Kịch tính Bầu cử tổng thống Mỹ:

Ai đắc cử cũng vẫn coi trọng châu Á

Ai lên làm tổng thống Mỹ từ năm sau cũng coi trọng lợi ích của nước Mỹ - Ảnh: Tiền Phong
Ai lên làm tổng thống Mỹ từ năm sau cũng coi trọng lợi ích của nước Mỹ - Ảnh: Tiền Phong
TP - Ai lên làm tổng thống Mỹ từ năm sau cũng coi trọng lợi ích của nước Mỹ. Với châu Á, dù dùng tên gọi nào cho chiến lược, Mỹ chắc chắn vẫn coi đây là khu vực cực kỳ quan trọng, có thể là quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại của mình.

Đó là nhận định của giới chuyên gia trong và ngoài nước về kết quả bầu cử tổng thống Mỹ và vai trò của khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong chính sách đối ngoại của chính quyền Mỹ tiếp theo.

Ông Dereck Grossman, chuyên gia tại cơ quan tư vấn, tổ chức phi lợi nhuận RAND (trụ sở tại Mỹ), cho rằng, kết quả bầu cử Mỹ khó có khả năng tác động đến chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, một kế hoạch của Mỹ nhằm duy trì trật tự dựa trên luật lệ và bảo đảm một khu vực “tự do và rộng mở”. Theo nhà phân tích này, Trung Quốc ngày càng hung hăng khiến Mỹ phải thay đổi nhận thức. Khảo sát gần đây nhất của Trung tâm nghiên cứu Pew cho thấy quan điểm tiêu cực của người Mỹ về Trung Quốc tăng gần 20% từ khi ông Donald Trump lên cầm quyền. Điều này không nên được hiểu là hiện tượng Trump, vì tình hình tại các nước đồng minh và đối tác của Mỹ cũng tương tự.

“Biển Đông sẽ không quay lại với chiến lược tái cân bằng như thời Obama vì Mỹ đã nhìn nhận khác về Trung Quốc. Mỹ hiện diện ở đây, đó là điều bất di bất dịch. Còn Mỹ hiện diện mức độ nào để kiềm chế Trung Quốc sẽ được điều chỉnh. Dù sao hai bên cũng sẽ tránh đụng độ”.

Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh

Thực tế là Trung Quốc ngày càng hành động cưỡng ép ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, nhất là biển Đông và Hoa Đông cũng như Đài Loan và Hong Kong, và nay là cả tranh chấp trên biên giới với Ấn Độ, khiến quan điểm của nhiều nước về Trung Quốc thay đổi. Ông Grossman nói rằng, việc Trung Quốc thiếu minh bạch và xử lý sai lầm dịch COVID-19 ở giai đoạn đầu càng làm gia tăng xu hướng này, khiến cả hai ông Trump và Joe Biden đều phải cố gắng thể hiện cứng rắn với Trung Quốc. Theo khảo sát của Pew, 84% người Mỹ tin rằng Trung Quốc đã xử lý sai lầm cuộc khủng hoảng dịch bệnh, cho thấy sự mất lòng tin với Bắc Kinh sẽ vượt ra khỏi giai đoạn bầu cử.

Ai đắc cử cũng vẫn coi trọng châu Á ảnh 1 TTXVN

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh nói rằng, dù ông Trump tiếp tục lãnh đạo nước Mỹ 4 năm nữa hay ông Biden đắc cử, câu chuyện can dự tích cực, chú trọng hợp tác và đưa Trung Quốc trở thành cổ đông có trách nhiệm của thế giới chắc không còn nữa. Tuy nhiên, ông Vinh cho rằng, Mỹ vẫn có lợi ích với Trung Quốc, nên Mỹ sẽ vừa cần Trung Quốc vừa cạnh tranh để tìm vị trí mới và bảo đảm lợi ích của mình. Ông Vinh cho rằng, quan hệ hai nước sau bầu cử sẽ bớt căng, nhưng cũng chỉ xuống đến giai đoạn như 2019 và ổn định hơn, và sẽ có cửa cho đàm phán, nhất là kinh tế.

Ông Vinh cho rằng, nếu lên nắm quyền, ông Biden chắc chắn sẽ tái lập quan hệ với đồng minh và đối tác, trong khi đề cao các vấn đề dân chủ, nhân quyền. Những điều đó sẽ chi phối quan hệ với Trung Quốc, nhưng cửa hợp tác sẽ rộng hơn và cách làm đối ngoại truyền thống của Mỹ sẽ trở lại.

Về biển Đông, ông Vinh nói rằng, lợi ích thực sự của Mỹ nằm ở 2 thứ: Tự do hàng hải và trật tự khu vực mà lợi thế của Mỹ được duy trì. “Biển Đông sẽ không quay lại với chiến lược tái cân bằng như thời Obama vì Mỹ đã nhìn nhận khác về Trung Quốc. Mỹ hiện diện ở đây, đó là điều bất di bất dịch. Còn Mỹ hiện diện mức độ nào để kiềm chế Trung Quốc sẽ được điều chỉnh. Dù sao hai bên cũng sẽ tránh đụng độ”, ông Vinh nói.

Việt Nam cần dự trù nhiều phương án

Ông Vinh cho rằng, với Việt Nam, 25 năm qua nhiều đời tổng thống từ hai đảng khác nhau và quan hệ Việt-Mỹ vẫn duy trì được đà phát triển, kể cả dưới thời Tổng thống Trump, chứng tỏ nền tảng vững chắc của quan hệ hai nước, chứng tỏ hai bên có nhiều lợi ích song trùng. Nhưng mỗi tổng thống của Mỹ đều có cách tiếp cận và ưu tiên chiến lược khác nhau, nên Việt Nam phải dự trù phương án để xem lợi ích quốc gia song trùng ở đâu để thúc đẩy, đồng thời xử lý những mặt sẽ không thuận lợi cho Việt Nam. Ví dụ, ông Trump chú trọng nhất vấn đề thương mại, ưu tiên khắc phục thâm hụt thương mại với các nước, trong đó có Việt Nam. Trong khi đó, “chính sách đối ngoại của đảng Dân chủ thường nhấn mạnh vấn đề dân chủ, nhân quyền. Nên nếu ông Biden đắc cử thì Việt Nam phải tính đến khía cạnh đó”, ông Vinh nói.

Theo ông Vinh, càng ngày quan hệ song phương Việt-Mỹ càng phát triển vì vị thế và vị trí địa chiến lược của Việt Nam. Việt Nam cần kết hợp thế mạnh quốc gia và địa chiến lược để đẩy mạnh quan hệ với các nước lớn. “Trong các quan hệ quốc tế, Việt Nam luôn phải đề cao lợi ích quốc gia và luật pháp quốc tế, kể cả trong biển Đông, ứng xử với cạnh tranh Mỹ - Trung hay những vấn đề phức tạp mới nảy sinh”, ông Vinh nói.

Lo giai đoạn quá độ

Giới nghiên cứu bày tỏ lo ngại rằng, trong giai đoạn quá độ, từ sau ngày bầu cử Mỹ đến thời điểm tuyên thệ nhậm chức của nhiệm kỳ mới (20/1/2021), một số nước như Trung Quốc, Triều Tiên có thể “tìm cơ hội để thay đổi nguyên trạng” ở eo biển Đài Loan, biển Đông và bán đảo Triều Tiên.

Dù ai chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay thì chắc chắn trước mắt phải tập trung xử lý các vấn đề trong nước. Từ đại dịch COVID-19 đến làn sóng biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc và chênh lệch kinh tế ngày càng lớn, chính quyền tiếp theo, dù do ông Trump hay Biden đứng đầu, sẽ có rất nhiều việc phải làm.

Bà Madeleine Albright, Ngoại trưởng Mỹ dưới thời Tổng thống Bill Clinton, tổng kết quan điểm của nhiều người Mỹ trong một cuộc thảo luận trực tuyến tuần trước: “Người dân Mỹ hoàn toàn bị xâm chiếm bởi những vấn đề đang diễn ra trong nước, đó là COVID, nền kinh tế và khủng hoảng y tế”. Vì thế, đang có lo ngại chính quyền Mỹ tiếp theo sẽ tạm rời mắt khỏi châu Á trong thời gian tập trung ổn định trong nước. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, điều đó có thể không xảy ra vì các vấn đề trong nước của Mỹ liên quan chặt chẽ đến những chuyện xảy ra bên ngoài.  “Tôi nghĩ tất cả các vấn đề đều có bối cảnh quốc tế”, bà Albright nói.

Ông Ryo Sahashi, phó giáo sư về chính trị quốc tế tại Viện Đào tạo sau đại học về châu Á thuộc ĐH Tokyo (Nhật Bản), nói rằng, dù ông không lo ngại chính quyền Mỹ tiếp theo sẽ bận các vấn đề trong nước hơn đối ngoại, nhưng giai đoạn chuyển tiếp có thể xảy ra nhiều vấn đề. “Điều khiến tôi lo lắng nhất là những rắc rối sau ngày bầu cử”, ông Sahashi nói với báo Japan Times. Theo nhà nghiên cứu này, trong thời gian từ sau ngày bầu cử đến thời điểm tuyên thệ, một số nước ở khu vực như Trung Quốc và Triều Tiên có thể “tìm cơ hội để thay đổi nguyên trạng” ở eo biển Đài Loan, biển Đông và bán đảo Triều Tiên. Thời gian qua, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc tăng lên mức độ chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ. Washington cùng các đồng minh và đối tác cũng gia tăng hoạt động quân sự trên biển Đông để thách thức yêu sách của Trung Quốc, tạo ra nguy cơ xung đột bất ngờ. Triều Tiên gần đây khoe tên lửa đạn đạo liên lục địa di động lớn chưa từng thấy, và nhà lãnh đạo Kim Jong Un tuyên bố sẽ “tiếp tục nâng cao năng lực răn đe của đất nước”.

Giai đoạn chuyển tiếp như thế nào sẽ phụ thuộc vào kết quả bầu cử. Giới quan sát cho rằng nếu ông Biden đắc cử, mọi thứ sẽ phức tạp hơn. Ông Jacob Stokes, nhà phân tích tại Viện Hòa bình ở Washington, nói rằng, lịch sử cho thấy giai đoạn chuyển tiếp sẽ khó khăn, dù bất kỳ đảng nào thắng, đơn giản vì công việc liên quan đến việc bổ nhiệm hàng ngàn người mới vào các vị trí hàng đầu trong bộ máy hoạch định chính sách. “Nhưng Washington sẽ luôn ‘để mắt’ đến châu Á thông qua các nhà ngoại giao kỳ cựu, cộng đồng tình báo và quân đội, và họ sẽ vẫn cực kỳ chú ý đến các sự kiện xảy ra ở khu vực”, ông Stokes nói.

MỚI - NÓNG