Qua một đêm gần 1.000 người 'thoát' cách ly, nguy cơ lây COVID-19 tại các đô thị lớn

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
TPO - Bản tin cập nhật 9 giờ sáng 22/9 từ Bộ Y tế cho biết, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly theo dõi sức khỏe là 23.725 người, giảm gần 1.000 người so với ngày hôm qua. Hiện cơ bản các ổ dịch đã được kiểm soát, tuy nhiên tại các đô thị lớn, mật độ dân cư cao, nguy cơ lây nhiễm còn hiện hữu...

Theo đó, tính đến 9h ngày 22/9: Việt Nam có tổng cộng 691 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay: 551 ca tại 15 tỉnh, thành phố gồm: Đà Nẵng (389), Quảng Nam (96), Hải Dương (16), Hà Nội (11), TP. Hồ Chí Minh (08), Quảng Trị (07), Bắc Giang (06), Quảng Ngãi (05), Lạng Sơn (04), Đắk Lắk (03), Đồng Nai (02), Thái Bình (01), Hà Nam (01), Thanh Hóa (01) và Khánh Hòa (01).

- Tính từ 18h ngày 21/9 đến 6h ngày 22/9: 0 ca mắc mới, trong đó có 0 ca nhập cảnh được cách ly ngay.

Đây là ngày thứ 20 liên tiếp không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới trong cộng đồng. Đến nay, Việt Nam vẫn ghi nhận 1.068 trường hợp mắc COVID-19.

Hiện nay, cơ bản các ổ dịch đã được kiểm soát, tuy nhiên tại các đô thị lớn, mật độ dân cư cao, nguy cơ lây nhiễm còn hiện hữu nếu như vẫn còn tình trạng chủ quan, lơ là của người dân đối với việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như không đeo khẩu trang khi ra ngoài, tụ tập ăn uống, vui chơi đông người…

Các địa phương có ca nhiễm COVID-19 cũng đã cơ bản trở lại trạng thái bình thường.

Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 23.725, trong đó:

- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 384

- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 14.808

- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 8.533

Đến thời điểm này số ca tử vong ở nước ta là 35 ca. Đa phần các trường hợp tử vong ở nước ta đều là người cao tuổi, trên nền bệnh lý nặng như suy thận mạn giai đoạn cuối, ung thư máu giai đoạn cuối không đáp ứng hoá chất, hội chứng mạch vành, suy hô hấp cấp, thoái hoá đa khớp, tăng huyết áp, suy thượng thận mạn, đái tháo đường tuyp 2, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, suy kiệt, suy đa tạng.

Để thực hiện mục tiêu kép: vừa sẵn sàng phòng, chống dịch, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế: đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, tại các địa điểm và trên phương tiện giao thông công cộng; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; hạn chế tụ tập đông người tại nơi công cộng; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc, dần hình thành thói quen, nếp sống phù hợp trong tình hình mới để giữ an toàn cho bản thân và xã hội.

Kế hoạch mới xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2 trong giai đoạn dịch COVID-19

Ngày 21/9, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 4042/QĐ-BYT về việc phê duyệt Kế hoạch xét nghiệm phát hiện nhiễm SARS-CoV-2 trong giai đoạn dịch COVID-19.

Quyết định này thay thế Quyết định số 2245/QĐ-BYT ngày 22/4/2020 của Bộ Y tế về Kế hoạch xét nghiệm phát hiện nhiễm SARS-CoV-2 trong giai đoạn dịch COVID-19.

Kế hoạch xét nghiệm COVID-19 nhằm mục tiêu chung phát hiện kịp thời các trường hợp mắc COVID-19 để thực hiện giám sát, cách ly, điều trị, đánh giá cho ra viện và nghiên cứu.

Theo đó, kế hoạch phân loại đối tượng xét nghiệm theo ưu tiên. Nhóm 1: Xét nghiệm cho các đối tượng này trong trong mọi trường hợp. Nhóm 2: Xét nghiệm cho các đối tượng này khi có nhiều nguồn lực hơn và đã báo đảm đầy đủ cho các trường hợp thuộc nhóm 1. Nhóm 3: Xét nghiệm khi có đủ nguồn lực và đã bảo đảm cho các đối tượng thuộc nhóm 1 và 2.

Việc lựa chọn đối tượng cần được xét nghiệm, phương pháp, kỹ thuật và sinh phẩm xét nghiệm là căn cứ vào các yếu tố dịch tễ và lâm sàng, cần xem xét đánh giá tính khả thi trước khi thực hiện xét nghiệm cho các đối tượng có mức độ ưu tiên thấp hơn.

Sinh phẩm xét nghiệm theo kế hoạch là các sinh phẩm xét nghiệm đã được Bộ Y tế cho phép hoặc Tổ chức Y tế thế giới hoặc CDC Hoa Kỳ thẩm định và khuyến cáo; sử dụng sinh phẩm xét nghiệm bằng kỹ thuật xét nghiệm phát hiện vật chất di truyền (ARN) hoặc kháng nguyên của virus để khẳng định nhiễm SARS- CoV-2.

Sinh phẩm xét nghiệm nhanh phát hiện kháng nguyên có độ nhạy cao có thể được sử dụng để sàng lọc tại các điểm xét nghiệm lưu động hoặc cơ sở xét nghiệm cố định.

Sinh phẩm xét nghiệm huyết thanh học phát hiện kháng thể không được sử dụng để sàng lọc, xác định ca nhiễm SARS-CoV-2 mà để điều tra, đánh giá, theo dõi hiệu quả của các biện pháp điều trị, các biện pháp phòng, chống dịch đã thực hiện, đánh giá tình hình dịch tễ miễn dịch cộng đồng.

Nội dung hoạt động của kế hoạch được phân thành nhiều giai đoạn: giai đoạn có ca bệnh xâm nhập, ca bệnh thứ phát trong cộng đồng và các ổ dịch khu trú, chưa lây lan rộng trong cộng đồng; giai đoạn bệnh lây lan rộng trong cộng đồng; giai đoạn chỉ phát hiện ca mắc từ nước ngoài về, không có ca mắc trong cộng đồng... Mỗi giai đoạn được chia thành các nhóm đối tượng ưu tiên khác nhau và chỉ định kỹ thuật xét nghiệm phù hợp.

Kế hoạch cũng yêu cầu các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các phòng xét nghiệm SARS-CoV-2 thực hiện báo cáo hoạt động xét nghiệm theo quy định.

Các đơn vị sản xuất, cung cấp sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 chịu trách nhiệm báo cáo năng lực sản xuất, tình hình cung ứng và việc bảo đảm chất lượng sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 theo quy định.

Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành; thay thế Quyết định số 2245/QĐ-BYT ngày 22/4/2020 của Bộ Y tế về kế hoạch xét nghiệm phát hiện nhiễm SARS-CoV-2 trong giai đoạn dịch COVID-19...

Bé 2 tuổi và các bệnh nhân từng chạy ECMO, thở máy đều đã khỏi COVID-19

Ngày 22/9, BV Bệnh Nhiệt đới TW công bố khỏi bệnh cho 5 ca COVID-19, trong đó có 2 trường hợp từng là bệnh nhân nặng nhất miền Bắc, phải can thiệp ECMO, thở máy. 3 trong số 5 ca được công bố khỏi bệnh hôm nay là người trong gia đình (gồm em bé 2 tuổi, mẹ và ông nội).

5 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh gồm: BN751, BN793, BN794, BN811, BN1045.

Cả 5 bệnh nhân sẽ tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe tại nhà trong 14 ngày tiếp theo. Cụ thể:

BN751: Nam, 45 tuổi, ở Thành phố Đà Nẵng.

- Vào viện ngày 06/8/2020

- Xét nghiệm 3 lần âm tính.

- Hiện tại bệnh nhân tỉnh, không sốt, không ho, không khó thở, tim đề rõ.

BN793: Nam, 58 tuổi, ở Sơn Động, Bắc Giang.

- Bệnh nhân vào viện ngày 05/8/2020.

- Xét nghiệm 3 lần âm tính.

- Hiện tại: Bệnh nhân tỉnh, không sốt, không ho, không khó thở, tim đều rõ, phổi 2 bên thông khí đều. Dấu hiệu sinh tồn bình thường. Bụng mềm, gan lách không to.

BN793 là trường hợp nặng nhất trong giai đoạn dịch mới. Ông được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực vào ngày 14/8 với tình trạng nặng ngay khi nhập viện.

Có thời điểm, chức năng phổi của bệnh nhân rất kém, phổi đông đặc đến 90%, các bác sĩ phải cho bệnh nhân chạy ECMO (kỹ thuật tim phổi nhân tạo). May mắn, bệnh nhân đáp ứng điều trị tốt, vượt qua cơn nguy kịch và dần hồi phục.

BN794: Nam, 02 tuổi, ở Sơn Động, Bắc Giang (là cháu nội của BN793)

- Xét nghiệm 3 lần âm tính.

- Hiện tại: Bệnh nhân tỉnh, không sốt, không ho, không khó thở, tim đều rõ, phổi 2 bên thông khí đều. Bụng mềm, gan lách không to. Dấu hiệu sinh tồn bình thường.

BN811: Nữ, 33 tuổi, ở Sơn Động, Bắc Giang (là con dâu BN793)

- Xét nghiệm: 4 lần âm tính.

- Hiện tại: Bệnh nhân tỉnh, không sốt, không ho, không khó thở, tim đều rõ, phổi 2 bên thông khí đều. Bụng mềm, gan nách không to. Dấu hiệu sinh tồn ổn định.

BN1045: Nam, 72 tuổi, ở Hải Dương.

- Bệnh nhân vào viện ngày 01/9/2020

- Xét nghiệm 3 lần âm tính.

- Hiện tại: Bệnh nhân tỉnh, không sốt, không ho, không khó thở, tim đều rõ, phổi 2 bên thông khí đều. Dấu hiệu sinh tồn bình thường.

Chia sẻ về BN1045, BS. Phạm Văn Phúc - Khoa Hồi sức tích cực của BV cho biết, ngay khi được chuyển từ địa phương lên Khoa Hồi sức tích cực, BN1045 đã có tình trạng rất xấu. Thời điểm nhập viện, ông suy hô hấp nặng, phải lập tức đặt ống thở máy. Ngoài ra, bệnh nhân cũng bội nhiễm thêm các vi khuẩn khác ngoài SARS-CoV-2.

Các bác sĩ đánh giá ông là ca có tiên lượng rất nặng bởi người bệnh cao tuổi, lại mắc bệnh nền như phì đại tiền liệt tuyến, thoát vị cột sống cổ. Ngày đầu, ông có nguy cơ phải chạy ECMO (kỹ thuật tim phổi nhân tạo), tuy nhiên sau đó đã đáp ứng tốt thở máy, tình trạng cải thiện.

Sau 8 ngày điều trị, thở máy xâm nhập, tình trạng phổi của bệnh nhân được cải thiện, chuyển hỗ trợ thở máy ở mức thấp, sau đó được cho thở oxy. Đến ngày 14/9, bệnh nhân đã có thể dừng thở oxy.

Đến hôm nay, BN793 và BN1045 đều đã có thể tự đi lại, sinh hoạt bình thường, 3 lần liên tiếp âm tính SARS-CoV-2, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh theo quy định của Bộ Y tế.

Bé 7 tuổi trong gia đình 8 người mắc COVID-19 khỏi bệnh xuất viện

Chiều 22/9, ông Mai Văn Mười – Phó Giám đốc Sở Y tế, Trưởng Tiểu ban điều trị COVID-19 Quảng Nam cho hay, chiều nay ngành y tế tổ chức ra viện đối với BN600 là Tr. H. T (7 tuổi, ở khu phố 5, TT Hà Lam, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) sau có 4 lần có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

Đây là 1 trong số 8 người ở cùng một gia đình có 8 người dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện, mẹ của cháu bé là B. T. H chưa được ra viện.

Ngày 2/8, BN này phát hiện nhiễm COVID-19 nhập viện điều trị. Sau hơn 1 tháng rưỡi điều trị, đến nay đã khỏi bệnh đủ điều kiện xuất viện về nhà, tiếp tục theo dõi thêm 14 ngày theo đúng quy định.

Như vậy, đến thời điểm hiện tại Quảng Nam còn 6 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, trong đó có 3 bệnh nhân tái dương tính.

MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.