Thư Cali:

Chuyến xe đón năm mới

TP - Noel năm nay tôi quyết định lái xe độc hành đi thăm bạn, từ thành phố Thiên thần Los Angeles (California) đến thành phố Ðại bàng Phoenix (Arizona). Ðường hướng đông ngược nắng mặt trời mọc, cần tập trung hết sức tránh chói mắt, nên tắt radio rặt tin bầu cử hay COVID. Lòng chợt nhẹ tênh, 2020 bất ổn rồi cũng qua.
Chuyến xe đón năm mới ảnh 1

Tác giả bài báo mong sớm tạm biệt chiếc khẩu trang - vật bất ly thân cả năm qua

Tốt là tuyệt vời

Khẩu hiệu “Làm nước Mỹ tuyệt vời trở lại” vẫn thấp thoáng kính chiếu hậu nhiều xe trên cao tốc xuyên bang số 10. Song có lẽ giờ đây dân Mỹ, dù tả hay hữu hay trung dung, tất thảy thầm mong rằng 2021 chẳng cần tuyệt vời (great) đâu, chỉ tốt (good) thôi là đủ. Chuyển kênh nghe nhạc, gặp ngay bản rap cũ Lil Wayne hát tưởng niệm cầu thủ bóng rổ Kobe Bryant: “Tôi muốn là người tốt nhất, người từng chơi tốt nhất, nên tôi lao vào cuộc đấu. Muốn thành người tốt nhất bạn phải chiến thắng, chính điều này đã thôi thúc tôi”. Đó là vào cuối tháng 1/2020 ngay sau tai nạn máy bay, bây giờ nếu Kobe sống dậy cũng chỉ dám “ráp” rằng: “Tôi muốn là người tốt, tốt, tốt”. Bất cứ điều gì tốt hơn năm qua đã quá tuyệt vời!

Chuyến xe đón năm mới ảnh 2  Người không thấy người trong thang máy ở thủ đô Colombo của Srilanka
Kobe ra đi “mang theo anh mọi điều tốt đẹp của 2020”, theo lời J., chị bạn da trắng, sinh trưởng ở thành phố Pittsburg bang Pensyvania giàu văn hóa thời lập quốc. Trước khi bị tai nạn xe hơi phải nằm liệt giường, chị làm nghề thiết kế nội thất và từng trang hoàng nhiều dịp lễ lạt cho gia đình siêu sao da màu. J. ủng hộ Tổng thống Trump nhiệt thành và coi Corona virus chỉ là trò chơi chính trị. Nghe tin người bạn thân qua đời vì COVID-19 thì chị ngậm ngùi: “Nếu được lựa chọn tôi cũng sẽ đi theo Kobe; năm nay còn gì vui đâu sau tai nạn máy bay thảm khốc ấy”. Quả thế chỉ sau đó mấy tuần, Ký sinh trùng - bộ phim châu Á đầu tiên thắng nhiều giải lớn và gây sốc ở Oscar 2020 - lập tức biến thành ký sinh trùng thật, và Corona virus tràn đến Hợp chủng quốc.

Rồi bão lụt cháy rừng, vụ nào cũng ghê gớm nhất nhì sau nhiều thập kỷ. Nhà báo Wajahat Ali của tờ New York Times nhận xét rằng chưa năm nào phải tốn nhiều tên gọi (28, từ Arthur đến Theta) để đặt cho những cơn bão tố xảy ra trong năm nay. Trầm trọng không kém, khi đại dịch bùng phát lần nữa, là lúc năm cũ dần khép lại trong không khí căng thẳng và dai dẳng tột độ của cuộc bầu cử tổng thống, tới nay vẫn chưa hẳn kết thúc. Sáng qua chạy bộ dọc bờ biển Long Beach thuộc quận hạt Los Angeles màu xanh cấp tiến, nghe mấy cô cậu trẻ tuổi bàn tán: “Cố chạy nhanh hoài rồi đến nước phải mổ thay đầu gối chứ ích gì, cứ tà tà về đích sau cũng được. Chẳng lẽ chỉ khi ông ấy thắng thì nước Mỹ mới hùng cường? Về đích thứ nhì cũng tốt chứ sao!”.

Chuyến xe đón năm mới ảnh 3 Bầu trời da cam San Francisco (do cháy rừng), 9/2020
Mọi chuyện tốt hay tệ còn tùy vào cảm nhận mỗi người. Căn cứ lượng mua sắm mùa lễ hơi nhỉnh hơn năm ngoái thì đời vẫn tạm ổn. Khoản tiền cứu trợ đợt hai chưa tới tay mà hàng người mua sắm trước tiệm thể thao Nike, hay tiệm đồ cũ cao cấp Assistance League Long Beach vẫn  kéo dài mấy dặm. Mất việc hao tiền thì xài thẻ tín dụng, còn sống là chưa thể dừng cuộc mua sắm.

Chịu thiệt hại nhất là các doanh nghiệp dịch vụ ăn chơi như Disney Land, rạp phim, tiệm tóc, móng tay, mát xa, tiệm ăn hay cafe. Nhiều chuỗi nhà hàng lâu năm đã thông báo đóng cửa vĩnh viễn, cả Hollywood cũng lao đao. Dẫu thế tài chính cá nhân vẫn tạm thời cầm cự. Chủ doanh nghiệp nợ tiền trả mặt bằng nhưng không phải lo trả lương, nhân viên bị sa thải vẫn còn tiền thất nghiệp. Chủ tiệm móng tay bị đóng cửa hay kỹ sư điện toán bị về hưu non mỗi người tìm cách xoay xở riêng, tiền túi bằng cách này hay cách khác chưa cạn. Nhưng không khỏi lo âu: Biết ra sao năm sau?

Chuyến xe đón năm mới ảnh 4 Giãn cách xã hội ở Domino Park - New York, Mỹ  5/2020
Điều gì xảy ra năm 2020 không ở lại với 2020

Càng gần tới Phoenix đường càng đông hơn, nhà cửa san sát. Khoảng mươi năm gần đây cư dân California đổ sang sinh sống khá nhiều, do giá nhà cửa và giá cả sinh hoạt rẻ, thuế má cũng nhẹ nhàng hơn.  Đã một đi là không trở lại, dù ai cũng biết Cali đẹp vui thời tiết tốt. Anh chị bạn tôi sang mua đất xây nhà định cư ở thị trấn Queen Creek gần Phoenix đã hai mươi năm. Sau khi nghỉ hưu vui thú điền viên cũng không về thăm lại Cali và chẳng thấy thiếu thốn gì. Queen Creek ngày nay vẫn còn khá hẻo lánh, khách sạn đầu tiên mới khai trương hôm qua. Những vườn cam trĩu quả, hàng bạch dương lá đang đổi màu soi bóng lên mặt hồ nước nhân tạo, đường rộng thẳng tắp chạy dọc theo dãy núi đá vàng óng nắng chiều. Không khí mát lạnh và thoáng đãng hơn hẳn Cali, giờ này đang cấm túc khá im lìm.

Chuyến xe đón năm mới ảnh 5  Tưởng niệm cột mốc 2 vạn người chết ở Washington Mall, Mỹ
Tới nơi thì trời sẩm tối. Khăn bàn trải thẳng tắp, rượu rót tràn li, bữa tối Noel ấm cúng và đơn điệu. Mọi người chỉ hỏi thăm nhau về thời tiết sức khỏe. Bố mẹ anh chị bạn tôi ngoài tám mươi lái xe 13 tiếng đồng hồ từ Colorado, vừa đến đã nhắc nhở con gái con rể và các cháu chớ có bàn chuyện chính trị. Ông bà là tín đồ Tin lành nhưng theo đảng Dân chủ, trong khi con rể ủng hộ Tổng thống Trump. Anh dành cả buổi chiều đọc lướt dự luật cứu trợ kinh tế mấy ngàn trang nên không nhịn được bèn mở lời kêu ca “Sao tiền tỷ đem viện trợ bàn dân thiên hạ, ở những nước xa tận đâu đâu”. Con gái anh nhắc bố rằng vụ viện trợ này không mới. “Năm nào cũng có, năm nay bố mới đọc mà thôi”.

Đúng là chỉ có năm nay dân Mỹ mới quan tâm đến từng chi tiết của cuộc bầu cử, tìm hiểu nội dung hiến pháp và các hoạt động của quốc hội hay tối cao pháp viện đến nơi đến chốn. Trước đây người theo hai đảng có chỉ trích công kích nhau dù gay gắt vẫn đủ lịch sự, không cay độc dữ dằn như bây giờ. Còn nhớ năm 1998, tôi gặp ông trưởng đại diện ngân hàng Deutsche Bank ở Việt Nam trong một cuộc họp phòng thương mại Mỹ, ông gọi Tổng thống Clinton là “kẻ nói dối”. Mới biết ông theo đảng Cộng hòa. Năm 2004, khi tổng thống Bush con đắc cử nhiệm kỳ hai, R., luật sư chủ tịch một quỹ từ thiện lớn ở Los Angeles, than thở “Thế là chiến tranh Iraq không thể chấm dứt rồi”. Mới biết ông theo đảng Dân chủ. Mọi đấu đá tranh chấp đều dọc theo các “hành lang chính trị” (lobby) và  nhằm đến sự tương nhượng (compromise) lẫn nhau.

Năm nay khác hẳn, cả người yêu lẫn kẻ ghét Tổng thống Trump đều không thể phủ nhận rằng nhờ có kẻ ngoại đạo chính trị như ông mà mọi việc được soi xét mổ xẻ đến tận cùng. Ông dùng tư duy của một nhà kinh doanh hay con buôn (tùy vào yêu ghét mà gọi) để lật ngược mọi vấn đề, phá bỏ mọi tiền lệ và lập ra những tiền lệ mới. Theo cung cách rất ông chủ doanh nghiệp hay chủ show diễn thực tế trên truyền hình. Ông từng bất ngờ chỉ trích thậm tệ và không ký dự luật cứu trợ đợt hai, để rồi sau đó ba ngày lại quyết định ký. Người yêu thì bảo ông kiên quyết bảo vệ chính nghĩa đến cùng, kẻ ghét thì nhếch mép “thấy chưa, làm tổng thống mà có hiểu biết gì về cơ chế lập pháp và hành pháp Mỹ đâu cơ chứ”.

Nước Mỹ hậu Donald Trump, tổng thống không tái đắc cử như ba tổng thống tiền nhiệm, chắc chắn không bao giờ như xưa. Con đường của chính thể dân chủ Mỹ đã bị xới tung trong bốn năm qua, liệu các ổ gà ổ voi giữa lưỡng viện và hai đảng có được lấp bớt nhờ một cơ may nào đó?

Cơ may cho cuộc thử nghiệm dân chủ

Trong cuộc phỏng vấn gần đây với tờ The Atlantic, cựu Tổng thống Barack Obama nói về nguy cơ và hy vọng cho nền dân chủ Mỹ: “Nước Mỹ, trong vai trò một cuộc thử nghiệm, có vị thế chính yếu đối với thế giới. Không phải vì tai nạn lịch sử đã biến chúng ta thành một dân tộc hùng mạnh nhất trên trái đất, mà vì nước Mỹ là cuộc thử nghiệm thực thụ trong việc xây dựng một thể chế dân chủ tầm cỡ, đa chủng tộc đa văn hóa. Không biết liệu việc này có thực hiện nổi không. Không có nhiều tiền lệ trong một thời kỳ dài đáng kể để chắc rằng nền dân chủ Mỹ sẽ thành công (…) Tuy thế tôi vẫn chưa sẵn sàng từ bỏ cơ may cho cuộc thử nghiệm ấy”.

Bầu cử kết thúc, một nửa nước Mỹ bất bình, một nửa nước Mỹ không cam chịu. Không thể lường hết năm mới sẽ đem đến điều gì khi sự chia rẽ sâu sắc này chắc chắn không ở lại với 2020. Dẫu thế cả hai nửa đều thở phào như vừa vượt qua một cung đường hiểm hóc.

Suốt năm qua cơ may dân chủ tưởng tan vỡ nhiều lần, để đến cuối năm le lói tia hi vọng. Lần đầu tiên Hạ viện do đảng Dân chủ nắm đã ủng hộ tổng thống tăng tiền trợ cấp cá nhân từ 600 lên 2000 đô la. Hình ảnh Donald Trump và Nancy Pelosy nổi lên trên sóng truyền thông như “hai nhà yêu nước lớn nhất”. Người tấm tắc khen ngài Donald thật từ tâm với quốc dân đâu giống bà già đạo đức giả Nancy. Song lắm kẻ thuộc giới bảo thủ truyền thống vò đầu. Lòng trắc ẩn đâu phải vung tiền vô lối kiểu “xã hội chủ nghĩa” cực tả.

Anh bạn tôi phân trần: “Giới bảo thủ cũng có lòng trắc ẩn với người tàn tật không có sức lao động hay gặp thiên tai. Nhưng lo hết cho cả trăm triệu người, kẻ cần người không, thì hút dầu đào vàng in tiền cỡ nào cũng không đủ!”. Anh chị đang chở tôi đi leo núi gần nhà thì gặp bãi phát thức ăn miễn phí cho năm mới. Thấy nhiều xe hơi sang trọng xếp hàng chờ, lắc đầu thở dài. Họ tin tuyệt đối vào sức mạnh của chủ nghĩa tư bản: người giàu phải được tự do làm giàu mới vực được tầng lớp làm thuê trung lưu. Nếu người giàu phải chịu sưu cao thuế nặng thì họ sẽ đóng cửa doanh nghiệp hoặc chuyển đi nơi khác gây khó khăn cho nền kinh tế. Việc làm không thiếu, mất việc này thì đi xin việc khác. Trừ phi tàn phế tai nạn, không lý gì ăn không ở không khi còn sức lao động.

Không ít người Mỹ gốc Việt nghĩ như anh bạn tôi, bất bình với chính sách trợ giúp người vô gia cư và người nhập cư bất hợp pháp. California có đông người Việt là nơi có nhiều tranh cãi về các chính sách của tiểu bang nhất. Hầu hết người Việt bảo thủ sống ngăn nắp kỷ luật, lại thêm đức tính cần kiệm của người châu Á, nên đủ khả năng ở lại Cali đắt đỏ. Vừa an cư họ vừa không ngừng chỉ trích các chính sách “tự do quá trớn” của thống đốc và chính phủ tiểu bang. Một chị bạn hiền lành, cần mẫn làm việc trong một công ty công nghệ cao, có vẻ ôn tồn nhất trong giới bảo thủ. Vậy mà chị có lúc mong cả đám dân chủ “bán nước hại dân” vào tù, khi lo lắng không biết Mỹ "có bị Tàu thôn tính dưới chính thể của Joe Biden". Vì thế sau 3/11 tôi tránh gặp các anh chị ủng hộ tổng thống Trump để khỏi tham gia các tranh luận vô bổ tổn thương tình bạn.

Nhiều người bạn khác lại cho rằng cộng đồng Việt từng được hưởng rất nhiều sự trợ giúp của chính phủ Mỹ từ khi còn là người tị nạn bất hợp pháp ở một nước thứ ba. Họ là các trí thức, văn nghệ sĩ và cả doanh nhân thành đạt. Đông đảo nhất là giới trẻ có tư tưởng dân chủ cấp tiến. Sau bầu cử có thêm nhiều dân biểu tiểu bang trẻ gốc Việt của đảng Dân chủ. Họ hướng tới sự phát triển xã hội sâu đậm tình người. Xa lạ với các thuyết âm mưu và sự buộc tội vô căn cứ trong các fake news từ chính những người ủng hộ vị tổng thống đã sáng tạo từ này.  Cộng đồng gốc Việt vốn ít bị tổn thương nhất trong đại dịch vì chịu thương chịu khó và biết lo xa. Vậy mà không ít cảnh người quay lưng với người ngoài đời hay đụng độ nảy lửa trên truyền thông chỉ vì khác biệt chính kiến.

2021 -  người lại gặp người

Noel năm nay của tôi tưởng chừng tẻ nhạt bỗng trở nên đáng nhớ nhờ một chuyện hi hữu. Con gái anh chị bạn về thăm bố mẹ, lái xe qua cao tốc I-40 gần thị trấn Gallup thuộc tiểu bang New Mexico đã cứu được một cô chó con chạy ngang suýt bị xe tải đâm. Gallup là nơi có nhiều dân nghèo da đỏ. Có thể ai đó cực chẳng đã bỏ cô vì khó khăn tài chính. Buộc phải từ bỏ thú nuôi là một nỗi đau lớn của dân Mỹ. Cô chó nhỏ được đặt tên mới Noel, kỷ niệm mùa Giáng sinh đầu đời nhiều hi vọng cho một năm mới bình yên. Bình yên là tốt lắm rồi. Có vaccine thì người không chỉ gặp chó mà người sẽ gặp người, không còn phải cách li như năm qua.

Đêm cuối năm tôi lái xe chở Noel về Cali. Hòa vào dòng xe lấp lánh thấy thế giới đang chuyển động mạnh. Một năm nước Mỹ có khoảng ba triệu hai chó mèo được cứu và nhận nuôi, chiếm một phần trăm dân số Mỹ. Oách nhất là Major (Thiếu tá), vốn được vợ chồng ông Joe Biden nhận nuôi từ 2018. Thiếu tá sẽ là cậu chó con nuôi đầu tiên sống ở Nhà Trắng, và được phong Đệ nhất khuyển (First Dog). Nhìn chó Mỹ thấy người Mỹ quả giàu tình thương. 

Một chị bạn “bảo thủ” nhắn tin: “Mau về mình nấu cho ăn”. Tình thương đã vượt qua khác biệt chính kiến. Mọi chuyện sẽ tốt thôi; hy vọng tổng thống mới vừa biết đạp ga (cấp tiến), đạp thắng (bảo thủ) và biết lái chiếc xe nước Mỹ qua nhiều khúc quanh co. Tổng thống mạnh thì nước Mỹ mạnh, truyền thông tả hữu đồng thanh. Nước Mỹ rồi sẽ tốt trở lại, trước khi tuyệt vời trở lại.

Vĩ thanh

Chuyến xe đón năm mới ảnh 6 Biểu tình bạo động ủng hộ Tổng thống Trump bên ngoài nhà Quốc hội 6/1/2021 khiến nước Mỹ và cả thế giới bàng hoàng

Năm mới chưa qua một tuần đã có chuyện mới - vụ bạo loạn ngày 6/1 khi hai viện họp khoáng đại phê duyệt kết quả bầu cử. Ngay sau phản đối đầu tiên đối với các phiếu đại cử tri dành cho ông Joe Biden ở Arizona, một nhóm quá khích ủng hộ Tổng thống Trump đã tràn vào tòa nhà Quốc hội khiến các dân biểu và nghị viên phải đi ẩn núp; trong khi Tổng thống Trump lên xe bọc thép bỏ về Nhà Trắng.

Chỉ sau mấy tiếng bấn loạn tình thế thay đổi hẳn. Nhiều nghị sĩ Cộng hòa tỏ ra bực bội. 306 phiếu đại cử tri dành cho ông Joe Biden tưởng gặp khó khăn bỗng được thông qua nhanh chóng. Các nhà lập pháp chắc quá chán nản và tức giận khi mạng sống bị đe dọa trực tiếp. Từ ủng hộ họ quay ra công kích và quy trách nhiệm vụ bạo động cho Tổng thống Trump. 

Sau ngày thứ Tư đen tối đó, nước Mỹ đành giải tỏa căng thẳng trong các trận nốc-ao của giải Super-Bowl. Đội Buccaneers (Cướp biển) của Vịnh Tampa đang đấu với đội của thủ đô Washington, từng mang tên Redskins (Da đỏ), song phải bỏ tên này vì phạm húy kỳ thị chủng tộc. Nhiều fan bảo nhau: “Giá Redskins không phải đổi tên, giá các chính trị gia cảm nhận được nỗi đau và sự bất an của dân Mỹ hiện giờ, như khi mạng sống của chính họ trong tòa Quốc hội bị đe dọa. Và giá Hoa Kỳ có một đảng thứ ba”.

Sẽ gặp gì trong 2021?

Những bộ óc giàu tưởng tượng nhất cũng phải dè dặt hình dung. Tạm thời một vầng nguyệt thực đỏ rực sau lễ Tạ ơn  hay chuyện sao Thổ và sao Mộc bỗng nhiên thẳng hàng với Trái đất và sáng rực bầu trời Giáng sinh cũng khiến nhiều trái tim xao xuyến. Theo Bill Gates, vaccine phòng coronavirus được chế tạo thành công trong vòng chưa tới một năm là thành tựu y học chưa từng có, và thế giới vẫn không ngừng phát triển.

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).