APPF-26 bàn về an ninh, chính trị, kinh tế, thương mại

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng chụp ảnh cùng các nghị sỹ dự phiên họp toàn thể đầu tiên ngày 19/1. Ảnh: TTXVN.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng chụp ảnh cùng các nghị sỹ dự phiên họp toàn thể đầu tiên ngày 19/1. Ảnh: TTXVN.
TP - Ngày 19/1, hai phiên họp toàn thể đầu tiên của Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 26 (APPF-26) bàn về các vấn đề mới và nóng của khu vực trong các lĩnh vực an ninh, chính trị, kinh tế, thương mại.

Sáng 19/1, tại phiên họp toàn thể lần thứ nhất APPF-26 về vấn đề chính trị-an ninh, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về vai trò của ngoại giao nghị viện trong việc xử lý các thách thức về hòa bình, an ninh, thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới, cũng như về phòng chống khủng bố quốc tế, tội phạm xuyên quốc gia; đưa ra nhiều ý kiến, chia sẻ, nhận định và đề xuất các biện pháp, sáng kiến nhằm nâng cao vai trò của APPF cũng như các quốc hội thành viên để giải quyết những thách thức này.

Về tình hình khu vực và quốc tế tiếp tục diễn biến nhanh và phức tạp hơn, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhận định, các tranh chấp lãnh thổ, biển đảo, tài nguyên, nguy cơ đối với tự do an ninh, an toàn hàng hải vẫn tiếp diễn; những thách thức về an ninh mạng, bất bình đẳng, di cư, dịch bệnh, thiên tai... gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định và phát triển của nhiều quốc gia thành viên. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, những vấn đề này đòi hỏi những giải pháp ở cấp độ quốc gia, khu vực, quốc tế và có sự phối hợp đa tầng nấc, trong đó có sự tham gia tích cực của các nghị sĩ. Tuy nhiên, vấn đề hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững là xu thế lớn tại châu Á - Thái Bình Dương.

Thúc đẩy liên kết kinh tế sâu rộng và toàn diện

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, thành công rực rỡ của Năm APEC 2017 tại Việt Nam cũng là một minh chứng rõ nét cho sức sống của hợp tác và liên kết kinh tế khu vực.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu: “Chúng ta cần có những hành động thiết thực nhằm cải thiện kết nối, như những sáng kiến của APEC, ASEAN tập trung vào 3 trọng tâm: hạ tầng, con người và thể chế, mà trong đó nghị viện đóng vai trò quan trọng là cơ quan lập pháp tại mỗi quốc gia. Từ kinh nghiệm của Việt Nam và nhiều nước, chúng ta cần tiếp tục phát huy vai trò của quốc hội, chính phủ trong xây dựng hệ thống luật pháp, chính sách, quy tắc tạo thuận lợi cho gia nhập và rút khỏi thị trường, bảo đảm cạnh tranh công bằng, tăng cường kết nối cung cầu và nâng cao năng lực quản lý nhà nước”.

Tại phiên họp toàn thể lần hai, các đại biểu tích cực thảo luận các vấn đề chính, gồm vai trò của nghị viện thúc đẩy liên kết kinh tế sâu rộng và toàn diện; an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững; hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số.

Nhiều đại biểu lo ngại về xu thế bảo hộ thương mại gia tăng sau sự kiện Brexit và bầu cử Mỹ. Đại biểu Nhật Bản kêu gọi đẩy mạnh hơn nữa chống lại bảo hộ thương mại và tạo sự ổn định ở châu Á-Thái Bình Dương. Đại biểu Mexico cũng cho rằng, các nghị viện nên tăng cường thảo luận để chống lại các hành động đơn phương chống lại tự do thương mại. Đại biểu New Zealand khẳng định, tự do thương mại là con đường duy nhất đem lại sự thịnh vượng cho khu vực.

Chiều 19/1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp thân mật các chủ tịch, phó chủ tịch và trưởng đoàn các nghị viện thành viên đang tham dự APPF-26. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ với các đại biểu về đường lối đổi mới, phát triển đất nước và chính sách đối ngoại của Việt Nam hiện nay. Các trưởng đoàn nghị viện các nước đều bày tỏ sự ngưỡng mộ về những thành tựu phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, đánh giá cao vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và vị thế quốc tế của Việt Nam, khẳng định mong muốn tiếp tục tăng cường hơn nữa quan hệ song phương với Việt Nam trong thời gian tới.

MỚI - NÓNG