Để có COC hiệu quả, ràng buộc

Các Ngoại trưởng Asean họp hẹp tại Singapore. Ảnh: BNG.
Các Ngoại trưởng Asean họp hẹp tại Singapore. Ảnh: BNG.
TP - ASEAN và Trung Quốc sẽ tổ chức vòng đàm phán đầu tiên về Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) tại Việt Nam trong tháng 3/2018, trong bối cảnh Trung Quốc sắp hoàn thành các căn cứ quân sự trên biển Đông. Phát biểu tại ASEAN ngày 6/2, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng ASEAN và Trung Quốc cần trao đổi thực chất về nội dung để có COC hiệu quả và có tính ràng buộc.

Từ ngày 5 - 6/2, Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN tổ chức Hội nghị hẹp tại Singapore. Đây là hội nghị cấp Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của ASEAN do Singapore chủ trì trong 2018, năm thứ 3 triển khai Cộng đồng ASEAN.

Trao đổi sâu về tình hình quốc tế và khu vực, trong đó có các nội dung như tình hình bán đảo Triều Tiên và biển Đông, các nước khẳng định lại lập trường lâu nay của ASEAN về các nội dung này, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì các quan điểm chung, coi đây là biểu hiện rõ nét của tự cường khu vực, đoàn kết ASEAN.

Các Bộ trưởng nhất trí với các đề xuất về triển khai đàm phán thực chất ASEAN-Trung Quốc về COC, chỉ đạo các quan chức cấp cao tổ chức thành công vòng đàm phán đầu tiên tại Việt Nam trong tháng 3 tới.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị các nước kiên định với các quan điểm của ASEAN về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó có các nội dung về biển Đông.

Theo đó, các nước cần nhận thức đầy đủ về hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không trên biển Đông, giữ vững các cam kết về giải quyết hòa bình các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982. Trong quá trình xây dựng COC, các nước đồng thời cần thực hiện đầy đủ Tuyên bố về Ứng xử giữa các bên ở biển Đông (DOC) và đẩy mạnh thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin, Phó Thủ tướng nói.

Riêng về COC, Phó Thủ tướng bày tỏ ASEAN và Trung Quốc cần trao đổi thực chất về nội dung văn kiện này, từ đó đạt được COC hiệu quả và có tính ràng buộc, góp phần quan trọng cho thúc đẩy hoà bình và ổn định tại khu vực.

Asean và Trung Quốc thông qua phần khung COC nhân hội nghị cấp bộ trưởng tại Philippines vào tháng 8/2017.  Theo TS Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao, hai bên đã có khung COC, nhưng từ khung ra được COC là bước đi dài, còn mất nhiều thời gian. Kỳ vọng của Việt Nam là muốn có COC thực chất, làm nền tảng tiến tới xây dựng COC đầy đủ, có ràng buộc về pháp lý và có hiệu lực trong quản lý tranh chấp cũng như xử lý các vấn đề khác ở cả khu vực biển Đông, chứ không chỉ trong quan hệ Asean - Trung Quốc.

Không để bên ngoài chia rẽ

Tại hội nghị từ ngày 5-6/2, các Bộ trưởng ASEAN bày tỏ nhất trí cao với chủ đề ASEAN 2018 là xây dựng một “ASEAN Tự cường và Sáng tạo”, nhấn mạnh cần nâng cao tính tự cường mọi mặt của khu vực, cả trong các nội dung chính trị - an ninh lẫn hợp tác kinh tế - thương mại nhằm nâng cao tình đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN.

Các Bộ trưởng khẳng định ASEAN cần đoàn kết, thống nhất, duy trì các quy định, quy trình, không để bên ngoài tác động, chia rẽ,  nhất là cần nâng cao hiệu quả các cơ chế do ASEAN thành lập và dẫn dắt, từ đó, bảo đảm các định hướng của cấu trúc khu vực. Các Bộ trưởng nhất trí trong trường hợp 1-2 nước ASEAN bị ảnh hưởng, cả 10 nước cần thể hiện tình đoàn kết.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu rõ, tự cường khu vực phải được phát huy trên mọi khía cạnh, cả về chính trị lẫn kinh tế, từ đó kiến tạo động lực mới cho ASEAN chuyển sang giai đoạn phát triển mới. ASEAN cần đề cao các giá trị và nguyên tắc cơ bản, củng cố đoàn kết và thống nhất Hiệp hội, khẳng định tiếng nói thống nhất của ASEAN trên các vấn đề thuộc quan tâm và lợi ích chung ở khu vực, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cho rằng ASEAN cần xây dựng cách tiếp cận chung cân bằng, hiệu quả trong quan hệ với bên ngoài. Trong quá trình này, tăng cường hơn nữa hiệu quả hoạt động của các cơ chế/diễn đàn do ASEAN thành lập và dẫn dắt có ý nghĩa quan trọng, là công cụ chủ yếu để ASEAN duy trì vai trò trung tâm của mình trong khu vực.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu rõ, tự cường khu vực phải được phát huy trên mọi khía cạnh, cả về chính trị lẫn kinh tế, từ đó kiến tạo động lực mới cho ASEAN chuyển sang giai đoạn phát triển mới. 

MỚI - NÓNG