TPHCM trước nguy cơ lây dịch Chikungunya từ Campuchia

Khử khuẩn phòng bệnh dịch (ảnh: HCDC)
Khử khuẩn phòng bệnh dịch (ảnh: HCDC)
TPO - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cho biết dịch Chikungunya đã bùng phát tại Campuchia với khoảng 1.700 trường hợp mắc. Sắp tới Sở Y tế TPHCM sẽ triển khai giám sát ca bệnh Chikungunya trong các cơ sở khám chữa bệnh.  

Ngày 25/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) vừa phát cảnh báo về dịch bệnh Chikungunya đang bùng phát lan rộng tại Campuchia khiến hàng ngàn người mắc.

Theo BS Lê Hồng Nga - Trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm HCDC, từ năm 2017 đến nay, khu vực phía Nam có tổng cộng 22 điểm thực hiện giám sát trọng điểm bệnh do virus Chikungunya lồng ghép với giám sát sốt xuất huyết Dengue và bệnh do virus Zika, trong đó TP.HCM có hai điểm giám sát tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới và Bệnh viện Hùng Vương.

Hiện chưa ghi nhận trường hợp nhiễm virus Chikungunya tại TPHCM, và nguy cơ xảy ra dịch Chikungunya tại TPHCM là không cao. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, TPHCM đã tiến hành triển khai các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết cũng là các biện pháp phòng chống bệnh Chikungunya.

Bác sĩ Nga cho biết, trong thời gian tới, Sở Y tế TPHCM triển khai giám sát ca bệnh Chikungunya trong các cơ sở khám chữa bệnh và cộng đồng để có các biện pháp kịp thời.

TPHCM trước nguy cơ lây dịch Chikungunya từ Campuchia ảnh 1 TPHCM chủ động phòng bệnh Chikungunya (ảnh: HCDC)

Bệnh Chikungunya là bệnh truyền nhiễm virus Chikungunya do muỗi Aedes (muỗi vằn) truyền. Bệnh có biểu hiện lâm sàng tương tự nhiễm sốt xuất huyết Dengue và có thể gây chẩn đoán nhầm, đặc biệt là ở vùng thường xuất hiện bệnh sốt xuất huyết. Chikungunya còn được gọi là “makonde” có nghĩa là có tình trạng “uốn cong người lên và về phía trước” xuất hiện ở các thể nặng của bệnh. Nhiễm Chikungunya rất hiếm gây tử vong nhưng bệnh có hiện tượng kéo dài thời gian bệnh và làm giảm chất lượng sống.

Mặt khác, bệnh Chikungunya chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cũng như vắc xin phòng ngừa bệnh. Do đó, bác sĩ Nga khuyến cáo, mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi cơ quan, công sở cùng chung tay thực hiện các biện pháp phòng bệnh Chikungunya cũng như sốt xuất huyết.

Cụ thể, dành 10 - 15 phút mỗi tuần để dọn dẹp nơi mình làm việc, sinh sống, từ trong nhà đến xung quanh nhà, không để đọng nước làm phát sinh lăng quăng, muỗi như: lật úp các xô, lọ, chai cũ không dùng đến; cọ rửa và thay nước lọ hoa, chén nước cúng ít nhất 1 lần/tuần, dọn dẹp mái hiên, nóc nhà, máng xối,…

Đậy kín lu, hồ, phuy chứa nước khi không dùng đến để tránh muỗi đẻ trứng và phát sinh lăng quăng, muỗi; Đối với những nơi chứa nước không dùng để uống, sinh hoạt có thể thả cá để diệt lăng quăng; Sử dụng bình xịt, nhang, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay, ngủ mùng kể cả ban ngày… để tránh muỗi đốt.

Khi có biểu hiện sốt cao đột ngột, nhức đầu, đau cơ, đau khớp, chán ăn, buồn nôn, nôn,… đến cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Tính đến ngày 6/8, bệnh Chikungunya đã bùng phát và lan rộng khắp 15 tỉnh/thành phố của Campuchia với khoảng 1.700 trường hợp mắc. Đến nay, Chikungunya đã gây ra một số trận dịch lớn tại châu Phi và châu Á.

Trong khi đó, Việt Nam có 10 tỉnh giáp với Campuchia như Tbong Khnum, Ta Kheo, Kampot… Ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, khả năng xâm nhập bệnh Chikungunya vào Việt Nam là hoàn toàn có thể xảy ra, nhất là tại các khu vực vùng biên giới giáp với Campuchia. 

MỚI - NÓNG