Bầu cử giữa kỳ ở Mỹ: Hình thành thế đa cực về quyền lực

Ông Trump sẽ phải đối mặt với thử thách mới khi Cộng hòa không còn kiểm soát Hạ viện. Ảnh: CNN
Ông Trump sẽ phải đối mặt với thử thách mới khi Cộng hòa không còn kiểm soát Hạ viện. Ảnh: CNN
TP - Đảng Dân chủ đã giành quyền kiểm soát Hạ viện Mỹ, phá vỡ thế quyền lực độc tôn của đảng Cộng hòa và mở ra khả năng kiểm soát, ngăn chặn chương trình nghị sự của Tổng thống Donald Trump.

Điều an ủi cho ông Trump là Con Voi (biểu tượng của đảng Cộng hòa) vẫn giữ được thế đa số  tại Thượng viện sau một kỳ bầu cử giữa kỳ đầy chia rẽ. Kết quả bầu cử lần này đã mở ra một viễn cảnh cực kỳ gay cấn cho cuộc chạy đua vào Nhà Trắng diễn ra năm 2020.

Cho đến thời điểm chiều tối qua (giờ Việt Nam), cuộc đua vào quốc hội lưỡng viện Mỹ chưa thực sự kết thúc nhưng điểu chắc chắn là Hạ viện đã nằm trong tay những người phe Dân chủ và Thượng viện Mỹ vẫn do đảng Cộng hòa kiểm soát. Hạ viện Mỹ với 435 thành viên đại diện cho các bang toàn nước Mỹ (số dân biểu của một bang có thể nhiều hay ít tùy thuộc vào dân số), nhiệm kỳ 2 năm. Trong khi đó, mỗi bang có cố định 2 đại diện ở Thượng viện (100 ghế) với nhiệm kỳ 6 năm.

Phản ứng đầu tiên của ông Trump là chúc mừng đảng Cộng hòa (với thắng lợi ở Thượng viện) cho dù thực tế sự thất bại của Con Voi trước Con Lừa (biểu tượng của đảng Dân chủ) đồng nghĩa rằng những nỗ lực như con thoi của ông trước thời điểm bầu cử đã trở nên vô nghĩa. Ông Trump vẫn không thể vượt qua “lời nguyền” xảy đến với nhiều tổng thống tiền nhiệm là chính đảng của mình thất bại tại Hạ viện ngay trong kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ đầu tiên.

“Đêm nay, một thành công to lớn. Cám ơn các bạn”, tổng thống Mỹ viết trên Twitter, theo tường thuật của đài CNN.

Những trước mặt ông là một viễn cảnh không mấy tươi sáng khi phe đa số ở Hạ viện đã sẵn sàng  cản trở bất kỳ dự luật nào mà Nhà Trắng đưa ra, thậm chí có thể cho điều tra các hành vi của chính quyền, điều ông Trump chưa hề phải đối mặt khi Con Voi chiếm đa số tại Hạ viện.

Cựu chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, lãnh tụ phe thiểu số tại Hạ viện nay đang đứng trước cơ hội quay lại dẫn dắt cơ quan dân biểu lớn nhất nước Mỹ, đã cam kết phe đa số mới sẽ nỗ lực để “kìm cương” Nhà Trắng, cải thiện chương trình chăm sóc sức khỏe, hạ chi phí sản xuất thuốc và bảo vệ nhiều triệu người Mỹ không phải gốc bản địa.

“Kết quả hôm nay còn hơn là chuyện giữa phe Dân chủ và phe Cộng hòa. Đó là sự phục hồi việc giám sát và cân bằng hoạt động của chính quyền Trump”, bà Pelosi nói.

Bầu cử giữa kỳ ở Mỹ: Hình thành thế đa cực về quyền lực ảnh 1 Bà Nancy Pelosi trở thành lãnh tụ phe đa số tại Hạ viện và nhiều khả năng quay lại ghế chủ tịch Hạ viện Mỹ

Điều gì giúp Dân chủ chiến thắng tại Hạ viện?

Theo một cuộc khảo sát do Reuters và hãng tư vấn thị trường Ipsos tiến hành, đảng Dân chủ chiến thắng nhờ phiếu bầu của nữ giới, người trẻ và các cử tri gốc gác Tây Ban Nha/Bồ Đào Nha (Mỹ Latin). 55% số phụ nữ được hỏi nói họ ủng hộ đảng Dân chủ so với 49% năm 2014.

62 % cử tri trong độ tuổi 18-34 ủng hộ đảng Dân chủ, trong khi năm 2014, 54% ủng hộ Con Lừa.

Theo kết quả bầu cử, đảng Dân chủ sẽ bắt đầu quay lại kiểm soát Hạ viện từ tháng giêng năm tới, lần đầu tiên kể từ cuộc bầu cử 2010. Viễn cảnh này có thể khiến tổng thống Trump phải tính toán lại các tham vọng trong chương trình nghị sự, tập trung vào các vấn đề dự kiến nhận được sự ủng hộ của cả hai đảng phái, ví dụ gói cải thiện hạ tầng hay giảm chi phí thuốc chữa bệnh.

Hiện thực này cũng là phép thử đối với khả năng dàn xếp và thỏa hiệp của ông Trump, thứ mà ông ít thể hiện trong hai năm qua, khi đảng Cộng hòa kiểm soát cả hai viện của Quốc hội Mỹ.

Tuy nhiên, thế giằng co trên chính trường Mỹ lại khiến giới đầu tư vui mừng bởi thực tế đó thường giúp “bảo tồn” tính nguyên trạng của tình hình kinh tế-xã hội, giảm bớt tính bất ổn.

Theo một bài phân tích trên CNN, cho dù đảng Dân chủ thắng thế tại Hạ viện Mỹ, các chính sách với Trung Quốc sẽ không có nhiều thay đổi. Hai cây bút Steven Jiang và Ben Westcott nói chính sách với Trung Quốc là một trong số ít các lĩnh vực có sự thống nhất cao giữa phe Cộng hòa và phe Dân chủ. Các thành viên đảng Dân chủ nhiều lần nói Mỹ cần có hành động cứng rắn hơn đối với một Trung Quốc đang lớn mạnh trên một loạt các mặt trận, từ quân sự đến thương mại, tình báo và ngoại giao.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.