Sáng 28/2, Việt Nam không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới

Sáng 28/2, Việt Nam không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới
TPO - Sáng 28/2, Bộ Y tế cho biết không ghi nhận thêm ca mắc mới COVID-19. Như vậy tính đến 6h ngày 28/2, tổng số ca mắc tại nước ta vẫn là 2.432 ca, trong đó có 1.530 ca lây nhiễm trong nước.

Riêng từ ngày 27/1 đến nay, đã ghi nhận 837 ca mắc mới do lây nhiễm trong cộng đồng tại 13 tỉnh, thành phố: Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Hòa Bình, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Điện Biên, Gia Lai, Hà Giang và Bình Dương.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 63.054. 

Trong đó, có 10 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới trong cộng đồng (gồm: Hòa Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Gia Lai, Bắc Ninh, Quảng Ninh, thành phố Hồ Chí Minh).

Riêng tại Hà Nội, từ ngày 16/2 đến nay (đã bước sang ngày thứ 13), thành phố chưa ghi nhận thêm ca mắc mới trong cộng đồng. Lũy tích từ ngày 27/1 đến 18h ngày 27/2 trên địa bàn thành phố ghi nhận 36 ca mắc, trong đó có 35 ca tại 8 quận, huyện: Nam Từ Liêm, Đông Anh, Cầu Giấy, Mê Linh, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Đống Đa, Ba Đình và 1 ca tại tỉnh Hưng Yên khám tại Bệnh viện Phổi trung ương được Bộ Y tế tính là ca bệnh của Hà Nội.

Hiệu lực của vắc-xin made in Việt Nam rất tốt

Thời gian qua, các nhà khoa học Việt Nam coi việc phát triển vắc-xin là vấn đề mấu chốt. Bộ Y tế đã có nhiều chỉ đạo sâu sát, cùng các đơn vị làm sao sớm sản xuất   vắc-xin một cách chủ động.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, đến nay mọi vắc-xin trên toàn cầu mức độ bảo vệ chỉ khoảng 6 tháng đến 1 năm. Do biến chủng virus nhiều, hiệu lực bảo vệ của vắc-xin chỉ trong thời gian nhất định. Vì thế, chúng ta phải luôn chủ động về vắc-xin coi đây là vấn đề an ninh, sức khoẻ.

Một mặt Bộ Y tế  thúc đẩy quá trình mạnh mẽ nghiên cứu sản xuất, sử dụng vắc-xin trong nước, một mặt thúc đẩy tìm kiếm vắc-xin trên thế giới phục vụ nhu cầu trước mắt, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Đánh giá về những lợi thế của IVAC khi tiến hành nghiên cứu, sản xuất, thử nghiệm Covivac, Bộ trưởng cho hay đây là nghiên cứu đa trung tâm và quốc tế. Trước đây chúng ta đánh giá tiền lâm sàng ở trong nước, với Một mặt Bộ Y tế  thúc đẩy quá trình mạnh mẽ nghiên cứu sản xuất, sử dụng vắc-xin trong nước, một mặt thúc đẩy tìm kiếm vắc-xin trên thế giới phục vụ nhu cầu trước mắt, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Khi đánh giá tiền lâm sàng và những thử nghiệm, Bộ trưởng khẳng định hiệu lực bảo vệ của Covivac rất tốt. "Chúng tôi tự tin, ngoài vắc-xin Nanogen đang được thử nghiệm giai đoạn 2 thì Covivac được coi là tiềm năng trong công cuộc ứng phó đại dịch COVID-19" - ông nói.

Tới đây, Việt Nam sẽ thử nghiệm lâm sàng của vắc-xin thứ 3 "made in Vietnam" do VABIOTECH sản xuất. Bộ trưởng tin tưởng, với việc sản xuất vắc-xin Việt Nam có thể chủ động, bảo đảm nguồn cung, bảo đảm an ninh y tế, sẵn sàng phục vụ đại dịch, là nền tảng khi có các đại dịch trong tương lai sẽ chủ động được.

MỚI - NÓNG