽ có một khẩu phần ăn riêng để phù hợp với tình trạng sức khỏe.

Ngày 25/7, bác sĩ Nguyễn Trọng Thiện, Giám đốc Bệnh viện C Đà Nẵng cho biết: Việc thực hiện phong toả, cách ly 14 ngày đối với toàn bộ nhân viên y tế, y bác sĩ và người có tiếp xúc, tiếp xúc gần với bệnh nhân 416 mắc COVID-19 tại bệnh viện sẽ được áp dụng từ ngày 24/7. Trong thời gian 14 ngày, Bệnh viện C Đà Nẵng không làm thủ tục xuất viện cho các bệnh nhân đang điều trị, không tiếp thêm bệnh nhân mơi; toàn bộ nhân viên y tế đang làm việc tại bệnh viện thời điểm đó đều cách ly theo quy định.

Theo bác sĩ Thiện, một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong thời gian cách ly chính là đảm bảo đời sống vật chất, chế độ dinh dưỡng và tinh thần yên tâm, không lo lắng đối với những người được cách ly. Đặc biệt, bữa ăn, thành phần dinh dưỡng cho bệnh nhân được cung ứng đầy đủ, đảm bảo liên tục 3 bữa/ngày. Bệnh viện đã thành lập đội phục vụ gồm 29 thành viên phối hợp với Khoa Dinh dưỡng trực tiếp xuống nhà bếp để sơ chế, nấu thức ăn, phân chia khẩu phần cho bệnh nhân. Các nhân viên sẽ phân chia và thực hiện các phần việc như nấu, chế biến, phân chia thức ăn theo khẩu phần, bệnh lý sau đó chuyển thức ăn đến tận tay bệnh nhân từng bệnh nhân cụ thể.

Phong tỏa Bệnh viện C Đà Nẵng: Gần 1000 người bên trong được lo ăn ở ra sao? ảnh 1 Nhân viên bảo vệ bệnh viện C Đà Nẵng giải thích cho người nhà bệnh nhân không phải mang đồ ăn đến bệnh viện, vì bệnh viện đã bố trí và đảm bảo bữa ăn cho những người phải cách ly tại chỗ. Ảnh: Nguyễn Thành

Riêng các bệnh nhân điều trị bệnh lý về tiêu hóa, hô hấp, tim mạch sẽ có một khẩu phần ăn riêng để phù hợp với tình trạng sức khỏe.

Để đảm bảo quá trình cách ly diễn ra an toàn, đúng quy định, Bệnh viện C Đà Nẵng đã chủ động động viên, quán triệt tinh thần của nhân viên y tế, tuân thủ tuyệt đối các quy định về phòng, chống dịch, đồng thời tập trung điều trị, tư vấn, trấn an bệnh nhân trong quá trình cách ly. Để đảm bảo an toàn trong quá trình cách ly, bệnh viện huy động 7 nhân viên bảo vệ tại các cổng ra vào, túc trực 24/24.

Theo thống kê, hiện có tất cả 961 người được cách ly trong bệnh viện, trong đó có 474 bệnh nhân đang điều trị, còn lại là người nhà, nhân viên y tế, sinh viên thực tập, nhân viên lao động, bảo vệ.

Theo Bệnh viện C Đà Nẵng, hiện tại công tác điều trị chuyên môn cho các bệnh nhân vẫn được đảm bảo thông suốt. Vật tư y tế, thuốc men đều đảm bảo đủ cung ứng cho hoạt động chuyên môn của bệnh viện trong thời gian 14 ngày cách ly.

Ê kíp bác sĩ cứu sống phi công người Anh cùng phối hợp cùng chữa trị

Chiều cùng ngày, lãnh đạo Bệnh viện Đà Nẵng cho biết: ê-kíp phản ứng nhanh của khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) đã có mặt tại Đà Nẵng để hỗ trợ điều trị bệnh nhân mắc COVID -19 đang được theo dõi tại đây. Đây là những nhân viên y tế đã trực tiếp theo dõi, điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 thứ 91 người Anh trước đây. Ê-kíp hồi gồm bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó khoa Hồi sức cấp cứu, bác sĩ Ngô Việt Anh và điều dưỡng Nguyễn Văn Hải. Sau khi đến Đà Nẵng ê-kíp đã nhanh chóng đến Bệnh viện Đà Nẵng, phối hợp cùng đội ngũ y bác sĩ tại đây để hội chẩn, khám và theo dõi các chỉ số sức khỏe của bệnh nhân 416 đang được chữa trị tại khoa Y học Nhiệt đới.

Phong tỏa Bệnh viện C Đà Nẵng: Gần 1000 người bên trong được lo ăn ở ra sao? ảnh 2 Khu điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 tại bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Thành

Bác sĩ Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, hiện bệnh nhân đang được theo dõi và hỗ trợ bằng hệ thống ECMO. Đây là hệ thống hỗ trợ hô hấp, tuần hoàn tiên tiến trên thế giới được Bệnh viện Đà Nẵng ứng dụng, triển khai thành công từ năm 2016 đến nay. Nhiều bệnh nhân hiểm nghèo đã được Bệnh viện Đà Nẵng điều trị thành công bằng hệ thống ECMO, trong đó có cả trường hợp phụ nữ mang thai.

Liên quan đến tình trạng sức khỏe của bệnh nhân 416, sang cùng ngày, tại buổi làm việc trực tuyến với Thủ tướng Chính phủ, ông Lê Trung Chinh - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết: Hiện Bệnh viện Đà Nẵng vẫn đang theo dõi chặt chẽ. Hiện bệnh nhân này vẫn đang phải thở máy, các chỉ số về sức khoẻ của bệnh nhân đã tốt hơn.

Chiều ngày 25/7, Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng đã có công văn truyền đạt ý kiến của Thường trực Thành ủy về việc chủ động triển khai các giải pháp trong kiểm soát, phòng chống COVID-19 trên địa bàn TP. Theo đó, lãnh đạo Thành ủy đề nghị Ban cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo các cơ quan chức năng, địa phương có liên quan khẩn trương triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp kiểm soát, phòng, chống COVID-19 theo đúng kịch bản phòng, chống dịch và phù hợp với tình hình thực tế của từng địa bàn.

Khẩn trương tổ chức điều tra yếu tố dịch tễ, truy vết tất cả các khu vực, trường hợp có liên quan đến bệnh nhân bị COVID-19 để áp dụng các biện pháp khoanh vùng, cách ly, xét nghiệm, giám sát và theo dõi chặt chẽ theo quy định, không để bỏ sót trường hợp có nguy cơ cao. Huy động mọi nguồn lực tích cực điều trị cho bệnh nhân với tinh thần quyết tâm cao nhất; tổ chức thực hiện nghiêm các quy trình tiêu độc, khử trùng phòng, chống dịch tại các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, cơ sở vật chất để triển khai cách ly tập trung và xem xét việc giãn cách xã hội ở mức độ phù hợp với tình hình thực tế...

Công an thành phố và các địa phương cần tăng cường công tác quản lý địa bàn, quản lý cư trú, nhất là đối với người nước ngoài; yêu cầu thực hiện nghiêm túc việc khai báo và xử lý nghiêm các trường hợp thực hiện không đúng quy định của pháp luật…

MỚI - NÓNG