Hải quân Trung Quốc lao ra biển Đông, Ấn Độ Dương

Hạm đội Nam Hải của Hải quân Trung Quốc tập trận bắn đạn thật. Ảnh: People’s Daily.
Hạm đội Nam Hải của Hải quân Trung Quốc tập trận bắn đạn thật. Ảnh: People’s Daily.
TP - Trong khi Nhà Trắng và Lầu Năm Góc bày tỏ lo ngại trước thông tin Bắc Kinh đưa tên lửa chống hạm, đất đối không ra khu vực tranh chấp trên biển Đông, các quan chức Nhật Bản nói rằng, Hải quân Trung Quốc đang tìm cách tiến xa hơn trên biển Đông, trên Thái Bình Dương.

Lập căn cứ ở nước ngoài

“Lực lượng hải quân Trung Quốc đang chuyển theo hướng vươn tới các khu vực xa trên biển Đông để phòng vệ, bảo vệ các lợi ích chiến lược của mình, đồng thời tăng cường năng lực thực hiện các hoạt động, chiến dịch ở những vùng biển xa hơn, như Ấn Độ Dương”, một quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản (đề nghị giấu tên) trao đổi với phóng viên Tiền Phong gần đây. “Trung Quốc cũng đang tăng cường căn cứ quân sự, thâu tóm các cơ sở hạ tầng liên quan, như cảng biển, ở nước ngoài để trợ giúp hoạt động của hải quân nước này ở những vùng biển xa xôi”, vị quan chức Nhật Bản nói thêm.

Trung Quốc tuyên bố hoàn thiện căn cứ hỗ trợ hậu cần quân đội nước này tại Djibouti (một quốc gia ven biển ở Đông Phi) vào tháng 8/2017. Trước đó một tháng, Trung Quốc ký hợp đồng trị giá 1,1 tỷ USD để thuê cảng nước sâu Hambantota trong 99 năm và một khu đất rộng lớn gần đó. Việc ký kết hợp đồng bị trì hoãn nhiều tháng vì phía Sri Lanka lo ngại cảng biển chiến lược này có thể bị quân đội Trung Quốc sử dụng. Chính phủ Sri Lanka phải nhiều lần trấn an dư luận rằng, Trung Quốc sẽ chỉ thực hiện các hoạt động thương mại tại cảng Hambantota nằm trên tuyến hàng hải trọng yếu giữa châu Á và châu Âu.

Một quan chức khác của Bộ Quốc phòng Nhật Bản nói với phóng viên rằng, việc Trung Quốc thâu tóm cảng biển hoặc rót vốn vay ưu đãi cho các cơ sở hạ tầng quan trọng ở nước ngoài cũng nhằm hiện thực hóa sáng kiến “Vành đai-Con đường” gồm 2 hợp phần là Vành đai kinh tế con đường tơ lụa trên bộ và Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21.“Dọc theo Con đường tơ lụa trên biển, Trung Quốc đã có căn cứ quân sự ở Djibouti;các cơ sở hỗ trợ hạ tầng tại Hambantotaở Sri Lanka, Chittagong ở Bangladesh, Sittwe ở Myanmar, Gwadarở Pakistan, Malé ở Maldives, Djibouti, Darwin ở Úc; đưa tàu ngầm hải quân tới thăm Kota Kinabalu ở Malaysia, Colombo ở Sri Lanka và Karachi ở Pakistan”,vị quan chức này nói.

Dọc theo Con đường tơ lụa trên biển, các loại tàu khác của hải quân Trung Quốc đã tới thăm Changi (Singapore), Klang (Malaysia), Yangon (Myanmar), Chittagong (Bangladesh), Colombo (Sri Lanka), Malé (Maldives), Gwadar (Pakistan), Victoria (Seychelles), Dar es Salaam (Tanzania), Mombasa (Kenya), Salalah và Muscat (Oman), Abu Dhabi (Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất), Aden và Al Hudaydah (Yemen), Djibouti, Jeddah (Ảrập Xêút), Piraeus (Hy Lạp)…

Thực hiện Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng hiện diện, ảnh hưởng ở châu Á, châu Phi, Nhật Bản nỗ lực cải thiện việc kết nối giữa hai châu lục này thông qua Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, đồng thời thúc đẩy sự ổn định và thịnh vượng khu vực. “Với châu Á - khu vực đang tăng trưởng nhanh, Nhật Bản sẽ mở rộng việc phát triển cơ sở hạ tầng, thương mại, đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh, nguồn nhân lực, bắt đầu từ Đông Á, kéo dài tới Trung Đông và châu Phi”, một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản nói với phóng viên. Trong khi đó, với châu Phi – nơi có tiềm năng tăng trưởng vô cùng lớn, Nhật Bản sẽ hỗ trợ việc xây dựng năng lực cấp quốc gia trong lĩnh vực phát triển, chính trị và quản trị trên cơ sở tôn trọng quyền sở hữu của các nước châu Phi, chứ không ép buộc hay can thiệp.

“Để Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở định hình rõ nét hơn, Nhật Bản sẽ tăng cường cộng tác chiến lược với Ấn Độ. Ấn Độ có mối quan hệ lịch sử với Đông Phi cũng như với Mỹ và Úc”, vị quan chức ngoại giao cho biết. Nhật Bản và Mỹ coi trọng hợp tác quốc phòng và an ninh với các đồng minh, đối tác ở châu Á-Thái Bình Dương, với liên minh Nhật-Mỹ là hòn đá tảng trong chính sách an ninh của Nhật Bản. “Đặc biệt, hai nước (Nhật Bản và Mỹ) đang mạnh mẽ thúc đẩy hợp tác với Úc, Hàn Quốc và Ấn Độ”, ông nói.

Trong chính sách an ninh của mình, Nhật Bản hiện đặc biệt quan tâm 3 vấn đề khu vực, gồm bán đảo Triều Tiên, biển Đông và biển Hoa Đông, vị quan chức ngoại giao nói. Các vấn đề biển Đông trực tiếp liên quan hòa bình, ổn định ở châu Á-Thái Bình Dương, là mối quan tâm, quan ngại chung của cộng đồng quốc tế, trong đó có Nhật Bản. “Nhật Bản đang kêu gọi sớm hoàn tất một COC hiệu quả, dựa trên luật pháp quốc tế. Nhật Bản cũng coi phán quyết có tính ràng buộc pháp lý của tòa trọng tài quốc tế (vụ Philippines kiện Trung Quốc) là một nền tảng hữu ích cho việc gia tăng nỗ lực giải quyết hòa bình các tranh chấp ở biển Đông”, ông cho biết. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng từng đề xuất 3 nguyên tắc pháp quyền trên biển. Đó là: Các quốc gia nêu tuyên bố chủ quyền và làm rõ chúng dựa trên luật pháp quốc tế; không sử dụng vũ lực hoặc chèn ép trong nỗ lực củng cố yêu sách của mình; và tìm kiếm việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn gia tăng các hoạt động phi pháp ở biển Đông, biển Hoa Đông, Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. “Ở Hoa Đông, Bắc Kinh liên tục cử tàu của lực lượng thực thi pháp luật trên biển và tàu cá ra quanh nhóm đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư). Hồi đầu tháng 1/2018, Trung Quốc còn đưa cả tàu ngầm và tàu khu trục ra sát Senkaku”, vị quan chức ngoại giao Nhật Bản cho biết. Ngoài ra, Trung Quốc đưa tàu sân bay Liêu Ninh ra Tây Thái Bình Dương, tập trận trên biển Đông; xây dựng cảng, đường băng và căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo ở Trường Sa, quân sự hóa chúng.

Theo giới chuyên gia, Trung Quốc đưa tên lửa ở Trường Sa có thể để đánh giá hiệu quả, tốc độ triển khai hệ thống quân sự trên các đảo nhân tạo như máy bay chiến đấu, ném bom và tên lửa đạn đạo thông thường có khả năng đánh trúng tàu, căn cứ ở khoảng cách xa hơn, thậm chí ngoài phạm vi biển Đông.

MỚI - NÓNG