APPF thúc đẩy liên kết kinh tế sâu rộng và toàn diện

Các nghị sỹ thảo luận về vấn đề kinh tế, thương mại.
Các nghị sỹ thảo luận về vấn đề kinh tế, thương mại.
TPO - Chiều 19/1, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã tới tham dự và phát biểu tại Phiên toàn thể các Vấn đề Kinh tế và Thương mại trong khuôn khổ Hội nghị thường niên lần thứ 26 của Diễn đàn hợp tác Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF-26).

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, thành công rực rỡ của Năm APEC 2017 tại Việt Nam cũng là một minh chứng rõ nét cho sức sống của hợp tác và liên kết kinh tế khu vực.

APPF thúc đẩy liên kết kinh tế sâu rộng và toàn diện ảnh 1

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp toàn thể thứ hai về chủ đề kinh tế, thương mại.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: "Chúng ta cần có những hành động thiết thực nhằm cải thiện kết nối, như  những sáng kiến của APEC, ASEAN tập trung vào 3 trọng tâm: hạ tầng, con người và thể chế, mà trong đó Nghị viện đóng vai trò quan trọng là cơ quan lập pháp tại mỗi quốc gia. Từ kinh nghiệm của Việt Nam và nhiều nước, chúng ta cần tiếp tục phát huy vai trò của Quốc hội, Chính phủ trong xây dựng hệ thống luật pháp, chính sách, quy tắc tạo thuận lợi cho gia nhập và rút khỏi thị trường, bảo đảm cạnh tranh công bằng, tăng cường kết nối cung cầu và nâng cao năng lực quản lý nhà nước".

Trong bối cảnh đó, phát triển nông nghiệp bền vững và bảo đảm an ninh lương thực có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cả tầm quốc gia, khu vực và toàn cầu. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng: "Chúng ta cần một khung khổ hợp tác bao quát với các trụ cột như trong Kế hoạch hành động về an ninh lương thực và biến đổi khí hậu 2018-2025 được Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao - Tài chính APEC thông qua tại Đà Nẵng vào tháng 11/2017.Tôi tin tưởng rằng, Diễn đàn chúng ta hôm nay sẽ có thêm tiếng nói quyết định để ủng hộ, nâng tầm Kế hoạch hành động APEC 2017 nói trên, vì tương lai phát triển và lợi ích chung của khu vực".

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ kiến nghị: "Kinh nghiệm của nhiều nước APEC, ASEAN và Việt Nam là minh chứng sống động cho quá trình đổi mới, sáng tạo, hoàn thiện không ngừng, từ thể chế, chính sách đến chuẩn bị điều kiện cần thiết và tổ chức triển khai thực hiện trong các lĩnh vực mà Diễn đàn chúng ta nêu ra. Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực cải cách thể chế, chính sách tạo đột phá, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và phát triển doanh nghiệp, trong đó ban hành riêng Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa".

Tại phiên họp toàn thể lần hai, các đại biểu tích cực thảo luận ba vấn đề chính về kinh tế, thương mại. Đó là vai trò của Nghị viện thúc đẩy liên kết kinh tế sâu rộng và toàn diện; An ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững; Hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số.

Đẩy mạnh chống bảo hộ mậu dịch

Đại biểu Indonesia cũng nêu rõ tầm quan trọng của thúc đẩy cạnh tranh kinh tế, tạo sự năng động kinh tế. Nghị viện Indonesia đã thúc đẩy các giao lưu nhân dân, hỗ trợ các hợp tác kinh tế. Đến nay, Indonesia đã miễn visa cho 93 quốc gia trên thế giới, xúc tiến các đường bay thẳng, các  điều kiện nhập cảnh thuận lợi để không ai bị bỏ lại.

Đại biểu Nhật Bản bày tỏ sự lo ngại về xu thế bảo hộ thương mại đang gia tăng kể từ sau sự kiện Brexit và bầu cử Mỹ. Nghị sỹ Masazumi Gotoda kiến nghị: "Chúng ta làm thế nào để đấu tranh với bảo hộ thương mại, kêu gọi đẩy mạnh hơn nữa chống lại bảo hộ mậu dịch và tạo sự ổn định ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương".

Đồng quan điểm đó, đại biểu Mexico cũng cho rằng, các nghị viện nên tăng cường thảo luận để chống lại các hành động đơn phương, chống lại bảo hộ thương mại.

Đại biểu New Zealand cũng khẳng định, tự do thương mại là con đường duy nhất đem lại sự thịnh vượng cho khu vực.

MỚI - NÓNG