Các nước xử lý ra sao khi trốn cách ly và khai báo y tế không trung thực?

TPO - Do dịch bệnh Covid-19 được Tổ chức Y tế thế giới xem là bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, vì vậy khai báo y tế và cách ly là rất quan trọng. Tại một số quốc gia, việc công dân trốn tránh cách ly, không khai báo y tế và dẫn đến lây bệnh truyền nhiễm này đã bị xử phạt rất nặng. 

Theo tờ Bangkok post, ở Thái Lan tất cả hành khách người Thái Lan cũng như người nước ngoài từ Hàn Quốc về sẽ phải qua các điểm kiểm tra y tế để giám sát. Những người trốn cách ly phải đối mặt với án tù 1 năm và mức phạt lên đến 200.000 Baht, tương đương hơn 6.300 USD.

Còn ở Hàn Quốc, những bệnh nhân cố tình vi phạm lệnh cách ly sẽ bị phạt 1 năm tù hoặc 10 triệu Won, khoảng 8.200 USD.

Chính quyền thủ đô Moscow của Nga cũng cảnh báo từ đầu tháng 2/2020, những người không chịu tự cách ly ở nhà có thể chịu tù 5 năm. Thành phố này cũng yêu cầu người trở về từ các vùng dịch tự chủ động cách ly trong 2 tuần. 

 Trong khi Cộng hòa Czech yêu cầu công dân sống tại nước này phải khai báo y tế, tự cách ly trong hai tuần nếu trở về từ Italy cũng như các vùng dịch. Nếu vi phạm, người dân có thể bị phạt tới 3 triệu Koruna. Riêng những người thuộc diện cách ly sẽ được trả lệ phí ốm đau.

Luật về các bệnh truyền nhiễm của Singapore cũng cho thấy, nếu không cách ly, không khai báo y tế dù là lần đầu cũng có thể bị phạt 6 tháng tù hoặc 10.000 đô la Sing hay thậm chí chịu cả hai hình thức này. 

Thông báo từ tháng 2/2020 của chính quyền Israel cho thấy, những người trở về từ Trung Quốc đại lục, Hong Kong Macau, Singapore và Thái Lan được yêu cầu tự cách ly trong 14 ngày. Những người cố ý vi phạm lệnh cách ly có thể bị phạt tù 7 năm, trường hợp vô ý thực hiện hành vi này có thể bị phạt 3 năm tù.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, hành vi trốn tránh các biện pháp phòng, tránh dịch bệnh đều bị xử lý. Cụ thể, Ðiều 10, Nghị định 176/2013/NÐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế nêu rõ: Người nào từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sẽ bị phạt tiền 5-10 triệu đồng.

Bên cạnh đó, nếu người có hành vi trốn khỏi nơi cách ly mà mang mầm bệnh, lây nhiễm cho người khác còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Ðiều 240 Bộ luật Hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người. Nếu bị truy tố, tùy theo mức độ gây thiệt hại mà người phạm tội có thể bị phạt tù lên đến 12 năm và có thể bị phạt tiền 20-100 triệu đồng.

MỚI - NÓNG