Hàn Quốc 'chìa tay' với Triều Tiên

Lính thuỷ đánh bộ Mỹ và Hàn Quốc trong một cuộc tập trận chung mùa đông tại Pyeongchang. Ảnh: Kim Hong-ji.
Lính thuỷ đánh bộ Mỹ và Hàn Quốc trong một cuộc tập trận chung mùa đông tại Pyeongchang. Ảnh: Kim Hong-ji.
TP - Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm qua nói rằng, đợt tập trận chung sắp tới của nước này với Mỹ có thể hoãn lại và nếu Bình Nhưỡng hành động kiềm chế, các vận động viên Triều Tiên có thể cũng được mời dự Thế vận hội Mùa đông sắp diễn ra tại Hàn Quốc.

Ông Moon nói việc tập trận chung với Mỹ sắp tới có thể hoãn lại để giảm căng thẳng, nhưng điều này sẽ phụ thuộc vào hành động của Bình Nhưỡng trong những tuần tới. Tổng thống Hàn Quốc nói ông muốn các vận động viên Triều Tiên tham dự Olympic Mùa đông sắp diễn ra tại thị trấn Pyeongchang, trong bối cảnh lo ngại Triều Tiên có thể tìm cách gây gián đoạn sự kiện này bằng những cách như thử tên lửa đạn đạo, tấn công mạng...

“Có thể Hàn Quốc và Mỹ sẽ xem lại khả năng hoãn cuộc tập trận”, ông Moon nói trong cuộc trả lời phỏng vấn đài NBC của Mỹ. “Tôi đã đưa ra đề xuất đó với Mỹ và Mỹ đang xem xét. Tuy nhiên, tất cả phụ thuộc vào cách hành xử của Triều Tiên”, ông nói. Washington và Seoul luôn khẳng định các cuộc tập trận chung của họ chỉ nhằm mục đích phòng vệ nhưng những hoạt động như vậy đã trở thành một nguyên nhân gây căng thẳng ở khu vực khi Triều Tiên lên án đó là sự tập dượt để xâm lược. Phát ngôn viên của Bộ tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ Dave Benham từ chối bình luận về kế hoạch tập trận.

Mỹ và Hàn Quốc có nhiều cuộc tập trận chung suốt cả năm để nâng cao khả năng sẵn sàng đối phó nếu Triều Tiên tấn công. Hai đợt tập trận lớn nhất diễn ra vào mùa xuân hằng năm có sự tham gia của hàng chục ngàn binh lính hai bên. Đầu tháng này, Mỹ và Hàn Quốc triển khai tập trận trên không quy mô lớn chỉ 1 tuần sau khi Triều Tiên tuyên bố thử thành công một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có thể tấn công đất Mỹ. Hơn 230 máy bay, bao gồm 6 máy bay tàng hình F-22 Rapter, tham gia đợt tập trận này.

“Nếu Triều Tiên ngừng khiêu khích trước Olympic Pyeongchang thì sẽ giúp ích rất nhiều cho việc tổ chức một kỳ Olympic an toàn”, ông Moon nói. Ông cũng cho rằng, điều đó sẽ giúp tạo bầu không khí thuận lợi cho việc đối thoại giữa hai miền và giữa Triều Tiên với Mỹ. Từ khi trở thành tổng thống vào tháng 5 năm nay, ông Moon bày tỏ mong muốn thấy Triều Tiên tham gia Thế vận hội Pyeongchang, dự kiến khai mạc ngày 9/1 năm tới, tại nơi chỉ cách khu phi quân sự hai miền 80m. Nhưng chưa rõ Triều Tiên có thể tham gia với hình thức nào. Hai vận động viên Triều Tiên đủ tiêu chuẩn tham gia là cặp vận động viên trượt tuyết Ryom Tae-ok và Kim Ju-sik đã lỡ hạn đăng ký. Ông Moon nói rằng, ông tin Triều Tiên sẽ quyết định tham gia hay không vào phút chót. Ông cũng nói ông không tin Triều Tiên sẽ tìm cách gây gián đoán đại hội thể thao lần đầu tiên được tổ chức trên bán đảo kể từ Thế vận hội Mùa hè năm 1988 tại Seoul.

Ủy ban Olympic Mỹ cho biết sẽ cử một đội đầy đủ đến Pyeongchang sau khi Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp quốc Nikki Haley nói rằng sự tham gia của Mỹ là “câu hỏi để ngỏ” do quan ngại sự an toàn của các vận động viên Mỹ.

Triều Tiên thử đưa mầm bệnh than vào tên lửa?

Trong khi đó, báo Asahi của Nhật Bản hôm 19/12 dẫn lời nguồn tin giấu tên có quan hệ với cơ quan tình báo quốc phòng Hàn Quốc nói rằng, Triều Tiên đã bắt đầu thử nghiệm đưa mầm bệnh than vào tên lửa đạn đạo liên lục địa. Bài báo nói rằng, quá trình thử nghiệm này đòi hỏi việc bảo đảm virus bệnh than có thể sống sót ở môi trường nhiệt độ lớn trong giai đoạn tái nhập bầu khí quyển Trái đất. Hàn Quốc trước đó nói rằng, Triều Tiên có kho dự trữ từ 2.500-5.000 tấn vũ khí hoá học và có thể sản xuất các tác nhân sinh học như mầm bệnh than và bệnh đậu mùa.

Bài báo của Asahi được xuất bản 1 ngày sau khi Nhà Trắng công bố Chiến lược an ninh quốc gia, trong đó nói rằng Bình Nhưỡng “đang theo đuổi các loại vũ khí hoá học và sinh học có thể được phát tán bằng tên lửa”. Triều Tiên “đã chi hàng trăm triệu đô la vào các loại vũ khí hạt nhân, hoá học và sinh học có thể đe doạ đất nước của chúng ta”, báo cáo viết.

Triều Tiên tuyên bố hoàn thành sức mạnh hạt nhân của họ sau khi phóng tên lửa liên lục địa Hwasong-15 vào cuối tháng 11. Hàn Quốc đánh giá tên lửa này có khả năng bay 13.000km và có thể đến Washington, nhưng cần thêm phân tích để xem loại tên lửa này có thể tái nhập khí quyển hay không.

MỚI - NÓNG