Bất đồng về áp đặt vùng cấm bay đối với Libya

Xe tăng của quân đội chính phủ Libya được triển khai sang vùng phía nam Tripoli Ảnh: AP
Xe tăng của quân đội chính phủ Libya được triển khai sang vùng phía nam Tripoli Ảnh: AP
TP - Mỹ, Úc và một số nước thành viên châu Âu (EU) cho rằng cần áp đặt vùng cấm bay đối với Libya để bảo vệ người dân như từng làm với Iraq và Nam Tư. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Nga phản đối việc áp đặt vùng cấm bay, còn Chủ tịch EU nói rằng, tình hình ở Libya chưa chín muồi để làm việc này.

> Libya từng có vũ khí hạt nhân

Xe tăng của quân đội chính phủ Libya được triển khai sang vùng phía nam Tripoli Ảnh: AP
Xe tăng của quân đội chính phủ Libya được triển khai sang vùng phía nam Tripoli. Ảnh: AP.

Thủ tướng Anh David Cameron cho biết, chính phủ của ông đang làm việc để chuẩn bị vạch ra một vùng cấm bay đối với Libya. Trong khi đó, các nước phương tây, đứng đầu là Mỹ, thể hiện rõ sự ủng hộ phe đối lập nhằm lật đổ chính quyền Gadhafi.

Hôm 28-2, Mỹ triển khai tàu chiến, trong đó có cả tàu sân bay và nhiều máy bay quân sự tới vùng Biển Đỏ gần Libya. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, đã có nhiều phương án đối với Libya, kể cả dùng biện pháp quân sự để ngăn chặn chính quyền Libya đàn áp phe đối lập.

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov kêu gọi các cường quốc thế giới thực hiện đầy đủ nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về Libya, trong đó có việc phong tỏa tài sản của Tổng thống Moammar Gadhafi, cấm ông và người nhà ra nước ngoài. Tuy nhiên, ông Lavrov cho rằng, việc áp đặt lệnh cấm bay là không cần thiết.

Đại sứ Nga tại NATO, Dmitry Rogozin, nói rằng, mọi hành động quân sự từ nước ngoài đối với Libya phải được phép của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ông cho rằng, áp đặt lệnh cấm bay trên bầu trời của một quốc gia là can thiệp nghiêm trọng vào công việc nội bộ của quốc gia đó.

Ngày 1-3, ông Gadhafi triển khai quân đội sang vùng biên giới phía tây, chuẩn bị đương đầu sức ép về quân sự và kinh tế từ phía phương tây. Việc điều quân khiến nhiều người lo ngại sẽ xảy ra nội chiến đẫm máu ở Libya. Cùng ngày, một số hãng tin nói rằng, lực lượng đối lập đã đẩy lùi một cuộc tấn công của quân chính phủ nhằm lấy lại một số thành phố đã lọt vào tay lực lượng nổi dậy.

Chính phủ Pháp đã cho hai máy bay chở thiết bị y tế, thuốc men và nhân viên y tế đến thành phố Benghazi ở phía đông Libya hiện do phe đối lập kiểm soát. Người phát ngôn chính phủ Pháp, Francois Baroin, cho biết sắp tới Pháp sẽ đưa thêm nhiều máy bay chở hàng đến Benghazi.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn truyền hình nước ngoài, ông Gadhafi, 68 tuổi, ngồi tại một tiệm ăn ở thủ đô Tripoli bên bờ Đại Trung Hải, nhìn có vẻ rất thoải mái, đôi khi phá lên cười tỏ ý khinh thường lực lượng nổi dậy. Đại tá Gadhafi bác bỏ những tin tức nói rằng, ông đã sử dụng máy bay ném bom để đàn áp lực lượng biểu tình đối lập.

Tuy nhiên, ông thừa nhận đã dùng máy bay ném bom để phá hủy các trại lính và kho vũ khí của quân đội Libya tại những vùng bị mất kiểm soát. Ông Gadhafi gọi người biểu tình đối lập là những kẻ bị al Qaeda cung cấp ma túy rồi thúc giục họ đổ ra đường. Vì vậy, quân đội Libya đã được lệnh không bắn trả những người biểu tình đối lập, ông nói.

Tuy nhiên, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc, Susan Rice, nói rằng, những lời phát biểu của ông Gadhafi trên truyền hình nước ngoài là lừa dối.

Đ.P
Theo Reuters, AP, Ria-Novosti

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG