APEC nâng cao vị thế của Việt Nam

Chủ tịch nước Trần Ðại Quang và các lãnh đạo kinh tế APEC 2017.
Chủ tịch nước Trần Ðại Quang và các lãnh đạo kinh tế APEC 2017.
TP - Năm APEC 2017, mà đỉnh cao là Tuần lễ Cấp cao tại Ðà Nẵng, là thành tích đối ngoại nổi bật nhất trong năm nay. Thành công này đánh dấu một mốc son mới trong tiến trình hội nhập quốc tế và triển khai đối ngoại đa phương, góp phần củng cố xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển.

Thúc đẩy hợp tác, liên kết kinh tế

Năm APEC 2017 với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung,” các nhà lãnh đạo-đại diện các nền kinh tế APEC đã cùng bàn thảo những vấn đề quan trọng, thiết thân, nhằm tạo “động lực mới” cho tăng trưởng bền vững và liên kết khu vực, từ đó “vun đắp tương lai chung” là hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng ở châu Á-Thái Bình Dương.

Với chủ đề đó, trong năm, các bộ trưởng, quan chức cao cấp APEC cùng với cộng đồng doanh nghiệp và học giả trong khu vực đã tiến hành hơn 240 cuộc họp tại 10 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Các cuộc họp đã thảo luận nghiêm túc, kỹ lưỡng và thống nhất đề xuất các biện pháp thúc đẩy đối thoại, hợp tác và liên kết APEC, tạo động lực mới cho tăng trưởng và liên kết kinh tế khu vực, để chuẩn bị tốt nhất các hoạt động của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.

Tiếp nối những thành công của các hội nghị trước đó, Tuần lễ Cấp cao đã diễn ra nhiều sự kiện quan trọng như: Hội nghị tổng kết Các quan chức cấp cao APEC (CSOM), Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh (VBS), Cuộc họp của Hội đồng Tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC), Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế (AMM), Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp (CEO Summit)… đóng góp vào thành công chung của năm APEC 2017.

APEC nâng cao vị thế của Việt Nam ảnh 1 Phiên  họp của các lãnh đạo kinh tế APEC 2017.

Điểm nhấn là Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC đã thu hút con số kỷ lục hơn 3 nghìn doanh nghiệp, trong đó có khoảng 1.300 doanh nghiệp quốc tế. Đặc biệt, Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC (CEO Summit) có 15 phiên họp với sự tham dự và phát biểu của lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC, trong đó có Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, lãnh đạo các tập đoàn kinh tế lớn hàng đầu thế giới và Việt Nam cùng đại diện của các định chế kinh tế quốc tế lớn đã đưa ra những ý tưởng mới, cam kết mới cho tăng trưởng.

Phát biểu tại hội nghị quan trọng này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã nêu ra những vấn đề mà cộng đồng doanh nghiệp quan tâm như: liên kết kinh tế khu vực, kết nối, thúc đẩy các dòng chảy thương mại và đầu tư, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, phát triển bao trùm, an ninh lương thực, tầm nhìn APEC sau 2020… Đây cũng là những vấn đề mà các nhà lãnh đạo APEC đang trăn trở và trao đổi để tìm ra những giải pháp và hướng đi phù hợp.

Sau bài phát biểu của Chủ tịch nước tại Hội nghị, đã có nhiều khuyến nghị, thảo luận hữu ích, cùng những ý tưởng và giải pháp về tăng trưởng, hợp tác và kết nối mà cộng đồng doanh nghiệp đề xuất, trực tiếp góp phần thúc đẩy kết nối khu vực, tự do hóa thương mại hàng hóa và dịch vụ, đặc biệt là thúc đẩy phát triển bền vững và thịnh vượng của khu vực.

Đáng chú ý, lần đầu tiên trong khuôn khổ APEC, đã diễn ra Đối thoại không chính thức giữa các nhà lãnh đạo kinh tế APEC và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Với chủ đề “Cùng tạo động lực mới vì một châu Á- Thái Bình Dương kết nối toàn diện”, cuộc đối thoại đặc biệt này do nước chủ nhà Việt Nam tổ chức nhằm hướng tới mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường kết nối giữa APEC với tư cách là Diễn đàn hàng đầu khu vực về tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại, đầu tư.

Với vai trò là nước chủ nhà, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã chủ trì và cùng các nhà lãnh đạo kinh tế APEC, các nhà lãnh đạo ASEAN, chia sẻ nhiều ý kiến sâu sắc, gợi mở những phương hướng và biện pháp nhằm tăng cường hợp tác giữa APEC và ASEAN.

Cuộc Đối thoại đã góp phần quan trọng thúc đẩy sự phối hợp và bổ trợ giữa hai cơ chế hợp tác khu vực quan trọng là APEC và ASEAN, hướng tới mục tiêu chung nâng cao vai trò của khu vực châu Á - Thái Bình Dương là động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu.

Trong suốt thời gian diễn ra Hội nghị cấp cao APEC, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã điều hòa khác biệt giữa các thành viên, tạo không khí hợp tác, xây dựng, tạo đồng thuận chung trong thương lượng văn kiện, giúp tìm ra điểm tương đồng để hợp tác.

 Nâng tầm quan hệ song phương

Thắng lợi của Năm APEC 2017 còn đặt nền móng nâng tầm quan hệ song phương giữa Việt Nam với các đối tác. Trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC, cùng với các hội nghị thượng đỉnh, đã diễn ra rất nhiều cuộc gặp song phương quan trọng, tác động mạnh mẽ đến đời sống chính trị quốc tế. Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có nhiều cuộc hội đàm, tiếp xúc song phương với nguyên thủ, lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC, lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới. Đặc biệt, trong dịp này đã diễn ra các chuyến thăm song phương mang tính lịch sử. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tiên thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam ngay sau Đại hội lần thứ XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đây cũng là lần đầu tiên Tổng thống Donald Trump - một Tổng thống Hoa Kỳ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ. Cũng trong Tuần lễ Cấp cao, lãnh đạo nước ta đã tiến hành gần 50 cuộc gặp gỡ, tiếp xúc song phương với các đối tác.

Tại các cuộc tiếp xúc, lãnh đạo các nền kinh tế, các tập đoàn đều đánh giá cao vị thế ngày càng tăng của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới, mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ với Việt Nam, đánh giá cao triển vọng kinh tế của Việt Nam và những nỗ lực của Việt Nam trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cũng như các cam kết của Việt Nam đối với các nước thành viên APEC và cộng đồng quốc tế.

Những thành quả mà Năm APEC 2017 đạt được là minh chứng sinh động cho thắng lợi của thương mại tự do và mở, của hệ thống thương mại đa phương, tạo đà cho triển vọng tươi sáng hơn của kinh tế thế giới.

MỚI - NÓNG