Giải mã 'kế hoạch Marshall' của Mỹ đối với Triều Tiên

Giải mã 'kế hoạch Marshall' của Mỹ đối với Triều Tiên
TPO - Việc Mỹ tuyên bố sẽ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt về kinh tế và cho phép các công ty Mỹ đầu tư vào Triều Tiên trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều được dư luận đánh giá là nhằm thúc đẩy "kế hoạch Marshall" phiên bản Triều Tiên.

Kế hoạch Marshall của Mỹ đối với Triều Tiên

Ngày 11/5, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Mỹ sẽ thúc đẩy "kế hoạch Marshall" phiên bản Triều Tiên với điều kiện tiên quyết là Triều Tiên phải thực hiện phi hạt nhân hóa.

Trong đó, ông Pompeo nhấn mạnh, nếu Triều Tiên thực hiện "phi hạt nhân hóa hoàn toàn", nước Mỹ sẽ áp dụng chính sách viện trợ kinh tế giống như đã từng thực hiện "kế hoạch Marshall" nhằm phục hưng nền kinh tế châu Âu sau Chiến tranh Thế giới lần thứ 2.

Sau đó vào ngày 13/5, Ngoại trưởng Mỹ tiếp tục nhấn mạnh, nếu Triều Tiên đồng ý từ bỏ hạt nhân, Mỹ sẽ cho phép các công ty tư nhân vào đầu tư tại Bình Nhưỡng. Điều này sẽ giúp Triều Tiên "xây dựng mạng lưới năng lượng" và "phát triển cơ sở hạ tầng".

Đồng thời, cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Robert Bolton cũng nhấn mạnh, Triều Tiên có thể lựa chọn muốn hoặc không là quốc gia "bình thường". Nếu Triều Tiên từ bỏ hạt nhân, Mỹ có thể sẽ mở cửa thương mại với Bình Nhưỡng.

Ý đồ thực sự của Mỹ là gì?

Gây ảnh hưởng về mặt chính trị, tạo lợi thế trong cuộc gặp thượng đỉnh song phương với nhà lãnh đạo Kim Jong-un vào ngày 12/6 tới tại Singapore và xa hơn nữa là giành quyền chủ động trong cuộc chơi trên "ván cờ" Triều Tiên trong tương lai là những nguyên nhân cốt yếu khiến Mỹ chủ động thúc đẩy "kế hoạch Marshall" phiên bản Triều Tiên.

Theo các tài liệu công khai, kế hoạch Marshall thường được gọi theo tên của Ngoại trưởng Mỹ George Marshall, người đã khởi xướng và ban hành kế hoạch.

Tuy nhiên, tên chính thức của kế hoạch Marshall là kế hoạch phục hưng châu Âu sau Chiến tranh Thế giới lần thứ 2. Đây là một kế hoạch trọng yếu của Mỹ nhằm viện trợ kinh tế, tái thiết và thiết lập một nền móng vững chắc hơn cho các nước Tây Âu bị tàn phá bởi chiến tranh.

Kế hoạch tái thiết được phát triển tại cuộc họp mặt của các quốc gia Châu Âu ngày 12 tháng 7 năm 1947. Kế hoạch được thực thi trong vòng 4 năm, kể từ tháng 7 năm 1947 đến năm 1951. Trong thời gian đó, có khoảng 17 tỷ đô la Mỹ viện trợ kinh tế và hỗ trợ kỹ thuật để giúp khôi phục các quốc gia châu Âu tham gia Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Kế hoạch Marshall cũng là một phần trong kế hoạch chính trị của Mỹ nhằm tăng cường ảnh hưởng đối với các nước Đồng minh Tây Âu và chống lại Liên Xô, cũng như để tạo thuận lợi cho việc kinh doanh của các Tập đoàn xuyên quốc gia Mỹ tại Tây Âu.

Đặc biệt, kế hoạch của Mỹ đã tạo dựng ảnh hưởng sâu rộng đối với sự phát triển của các nước châu Âu và cục diện chính trị thế giới lúc đó.

Cho tới khi kết thúc dự án, nền kinh tế của các quốc gia nằm trong Kế hoạch, ngoại trừ Tây Đức, đã phát triển vượt mức trước chiến tranh.

Ngoài việc viện trợ kinh tế cho châu Âu thông qua kế hoạch Marshall, sau chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, Mỹ cũng thực hiện một loạt kế hoạch viện trợ kinh tế cho bộ phận lớn các nước gia thuộc chuỗi đảo thứ nhất ở châu Á và các nước thuộc thế giới thứ 3, trong đó một phần lớn các quốc gia này hiện nay đã trở thành đồng minh của Mỹ.

Nghiên cứu kỹ các kế hoạch viện trợ, tái thiết của Mỹ trong quá khứ cũng như hiện tại không khó nhận thấy, dường các gói viện trợ kinh tế của Mỹ đều đi kèm những điều kiện chính trị nhất định.

Do đó, không phải ngẫu nhiên, chính quyền Bình Nhưỡng ngay lập tức thể hiện quan điểm của mình trước động thái của Mỹ đó là Triều Tiên phải tự lực cánh sinh xây dựng thành công nền kinh tế.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.