Gặp ông Kim, ông Putin muốn gửi thông điệp đến Mỹ

Hình ảnh hai nhà lãnh đạo Triều Tiên và Nga trên một bản tin thời sự ở ga tàu điện Seoul hôm 23/4/2019. (Ảnh: AP)
Hình ảnh hai nhà lãnh đạo Triều Tiên và Nga trên một bản tin thời sự ở ga tàu điện Seoul hôm 23/4/2019. (Ảnh: AP)
TPO - Đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, một cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un là cơ hội để Nga tăng cường vai trò ở khu vực và củng cố thêm vị thế trước Washington.

Dù so với Trung Quốc, Nga có ảnh hưởng hạn chế hơn đối với Triều Tiên, nhưng một cuộc gặp với ông Kim sẽ giúp ông Putin vươn lên trở thành một nhân vật thiết yếu trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Khi quan hệ Nga – Mỹ xấu đi sau khủng hoảng Ukraine, chiến tranh ở Syria và những nhùng nhằng liên quan đến vai trò của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016, cuộc khủng hoảng Triều Tiên là chủ đề hiếm hoi mà Mátxcơva và Washington có thể tìm thấy một số quan điểm chung và tham gia đối thoại chính trị.

“Có những lĩnh vực mà Washington và Mátxcơva có thể và đang hợp tác, và Triều Tiên là một trong những lĩnh vực đó”, AP dẫn lời ông Dmitri Trenin, giám đốc Trung tâm Carnegie Mátxcơva.

Ông Trenin nói rằng ông Putin muốn gửi một thông điệp đến Washington, cũng như Bắc Kinh và Seoul, rằng Nga “phải là một nhân tố khi các vấn đề Triều Tiên được thảo luận”.

Sự tham gia của Nga diễn ra vào thời điểm căng thẳng, khi tiến trình đối thoại giữa Washington và Bình Nhưỡng đang chững lại sau cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 2 tại Hà Nội. Đối với ông Kim, cuộc gặp với ông Putin sẽ là một chiến thắng ngay cả khi ông chỉ nhận được một tuyên bố thận trọng về tinh thần đoàn kết với Triều Tiên.

“Ngay lúc này, trong bối cảnh thượng đỉnh ở Hà Nội không có kết quả, Nga có thể đóng một vai trò”, ông Georgy Toloraya, một nhà cựu ngoại giao Nga dày dạn kinh nghiệm về các vấn đề Triều Tiên, nhận định. “Điều đó sẽ rất có ích. Nếu ông Putin có dịp gặp ông Trump, đây sẽ là một vấn đề trong chương trình nghị sự giữa họ”.

Nga có chung biên giới với Triều Tiên, và cũng giống Mỹ, không muốn Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân.

“Nga lo lắng rằng Triều Tiên có nguy cơ trở thành chiến trường cho một cuộc xung đột mới...có khả năng bằng vũ khí hạt nhân. Nga cũng lo chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên có thể dẫn đến những tai nạn ảnh hưởng đến an ninh của Nga”, ông Trenin nói.

Mátxcơva cho rằng khủng hoảng nên được giải quyết thông qua việc Mỹ bảo đảm an ninh và nới lỏng cấm vận cho Triều Tiên.

Ông Yuri Ushakov, cố vấn đối ngoại của ông Putin, ca ngợi tầm quan trọng của đối thoại Mỹ - Triều và nói rằng Kremlin sẽ nỗ lực “đẩy mạnh các xu thế tích cực và góp phần tạo ra những điều kiện tiên quyết và không khí tích cực để đạt được những thỏa thuận thực chất”.

Ông Putin hoan nghênh các cuộc gặp của ông Trump với ông Putin, nhưng thúc giục Mỹ cần làm nhiều hơn nữa để trấn an những lo lắng an ninh của Bình Nhưỡng.

Ông Trenin dự đoán ông Putin sẽ “nỗ lực lái nhà lãnh đạo Triều Tiên theo hướng đối thoại hợp tác và hiệu quả hơn với Mỹ”, nhưng ông cũng cho rằng Nga “sẽ không cố giúp Mỹ bằng cách đẩy Bình Nhưỡng đến mức phải chấp nhận quan điểm của Washington”.

“Chúng tôi không cần trừng phạt người dân, hay thậm chí giới tinh hoa Triều Tiên. Chúng tôi cần tìm ra cách mới để họ hợp tác với nhau trong thế giới hiện đại này. Mỹ biết rằng chúng tôi không có lợi ích lớn ở Triều Tiên như Trung Quốc”, ông Trenin nói.

Có thể thay đổi hoàn toàn cân bằng quyền lực
Một tuyên bố tích cực từ ông Putin sẽ là món quà lớn đối với ông Kim, trong bối cảnh Triều Tiên đang hy vọng thu hút đầu tư từ Nga để phát triển hạ tầng.

Mátxcơva duy trì quan hệ mạnh mẽ với Bình Nhưỡng trong thời Liên Xô, với việc xây hàng chục nhà xưởng, gửi trang thiết bị và vũ khí. Mối quan hệ đó suy giảm sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, và Nga sau đó không hỗ trợ các đồng minh trước đây của Liên Xô về kinh tế nữa.

Ông Putin sang thăm Bình Nhưỡng vài tháng sau khi đắc cử lần đầu tiên vào năm 2000. Nỗ lực giải quyết một vấn đề lớn của thế giới, ông Putin khi đó nói rằng ông có thể bảo đảm lời hứa của nhà lãnh đạo Triều Tiên khi đó là ông Kim Jong Il rằng sẽ từ bỏ chương trình tên lửa để đổi lấy giúp đỡ của nước ngoài. Nhưng Tổng thống Nga sau đó phải lùi bước khi ông Kim nhanh chóng làm ngược lại khẳng định này.

Dẫu vậy, ông Putin thân với ông Kim. Nhà lãnh đạo Triều Tiên đi tàu sang thăm Mátxcơva vào năm 2001, thăm vùng viễn đông của Nga 1 năm sau đó, rồi thực hiện một chuyến thăm nữa vào năm 2011.

Khi ông Kim Jong Un lên nắm quyền, Kremlin hy vọng ông sẽ sang thăm Mátxcơva để dự buổi diễn binh trên Quảng trường Đỏ năm 2015 để đánh dấu 70 năm kết thúc Thế chiến 2, nhưng ông Kim không đến.

Nga cũng tham gia các vòng đàm phán 6 bên do Trung Quốc dẫn dắt, với mục tiêu thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân để đổi lấy viện trợ và bảo đảm an ninh. Nhưng Triều Tiên rút khỏi cơ chế đàm phán này vào năm 2006.

Trong nhiều năm, Mátxcơva thúc đẩy xây dựng một tuyến đường sắt liên Triều, dự án đường ống dẫn khí và hệ thống lưới điện để giúp Nga gia tăng ảnh hưởng ở khu vực. Nhưng đến nay chưa có tiến triển hữu hình nào.

Dù sức ảnh hưởng của Nga đối với Triều Tiên bị Trung Quốc lấn át, nhưng Bình Nhưỡng hiểu rủi ro từ việc quá phụ thuộc vào Bắc Kinh và sẵn sàng chấp nhận hợp tác với Nga.

“Trung Quốc và Mỹ là 2 siêu cường, và Triều Tiên có lý do để hướng về phía họ theo nhiều cách khác nhau. Sự hấp dẫn của Nga đối với Triều Tiên không phải do Nga là đòn bẩy lớn. Nga có tiềm năng được coi là yếu tố tương đối lành tính đối với Triều Tiên”, ông Trenin nói.

Hợp tác quân sự Nga – Triều và phần lớn thương mại song phương phải dừng lại vì các biện pháp cấm vận của Liên Hợp quốc, nhưng Mátxcơva cung cấp ngũ cốc và viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên, trong khi hàng ngàn lao động Triều Tiên đang làm việc ở vùng Viễn Đông thưa thớt của Nga.

Ông Toloraya cho rằng chớ nên đánh giá thấp vai trò của Nga trong vấn đề Triều Tiên, cho rằng Mátxcơva đang đi một cách thận trọng, nhưng có thể vươn lên thành yếu tố hàng đầu nếu cần thiết.

“Chúng tôi có các công cụ, nhưng không dùng đến. Nếu chúng tôi muốn cung cấp hàng chục S-400 (hệ thống phòng thủ tên lửa) cho Triều Tiên, điều đó sẽ làm thay đổi hoàn toàn cân bằng quyền lực ở Triều Tiên. Đó chỉ là một ví dụ”, ông Toloraya nói.


Theo theo AP
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.