Bà Merkel gặp khủng hoảng tồi tệ nhất sau 12 năm lãnh đạo

Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Thủ tướng Đức Angela Merkel.
TP - Sự sụp đổ của những cuộc đàm phán để thành lập chính phủ liên minh đẩy chính trị Đức rơi vào cảnh rối rắm trong ngày 20/11, khiến bà Angela Merkel đối mặt cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong suốt 12 năm làm Thủ tướng.

Đàm phán thất bại đã chấm dứt khả năng nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ được quản lý bởi một liên minh chưa từng thử trước đó giữa phe bảo thủ của bà Merkel với đảng Dân chủ tự do và đảng Xanh. “Liên minh Jamaica” (do màu đặc trưng của các đảng) được coi là con đường khả thi duy nhất dẫn đến một chính phủ ổn định sau cuộc bầu cử không mang lại chiến thắng cho phe nào vào tháng 9 vừa qua.

Sau nhiều tuần đàm phán căng thẳng đối với các vấn đề người tị nạn, thuế và môi trường, đảng Dân chủ tự do bất ngờ rút ra ngay trước nửa đêm hôm 19/11, khiến bà Merkel còn lại vài lựa chọn chẳng hấp dẫn chút nào.Một lựa chọn là thành lập một chính phủ thiểu số, có thể với đảng  Xanh. Nhưng điều đó chưa bao giờ diễn ra ở cấp chính quyền liên bang ở Đức. Một lựa chọn khác là bà Merkel phải thuyết phục các đối tác từ chính phủ trước, đảng Dân chủ xã hội theo đường lối trung tả, tham gia một “liên minh lớn” nữa giữa hai đảng lớn nhất nước Đức. Nhưng đảng Dân chủ xã hội đã nhiều lần gạt bỏ khả năng đó và nhắc lại điều này vào đêm 19/11.

Lựa chọn duy nhất còn lại với nước Đức hiện nay là một cuộc bầu cử mới. Bà Merkel sẽ phải thông báo cho Tổng thống Frank-Walter Steinmeier về thất bại hôm 20/11 và Tổng thống sẽ có quyền kêu gọi một cuộc bầu cử mới. Theo giới quan sát, khả năng diễn ra một cuộc bầu cử mới có thể mở đường để đảng Dân chủ thay thế (AfD) cực hữu giành thêm lợi thế và gây bất ổn hơn cho nền chính trị của quốc gia vốn là hòn đá tảng chắc chắn nhất châu Âu. Khả năng này khiến đồng euro mất giá ngay trong phiên giao dịch sáng qua. Nhật báo Frankfurter Allgemeine Zeitung của Đức gọi thế bế tắc này là “cuộc khủng khoảng khó khăn nhất của bà Merkel trong 12 năm cầm quyền”.

Cuộc khủng hoảng bắt đầu từ đợt bầu cử hồi tháng 9 mà Liên minh Dân chủ Cơ đốc của bà Merkel và đảng Liên minh xã hội Cơ đốc dẫn đầu các cuộc thăm dò ý kiến nhưng không giành được 33% số phiếu như kỳ vọng. Kết quả này khiến phe của bà Merkel yếu đi, mất thế trong cuộc đàm phán liên minh vốn lúc nào cũng khó khăn nhưng hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng, cuối cùng cũng có thể tạo thành một chính phủ mới.

Nhiều điểm nghẽn

Giới quan sát cho rằng, dù có quan điểm khác xa nhau trong những vấn đề chủ chốt, các đảng có thể gạt sang một bên những khác biệt để tránh một cuộc bầu cử nữa nhằm tránh tạo cơ hội thêm cho đảng AfD vươn lên với quan điểm chống người di cư. AfD lần đầu tiên có ghế trong quốc hội sau khi giành được 13% phiếu trong cuộc bầu cử tháng 9.

Cuộc đàm phán thất bại đêm 20/11 thực sự gây bất ngờ vì không lâu trước đó báo chí đưa tin, các đảng đã gần đạt được thoả thuận.Ngay trước nửa đêm, ông Christian Lindner thuộc đảng Dân chủ Tự do thông báo rằng, đảng của ông rút khỏi cuộc đàm phán, các vấn đề được giải quyết trước đó bị mang ra bàn lại và các bên không có “nền tảng lòng tin”. Đảng của ông giành được gần 11% phiếu trong cuộc bầu cử tháng 9. 

Nhưng các đảng khác cáo buộc đảng Dân chủ Tự do đánh đắm một thoả thuận tiềm năng. Ngay sau nửa đêm, bà Merkel nói rằng, bà tin các đảng đang “trên đường có thể đạt được một thoả thuận”. Đảng Xanh đưa ra quan điểm tương tự. Các nhà đàm phán đối mặt nhiều vấn đề khó khăn ngay lúc bắt đầu thương lượng từ tháng trước. Họ được báo chí phản ánh là đã đạt được đồng thuận trong nhiều vấn đề chủ chốt như chính sách thuế, kỹ thuật số... Nhưng luật đối với người tị nạn và vấn đề phát triển kinh tế dựa vào than có vẻ là điểm nghẽn.Đảng Xanh cho rằng, người tị nạn đã được cấp quy chế tị nạn ở Đức nên được phép đưa gia đình đến ở cùng. Nhưng đảng của bà Merkel và đảng Dân chủ Tự do cho rằng, cần có chính sách đoàn tụ gia đình chặt chẽ hơn.

Đảng Xanh muốn đặt thời hạn cụ thể để loại bỏ sử dụng than ở Đức. Nhưng các đảng khác lưỡng lự, cho rằng điều này khiến nền kinh tế chịu thêm chi phí. Rốt cục, khoảng cách dường như quá xa và “Liên minh Jamaica” tan vỡ trước khi bắt đầu. “Các nhà đàm phán không thể xây dựng một yếu tố gắn kết liên minh - lòng tin. Lòng tin là tiền tệ quan trọng nhất trong chính trị. Không có lòng tin thì liên minh không thể hoạt động”, báo Đức Spiegel viết trong bài bình luận đăng hôm qua.

MỚI - NÓNG