Gần nửa triệu doanh nghiệp Trung Quốc đóng cửa vì COVID-19

Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc vẫn đang vật lộn vì tác động lâu dài của dịch COVID-19. (Ảnh: Reuters)
Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc vẫn đang vật lộn vì tác động lâu dài của dịch COVID-19. (Ảnh: Reuters)
TPO - Hơn 460.000 doanh nghiệp Trung Quốc đóng cửa lâu dài trong quý 1 năm nay, khi đại dịch do virus corona gây ra trở thành đòn giáng mạnh vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Hơn một nửa trong số đó mới hoạt động chưa đến 3 năm.

Theo số liệu thống kê về đăng ký doanh nghiệp, số doanh nghiệp đóng cửa bao gồm những doanh nghiệp mà giấy phép kinh đoanh đã bị thu hồi và các doanh nghiệp tự dừng hoạt động. Trong số đó có 26.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu, theo Tianyacha, hệ thống cơ sở dữ liệu thương mại chuyên thống kê số liệu được công khai. 

Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp mới đăng ký hoạt động giảm đáng kể. Từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay, khoảng 3,2 triệu doanh nghiệp được thành lập, giảm 29% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Hầu hết doanh nghiệp mới ra đời các trung tâm kinh tế truyền thống của Trung Quốc, như tỉnh Quảng Đông ở miền nam, và gần một nửa trong số đó hoạt động trong lĩnh vực phân phối hoặc bán lẻ. 

Số lượng doanh nghiệp đóng cửa nhiều như vậy cho thấy những thách thức mà Trung Quốc đang phải đối mặt trong giai đoạn đang cố gắng vực dậy nền kinh tế trước nguy cơ tăng trưởng âm lần đầu tiên kể từ năm 1976. 

“Trung Quốc đã khống chế được dịch COVID-19 và những gián đoạn trong chuỗi cung ứng trong nước phần lớn đã được thông. Nhưng có dấu hiệu của những tổn thất lâu dài đối với lượng cầu trong nước, và hơn nữa là cú sốc từ bên ngoài khi các nền kinh tế lớn đang phải phong toả trên diện rộng”, Yao Wei và Michelle Lam, hai  nhà kinh tế học từ ngân hàng Pháp Societe Generale, viết trong một báo cáo. 

Tại Đông Quản, một trung tâm công nghiệp thịnh vượng bên bờ sông Châu Giang, những dãy cửa hàng và nhà xưởng đóng cửa đã trở thành đặc điểm nổi bật nơi đây khi các công ty vật lộn với tình trạng không còn đơn hàng từ nước ngoài. 

Trong tháng 3, Công ty đồ chơi Đông Quản, một doanh nghiệp chủ yếu xuất khẩu hàng ra nước ngoài, sụp đổ vì mất hết đơn đặt hàng từ nước ngoài, khiến các công nhân rơi vào tình cảnh không được trả lương.

Các chủ doanh nghiệp không thể duy trì hoạt động cũng phải đối mặt với nhiều trở ngại mới có thể đóng cửa nhà xưởng. 

Nếu một công ty mất khả năng thanh toán muốn hủy đăng ký kinh doanh, họ phải làm thủ tục phá sản, nộp báo cáo xác nhận rằng họ không có khoản nợ chưa thanh toán hoặc các nghĩa vụ nào khác. 

Khi chủ doanh nghiệp nộp đơn xin phá sản, họ có thể mất nhiều tháng để tòa án chấp nhận hồ sơ, sau đó là một quá trình xác minh kéo dài, các cuộc họp với chủ nợ và thanh lý tài sản, Li Haifeng, một đối tác tại hãng tư vấn Baker McKenzie FenXun cho biết.

“Tôi cho rằng sẽ có một sự đột biến ngay sau khi tình hình lắng xuống. Chúng tôi biết nhiều doanh nghiệp đang trên bờ vực phá sản. Vấn đề chỉ là các thủ tục khiến họ không thể tuyên bố hoặc nộp đơn xin phá sản ngay lập tức” ông Li nói. Ông cho biết gần đây ông đã nhận được nhiều đề nghị tư vấn về vấn đề này.

Theo Theo SCMP
MỚI - NÓNG