Quảng Ninh thành lập thêm bệnh viện dã chiến 250 giường bệnh

Quảng Ninh thành lập thêm bệnh viện dã chiến 250 giường bệnh
TPO - UBND tỉnh Quảng Ninh vừa có quyết định thành lập Bệnh viện số 3 thu dung, điều trị và cách ly bệnh nhân mắc COVID-19.

Theo đó, Bệnh viện số 3 thành lập trên cơ sở Bệnh viện đa khoa Hạ Long, TP Hạ Long với quy mô 250 giường bệnh. Toàn bộ cán bộ, nhân viên y tế của Bệnh viện đa khoa Hạ Long và các nhân viên do Sở Y tế Quảng Ninh điều động tham gia thực hiện nhiệm vụ.

Quảng Ninh thành lập thêm bệnh viện dã chiến 250 giường bệnh ảnh 1 Bệnh viện dã chiến số 3 được thành lập tại phường Hoành Bồ, TP Hạ Long

Bệnh viện số 3 sẽ có nhiệm vụ sàng lọc, thu dung, cách ly, điều trị các trường hợp là ca bệnh nghi ngờ, các bệnh xác định mức độ nhẹ, trung bình; các đối tượng cách ly ngoài cơ sở y tế (F1, F2, F3) có bệnh lý khác cần điều trị. Vận chuyển cấp cứu đến đơn vị thu dung điều trị phù hợp trong trường hợp tình trạng người bệnh vượt quá khả năng điều trị của đơn vị. 

Đồng thời, bảo đảm công tác hậu cần, an ninh, trật tự, an toàn, chế độ phụ cấp cho người bệnh, nhân viên y tế làm việc tại bệnh viện. Thực hiện đào tạo, tập huấn, tổ chức diễn tập các nội dung chuyên môn trong khám chữa bệnh, đặc biệt là phòng, chống COVID-19 cho cán bộ, nhân viên tại bệnh viện. Thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của nhà nước trong hạch toán chi phí khám, chữa bệnh và bảo đảm công tác truyền thông, thông tin, báo cáo, phòng bệnh.

Trang thiết bị được sử dụng từ trang thiết bị của Bệnh viện Đa khoa Hạ Long và trang thiêt bị do Sở Y tế cung cấp hoặc điều động. Bệnh viện được giải thể sau khi có quyết định của cấp có thẩm quyền.

Tính đến nay, đã có 688/855 trường hợp F1 của Quảng Ninh có kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Tất cả các trường hợp rà soát, truy vết đều được cách ly tại các cơ sở y tế hoặc tại nhà theo đúng quy định.

Hơn 23.000 người đang cách ly, chuẩn bị sẵn sàng phương án điều trị nhiều bệnh nhân nặng tại Quảng Ninh, Hải Dương

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, tính đến 6h ngày 31/01, Việt Nam có tổng cộng 914 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay: 221 ca.

Tính từ 18h ngày 30/1 đến 6h ngày 31/1: 14 ca mắc mới, trong đó có 0 ca nhập cảnh được cách ly ngay.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 23.065, trong đó:

- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 150

- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 20.336

- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 2.579

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: đến thời điểm này nước ta đã chữa khỏi 1.456 bệnh nhân COVID-19.

Tính đến thời điểm này trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2: 6 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 4 ca, số ca âm tính lần 3 là 8 ca.

Số ca tử vong liên quan đến COVID-19 ở nước ta đến nay là 35 ca, đây là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng, bao gồm tại Đà Nẵng (31 trường hợp), Quảng Nam (03) và Quảng Trị (01).

Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, tại buổi hội chẩn trực tuyến với các bệnh viện về tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19 và những bệnh nhân nặng diễn ra vào ngày hôm qua.Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh tiếp tục tập trung cho công tác phòng chống dịch ngay cận kề Tết nguyên đán, phải làm tốt công tác phân luồng, sàng lọc, cách ly, phát hiện sớm và điều trị hiệu quả.

Đối với các bệnh viện ở Hải Dương và Quảng Ninh hiện đang thu dung và điều trị các bệnh nhân COVID-19 phải sẵn sàng cho tình huống có nhiều bệnh nhân nặng để chủ động trong điều trị và xin ý kiến hội đồng chuyên môn thường trực 24/24h.

Bình Dương yêu cầu người dân một huyện ở yên trong nhà liên quan BN 1644

UBND huyện Phú Giáo (tỉnh Bình Dương) đã ban hành văn bản thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg và 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19. Nơi đây có hai người tiếp xúc với bệnh nhân 1644 ở Hải Dương.

Theo đó, với xã An Bình (huyện Phú Giáo), yêu cầu UBND xã triển khai thực hiện nghiêm cách ly xã hội trong vòng 15 ngày trên phạm vi toàn xã kể từ 0 giờ ngày 31/1 đến 0 giờ ngày 14/2.

Đối với các xã Vĩnh Hòa, Tân Hiệp, Phước Sang và thị trấn Phước Vĩnh, yêu cầu UBND các xã, thị trấn này quán triệt thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, yêu cầu người dân ở trong nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu và làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh, dịch vụ, dừng hoạt động các trường hợp không cần thiết khác; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách 2m khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và nơi công cộng.

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng yều cầu nhân dân tự giác chấp hành các yêu cầu, biện pháp phòng, chống dịch, tích cực tham gia khai báo y tế tự nguyện, thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ tự bảo vệ mình, gia đình mình và tham gia có trách nhiệm với các hoạt động phòng, chống dịch của cơ quan chức năng và cộng đồng; người đứng đầu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu trách nhiệm áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở của mình, bảo đảm sức khỏe, an toàn cho người lao động.

Các cơ quan đơn vị nhà nước bố trí cho các bộ, công chức, viên chức sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà. Chỉ những trường hợp thật sự cần thiết như trực chiến đấu, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật… mới được đến làm việc tại công sở. Bên cạnh đó, tăng cường họp trực tuyến.

UBND tỉnh Bình Dương cũng yêu cầu hạn chế di chuyển từ địa bàn, khu vực này sang từ địa bàn, khu vực khác; dừng việc di chuyển từ vùng có dịch đến các địa phương khác trừ những trường hợp đặc biệt.

Đối với các xã còn lại gồm: Tam Lập, Phước Hòa, An Long, Tân Long, An Linh, An Thái, yêu cầu UBND các xã quán triệt thực hiện nghiêm Chỉ thị 15; thường xuyên kiểm tra, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm. Đồng thời chịu trách nhiệm nếu để dịch bệnh xảy ra tại địa phương, cơ quan, đơn vị quản lý.

Trước đó, Bình Dương ghi nhận 2 trường hợp tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân 1644 ở Hải Dương. Hai người này từ Hải Dương về lại Bình Dương đã tiếp xúc với nhiều người. Hiện tất cả những người liên quan đã được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. Trong ngày hôm nay (31/1), Bình Dương sẽ công bố thông tin liên quan đến các trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân 1644 ở Hải Dương.

Hà Nội khẩn cấp tìm lái xe ô tô 7 chỗ chở bệnh nhân COVID-19 về Thái Bình

Trưa 31/1, Sở Y tế Hà Nội phát đi thông báo tìm lái xe 7 chỗ chở BN1694 từ Hà Nội đến Thái Bình.

Theo thông báo của Sở Y tế, ai là lái xe ô tô 7 chỗ, màu bạc, đã nhận chở thuê 7 người trong đó có bệnh nhân COVID-19 số 1694, đi từ địa chỉ 479 đường Phúc Diễn, tổ 1, phường Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đến Thụy Việt (Thái Thụy, Thái Bình) ngày 24/1 cần liên hệ ngay với cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và hỗ trợ phòng chống bệnh COVID-19; hoặc gọi đến số điện thoại đường dây nóng phòng chống dịch: 0969.082.115, 0949.396.115.

BN1694 là người đàn ông 40 tuổi (quê Kinh Môn, Hải Dương), có địa chỉ ở quận Nam Từ Liêm, làm việc ở nhà máy Z153, Cục Kỹ thuật Bộ Quốc phòng, ở huyện Đông Anh.

Theo điều tra dịch tễ, hôm 16/1, anh này từ Hà Nội về quê ở Kinh Môn, Hải Dương. Tối sang nhà hàng xóm, 21h có anh N.V.P (người sau này là bệnh nhân COVID-19) uống nước cùng. Hai người cùng đi mua sạc điện thoại cách đó khoảng 700m (không nhớ tên cửa hàng điện thoại), tiếp tục uống nước ở nhà anh P tầm 20 phút rồi về nhà ngoại ở gần đó lúc 22h (nhà ở quê có 10 người).

Hôm sau anh này đi đám cưới ở Kinh Môn rồi về Hà Nội và đi làm. Ngày 18/1, BN1694 có biểu hiện mệt mỏi, ho, ngạt mũi, đau đầu, vẫn tiếp tục đi làm những ngày sau đó.

Ngày 23/1, anh vẫn còn biểu hiện ngạt mũi, đau họng và bắt đầu mất cảm giác mùi vị. 

Gia đình anh có thuê xe 7 chỗ về quê vợ ở Thụy Việt (Thái Thụy, Thái Bình) ăn đám cưới. Tại đây anh tiếp xúc khoảng 10 người họ hàng. Ngày 24/1, gia đình anh lại thuê xe đi từ Thái Bình lên Hà Nội.

Bệnh nhân này được xác định dương tính SARS-CoV-2 sáng 30/1, cùng ngày được Bộ Y tế chính thức thông báo là bệnh nhân COVID-19. 

Đến sáng 31/1, anh này là bệnh nhân COVID-19 liên quan tới ít nhất 7 người gồm 2 đồng nghiệp cùng nhà máy Z153 và 5 người nhà (gồm: vợ, con trai, bố mẹ vợ và em gái vợ). 

Gia Lai gặp khó khăn truy vết vợ chồng mắc COVID-19

Ngày 31/1, đoàn công tác của Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên đã vào vùng dịch ở tỉnh Gia Lai. Theo thống kê, đến sáng nay, tỉnh miền núi này đã phát hiện 5 trường hợp dương tính lần 1 với SARS-CoV-2. Cơ quan chức năng đã xác định được 2 ổ dịch liên quan đến các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 vừa nêu: Tại phường Cheo Reo (thị xã Ayun Pa) và đám cưới buôn Tong Se (xã Ia Trốk, huyện Ia Pa). Cả 2 ổ dịch trên xuất phát từ việc bệnh nhân Th (SN 1982, trú tại Lý Thường Kiệt, tổ 4, phường Cheo Reo) và chồng tên H (SN 1982) đã tiếp xúc với bệnh nhân Tr (là trường hợp F0), SN 1986, ở huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Sau đó hai vợ chồng bệnh nhân này trở về thị xã Ayun Pa và được phát hiện dương tính lần 1 với SARS-CoV-2 vào rạng sáng 30/1. 

Trao đổi với Tiền Phong, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, địa phương đang gặp khó khăn trong công tác truy vết, kiểm soát các F1, do 2 bệnh nhân mắc COVID-19 đầu tiên ở tỉnh đi đám cưới ở Hải Dương về tỉnh Gia Lai từ ngày 21/1, nhưng gần 10 ngày sau mới phát hiện. Trong thời gian này, bệnh nhân nữ làm hộ lý tại Trung tâm Y tế huyện Ia Pa đã tiếp xúc với nhiều bệnh nhân và người nhà của họ. Còn bệnh nhân nam, tức người chồng của hộ lý vừa nêu đi đám cưới ở buôn Tong Se, xã Ia Trốk, huyện Ia Pa, nơi có nhiều người đồng bào. Hai vợ chồng này có con đi học tại trường tiểu học, cùng với đó tiếp xúc với hàng xóm, người dân tại khu chợ Bình Lợi, phường Cheo Reo.

Đặc biệt, bà Lịch cho rằng, chủng dịch COVID-19 lần này nguy hiểm, lây lan rất nhanh, mạnh, trong khi đó những ca dương tính không nhớ hết và nhớ chính xác lịch trình di chuyển, tiếp xúc.

“Gia Lai đã có dịch, phải đấu tranh từng phút từng giờ, không được nghỉ ngơi để truy vết, xét nghiệm, điều tra dịch tễ phòng chống dịch chặt chẽ; tuy nhiên, phải hết sức bình tĩnh ứng phó, không hoang mang; đề nghị cẩn thận, chắc chắn từng phương án, phù hợp với tình hình địa phương, phân bổ lực lượng hài hoà chiến đấu với dịch lâu dài”, bà Lịch nói.

 Kết quả xét nghiệm các trường hợp liên quan của bệnh nhân 1660 tại Đồng Tháp

Sáng 31/01, thông tin từ UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, theo kết quả Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, xét nghiệm lần 1 trường hợp F1 của bệnh nhân 1660 âm tính với SARS-CoV-2.

Theo đó, F1 sẽ tiếp tục cách ly, theo dõi tại khu cách ly tập trung Trường Trung cấp Hồng Ngự; các trường hợp F2, F3 được cách ly, theo dõi tại nhà; đồng thời thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo của ngành y tế.

Trường hợp F1 nêu trên là giảng viên của Trường Đại học Đồng Tháp, đi cùng chuyến bay VN213 từ Nội Bài (Hà Nội) đến Tân Sơn Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) ngày 28/01/2021 với BN1660, sau đó về Đồng Tháp.

Ngày 30/01/2021, F1 tích cực hợp tác khai báo y tế và được đưa đi cách ly tập trung tại khu cách ly Trường Trung cấp Hồng Ngự (thành phố Hồng Ngự). Đến nay, qua điều tra dịch tễ, ngành chức năng ghi nhận 54 trường hợp có liên quan đến F1 này.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh đã chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, xây dựng kịch bản ứng phó trong mọi tình huống xảy ra.

 Trước đó vào chiều 30/1, ông Đoàn Tấn Bửu - Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp chủ trì cuộc họp với thành viên Ban Chỉ đạo, tiếp tục yêu cầu thần tốc truy vết các trường hợp có tiếp xúc với trường hợp F1 - người tiếp xúc với BN1660 trên chuyến bay VN213 ngày 28/01/2021.

Theo Sở Y tế Đồng Tháp, qua truy vết ngành chức năng ghi nhận 54 trường hợp có liên quan đến F1, trong đó có 29 người là lãnh đạo, giảng viên, nhân viên của Trường Đại học Đồng Tháp.

Theo ông Trương Tấn Đạt - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Đồng Tháp,

Trường đại học Đồng Tháp đã tạm ngưng  tất cả hoạt động của nhà trường; đồng thời phối hợp rà soát các trường hợp F2, F3 có liên quan đến F1 cũng như khuyến cáo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho lãnh đạo, giảng viên, nhân viên và sinh viên của trường.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, tỉnh chủ động xây dựng kịch bản ứng phó trong 02 tình huống đặt ra hiện nay là: Nếu F1 có kết quả dương tính SARS-CoV-2 và trở thành F0 thì đưa vào Bệnh viện; đồng thời lấy mẫu xét nghiệm và cách ly y tế toàn bộ F1, F2.

Nếu F1 âm tính với SARS-CoV-2 thì tiếp tục cách ly, theo dõi tại khu cách ly tập trung; Uỷ ban nhân dân cấp xã ra Quyết định cách ly tại nhà đối với các F2; đồng thời khuyến cáo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp cũng chỉ đạo tạm ngưng tổ chức các sự kiện, lễ hội tập trung đông nguời sắp diễn ra tại huyện Tháp Mười và huyện Cao Lãnh.


MỚI - NÓNG