Căng thẳng chưa yên, Ấn Độ sẽ điều thêm 35.000 quân lên biên giới với Trung Quốc

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu trước các binh lính trong chuyến thăm Ladakh ngày 3/7. (Ảnh: AP)
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu trước các binh lính trong chuyến thăm Ladakh ngày 3/7. (Ảnh: AP)
TPO - Ấn Độ sẽ điều thêm 35.000 quân lên khu vực biên giới tranh chấp với Trung Quốc vì hai bên vẫn chưa giải quyết được mâu thuẫn sau vụ ẩu đả chết người hồi giữa tháng 6.

Động thái mới có thể dẫn đến thay đổi hiện trạng dọc Đường kiểm soát thực tế dài 3.488km và gây thêm áp lực cho ngân sách quốc phòng vốn đã hạn hẹp của Ấn Độ, Bloomberg dẫn lời một quan chức cấp cao Ấn Độ giấu tên cho biết. 

20 lính Ấn Độ và một số lượng không rõ lính Trung Quốc đã chết trong vụ ẩu đả nghiêm trọng ngày 15/6. Từ đó, hai bên vẫn tiếp tục điều hàng ngàn quân lính, súng pháo và xe tăng lên vùng tranh chấp. 

Khi các thoả thuận về biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc không còn tác dụng, tình hình đòi hỏi phải điều thêm quân, các quan chức Ấn Độ cho biết. 

“Bản chất của của Đường kiểm soát thực tế, ít nhất ở Ladakh, đã thay đổi mãi mãi. Quân số bổ sung của cả hai bên sẽ không bao giờ rút về, trừ khi có nhất trí ở cấp chính trị cao nhất”, tướng nghỉ hưu B K Sharma, giám đốc Viện Dịch vụ thống nhất Ấn Độ, đánh giá. 

Sau nhiều vòng đàm phán cấp quân sự, Bắc Kinh nói rằng quân của họ đã rút bớt khỏi hầu hết các vị trí.

“Hiện hai bên đang chủ động chuẩn bị cho phòng đối thoại cấp chỉ huy lần thứ năm để giải quyết các vấn đề nổi cộm trên thực địa. Chúng tôi hy vọng phía Ấn Độ sẽ cố gắng đạt được cùng mục đích đó với Trung Quốc, triển khai các nội dung đồng thuận giữa hai bên và cùng duy trì hoà bình và yên ổn dọc biên giới”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói tại cuộc họp báo thường kỳ hôm 28/7. 

Điều thêm quân lên khu vực có nhiệt độ lạnh đến mức -30 độ C trong mùa đông sẽ là phép thử ghê gớm đối với năng lực hậu cần của quân đội Ấn Độ. 

Thời tiết lạnh giá gây khó khăn cho việc xây dựng nơi trú ẩn cho quân lính và đưa thiết bị lên dãy Himalaya trong các tháng mùa hè. Nhiên liệu, thực phẩm, thuốc và thiết bị trước đây được chuyển lên qua 2 con đường bị chặn từ tháng 12 năm ngoái, khiến công việc nay càng thêm khó khăn. 

Tăng cường năng lực bảo vệ biên giới sẽ tốn thêm nhiều chi phí và gây thêm áp lực mới cho chương trình hiện đại hoá quân đội của Ấn Độ. Dù Ấn Độ là nước có mức chi tiêu quân sự lớn thứ ba thế giới nhưng không quân, hải quân và lục quân nước này vẫn sử dụng các loại vũ khí phần lớn đã lỗi thời. 

Khoảng 60% ngân sách quốc phòng của Ấn Độ được dùng để dùng để trả lương cho 1,3 triệu binh lính, một trong những lực lượng quân sự đông nhất thế giới.

Theo Theo Bloomberg
MỚI - NÓNG