Vì sao gia tăng tự tử vị thành niên?

TP - Tại Hội thảo quốc tế lần thứ 5 về sức khỏe tâm thần trẻ em Việt Nam, PGS.TS Đặng Hoàng Minh (Trường ĐH Giáo dục- ĐHQG Hà Nội) cho biết, khoảng 50% trẻ ở độ tuổi từ 14-15 có vấn đề về sức khoẻ tâm thần. Đặc biệt, tình trạng tự tử ở tuổi vị thành niên đang tăng cao nhưng nhiều người chưa biết cách hỗ trợ và can thiệp.

Theo PGS.TS Đặng Hoàng Minh, tự tử là nguyên nhân gây thương vong thứ 3 trong các loại bệnh tật trên thế giới, tuy nhiên, vấn đề sức khoẻ tâm thần chưa được chú trọng, đặc biệt tâm lý thanh thiếu niên tuổi học đường.

GS.TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ước tính, ở Việt Nam, tỷ lệ thanh thiếu niên và trẻ em có các vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng khoảng 12%, tương đương 3 triệu thanh thiếu niên có nhu cầu hỗ trợ và trị liệu. Tuy nhiên, các vấn đề sức khỏe tâm thần lại chưa được hiểu biết đúng và mang nhiều định kiến. Chính vì mức độ hiểu biết về sức khỏe tâm thần thấp, rất nhiều người chỉ tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên nghiệp khi các vấn đề đã nghiêm trọng, làm giảm hiệu quả trị liệu.

PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục (Trường ĐH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội) thông tin: “Trên thế giới, trung bình mỗi ngày có khoảng 3.000 trẻ vị thành niên chết do tự tử. Những năm gần đây, việc tự sát của giới trẻ có xu hướng gia tăng. Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tự tử vị thành niên là lo âu trầm cảm. Đặc biệt, là áp lực học tập”. Nhiều học sinh sau khi được cứu sống đã tâm sự, tự tử là con đường cuối cùng để phản kháng lại những áp lực kỳ vọng của cha mẹ vào thành tích học tập. Nhiều em hằng ngày đến trường có biểu hiện bên ngoài rất bình thường nhưng trong đầu suy nghĩ, mình đi học vì để đáp ứng yêu cầu của bố mẹ, để trả ơn và khiến bố mẹ hài lòng. Thông thường, một học sinh được “gắn nhãn” học giỏi có nguy cơ tự tử cao hơn những học sinh khác khi gặp thất bại học đường, ông nói.

Về phương pháp can thiệp đối với trẻ em, PGS.TS Trần Thành Nam nói rằng, trước hết cần giúp các em giảm nỗi đau buồn về tâm lý bằng cách thay đổi môi trường stress, tranh thủ sự nâng đỡ của người thân và bạn học. Cần có biện pháp để các em hiểu rằng, mỗi người có thể có nỗi buồn chính đáng, mọi người xung quanh cũng có những nỗi buồn riêng, nhưng đều có cách giải quyết. Với những trẻ đã từng có ý định tự sát, nhà tâm lý phối hợp gia đình theo dõi và đánh giá được khả năng tái phát. Các số liệu cho thấy tỷ lệ tái phát tự tử thường khá cao, từ 30% - 50% trong khoảng thời gian từ 12 - 18 tháng sau lần tự sát đầu tiên không thành công.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, phụ huynh không nên coi thường suy nghĩ, biểu hiện của trẻ mà ngược lại phải cho con biết mình rất quan tâm đến vấn đề này, sẵn sàng giúp đỡ các em vượt qua khó khăn.

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".