Căng thẳng Anh-Nga: Ảo tưởng loài

TPO - Trước thềm bầu cử tổng thống Nga ngày mai mà ông Vladimir Putin không được phương tây ưa có thể chắc thắng, quan hệ Anh-Nga sau vụ đầu độc điệp viên nhị trùng Sergei Skripal hôm 4/3 vẫn tụt dốc. Trò chơi có thể khiến cả lục địa già thêm khủng hoảng chỉ bởi cái gọi là “ảo tưởng loài”.

Nếu không kể đến nghi vấn liệu có liên hệ nào với vụ bóp cổ đến chết doanh nhân Nga Nikolai Glushkov 68 tuổi hôm 12/3 ở mạn nam London, dường như chưa có gì mới.

Tại sao Anh cứ quy Nga cho vụ đầu độc cựu đại tá Nga 66 tuổi cùng con gái Yulia 33 tuổi tại Salisbury, nơi ông tậu một tư dinh năm 2011 và được dân quanh vùng thiện cảm bởi sự quảng giao trong một câu lạc bộ xã hội?

Đầu tiên, tình báo Anh khai thác thâm thù giữa cha con Skripal với nhà lãnh đạo Nga và lời đe doạ trong quá khứ cho là của ông Putin.

Sáu hôm trước khi xảy ra vụ đầu độc, xuất hiện tin Yulia nói xấu ông Putin trên mạng xã hội với những ngôn từ cay độc đại loại “ông ấy là tổng thống tệ nhất thế giới”.

Báo chí Anh còn lật lại một chi tiết. Năm 2010, thời điểm trao đổi tù binh gián điệp lớn nhất giữa Nga và Mỹ, trong đó có Skripal từng nhận 100.000 USD từ tình báo Anh, ông Putin nói trên truyền hình: “Bọn phản trắc sẽ toi mạng. Tin tôi đi. Họ đã phụ bạc bạn bè của họ, chiến hữu của họ. Bất cứ thứ gì họ nhận được trong cuộc đổi chác, 30 thỏi bạc mà họ được trả, chúng sẽ bóp cổ họ”.

Một bà con của ông Skripal vừa trả lời BBC tiếng Nga rằng “ngay từ ngày đầu tiên (được phóng thích), ông ấy biết sẽ có kết cục tệ”.

Song những mảnh vụn ấy liệu có đủ sức lý giải vì sao ông Skripal bị hạ độc chiều chủ nhật cách đây hai tuần, tức mãi bảy năm sau khi ông tị nạn ở Anh và 14 năm sau khi ông bị tuyên án 13 năm tù ở Nga?

Các nhà điều tra Anh tìm thấy một manh mối giữa Skripal với Christopher Steele 52 tuổi, cựu nhân viên tình báo Anh từng liên quan đến nghi án thông đồng giữa ông Trump với Điện Kremlin. Như vậy Scripal không giải nghệ và thậm chí dính líu bê bối Trump – Nga? Người ta coi đây là yếu tố nặng ký liên quan đến đầu độc.

Điều khiến Anh tin sái cổ việc khoanh vùng nghi phạm lại là nỗi ám ảnh 12 người Nga chết bí ẩn trên đất Anh mà chưa được làm sáng tỏ.

Họ làm to vụ Skripal còn có thể bộc lộ tính toán chiến lược với đồng minh trong đối sách với Nga. Tại sao đồng thời lãnh đạo ba quốc gia mạnh nhất thế giới tư bản gồm Mỹ, Đức, Pháp cùng Anh trỏ tay về phía Nga?

Vụ Skripal là cơ hội vàng để họ làm hoen mờ hình ảnh ông Putin - người được cho là cản trở chính cho giải bài toán xung đột ở Ucraina, sự chiếm đóng một phần lãnh thổ Georgia, hay căng thẳng ở tây Balkan - trong mắt cử tri Nga.

Họ cũng muốn nhân cơ hội này chí ít cũng duy trì áp lực lên Nga về vụ sát nhập bán đảo Crimea hồi 2015 thay vì nới lỏng như không ít ý kiến đề nghị. Được biết kinh tế Nga năm 2017 sụt 1% GDP do lệnh trừng phạt của Mỹ và Tây Âu.

Mớ bòng bong như thế phần nào cho thấy vụ Skripal khó được làm sáng tỏ ngay cả khi có cơ hội. Nghi ngờ nhau dường như gia tăng thay vì nhìn thẳng vào sự thật, một trong những khuyết tật khó sửa trong nhận thức. Ổng tổ của chủ nghĩa duy vật Anh Francis Bacon cảnh báo: “Trí tuệ người ta như chiếc gương méo. Khi pha trộn bản chất của mình với bản chất sự vật, nó phản ánh sự vật dưới dạng xuyên tạc”.

Bởi cái mà Bacon gọi là “ảo tưởng loài” như thế, vụ Skripal báo hiệu tương lai mờ mịt khi các nhà chính trị vẫn nhầm lẫn bản chất trí tuệ của họ với bản chất khách quan của vụ việc. Căng thẳng Anh-Nga, bởi thế, không dễ cải thiện khi các bên tiếp tục gán cho vụ việc những đặc tính từ góc nhìn của mình.

MỚI - NÓNG