[HỒ SƠ] Thành công, thất bại của đối ngoại Nga dưới thời Putin

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 19/5/2016 tại TP. Sochi. Ảnh: baochinhphu.vn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 19/5/2016 tại TP. Sochi. Ảnh: baochinhphu.vn.
TPO - Ông Vladimir Putin lãnh đạo nước Nga đã được 20 năm, để lại dấu ấn đậm nét trong nhiều lĩnh vực như kinh tế, xã hội, đối ngoại… Ông giúp nước Nga khôi phục vị thế siêu cường trên vũ đài toàn cầu, phát triển quan hệ với ASEAN, Trung Quốc, Ấn Độ...

Kết quả chính sách đối ngoại của Nga trong kỷ nguyên Putin có thể được đánh giá theo nhiều cơ sở và tiêu chí. Theo ông Dmitri Trenin, giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow (một trung tâm nghiên cứu tập trung vào chính sách đối nội và đối ngoại, quan hệ quốc tế, an ninh quốc tế và nền kinh tế, trụ sở tại thủ đô Moscow của Nga), kể từ năm 1999, ông Putin theo đuổi 2 mục tiêu chính: duy trì sự đoàn kết, thống nhất của nước Nga và khôi phục vị thế siêu cường của Nga trên vũ đài toàn cầu; và ông đã đạt được cả 2 mục tiêu này.

Quyền lực tập trung được xác lập trên khắp Liên bang Nga, giúp đất nước vượt qua giai đoạn hỗn loạn những năm 1990 (nhưng cũng bị chỉ trích là thiên về tầng lớp tinh hóa). Trong khi đó, Nga từ chỗ suy giảm vị thế siêu cường hồi những năm 2000 giờ đây trở thành một trong những tay chơi quân sự và địa chính trị lớn nhất, năng động nhất trên phạm vi toàn cầu.

Năm 2000, ông Putin chủ động kêu gọi Nga trở thành thành viên NATO. Năm 2001, nỗ lực trở thành đồng minh quan trọng nhất của Mỹ, ông ra lệnh cung cấp mọi sự ủng hộ, hỗ trợ cho quân Mỹ ở Afghanistan. Xây dựng một Đông Âu mở rộng trải dài từ Lisbon tới Vladivostok, ông Putin không chỉ phát biểu tại Hạ viện Đức bằng tiếng Đức, tuyên bố về sự lựa chọn châu Âu của Nga, mà còn mạnh mẽ khuyến khích việc trao đổi tài sản vốn để thành lập một không gian kinh tế chung.

Thành công

Không thể phủ nhận một điều, dưới thời ông Putin, nước Nga khôi phục được chủ quyền thực sự của mình. Giá dầu tăng nhanh những năm 2000 cho phép Nga chuyển đổi sang tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng vốn mới được tạo ra từ những năm 1990 và thoát khỏi sự phụ thuộc tài chính bên ngoài.

Việc quốc hữu hóa một phần đáng kể của ngành dầu khí Nga vào giữa những năm 2000 đã tạo nên nền tảng cho chính sách năng lượng phối hợp. Cải cách các lực lượng vũ trang nửa đầu thập niên 2010 cũng đem lại cho Kremlin một công cụ hiệu quả để bảo vệ và thúc đẩy lợi ích quốc gia. Sự ủng hộ ổn định của phần đông dân chúng đối với ông Putin đảm bảo sự ổn định của hệ thống, trong khi nguyên tắc tập trung dân chủ đem lại một cơ chế cho tổng thống thực thi ý chí chính trị của mình.

Nửa sau thập niên 2010, ông Putin đã tạo ra bước ngoặt lớn về vị thế siêu cường, kháng lại được sức ép bên ngoài, có khả năng tạo ra tiến trình chính trị độc lập và khi cần thiết tự bảo vệ mình mà không cần trợ giúp từ bên ngoài. Nhìn từ bên ngoài, có vẻ như Nga chuyển trọng tâm từ châu Âu mở rộng sang lục địa Á-Âu mở rông, hướng tới phương Đông, đặc biệt là Trung Quốc.

Trên thực tế, đây là sự xoay trục của Nga về bản thân nước Nga để tìm kiếm điểm cân bằng trong môi trường toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng. Sự tự quyết của Nga hiện nay là sự tự khẳng định rằng Nga là một siêu cường độc lập ở phía bắc lục địa Á-Âu, trực tiếp tiếp giáp Đông và Trung Á, châu Âu, Trung Đông và Bắc Mỹ.

Nga cũng không còn định hướng tới một bên cụ thể nào – không hướng châu Âu, không hướng Mỹ, cũng không hướng Trung Quốc. Hiện nay, Nga tương tác với tất cả những nước này trong khu vực láng giềng rộng lớn của mình và được dẫn dắt bởi chính lợi ích của Nga mà thôi.

Thậm chí trước khi Nga đương đầu với Mỹ và bất đồng, bất hòa với Liên minh châu Âu (EU), tiến trình hướng đông của chính sách đối ngoại dưới thời ông Putin lần đầu tiên đạt được vị thế và tầm quan trọng đáng kể, đem lại sự cân bằng cho chính sách đối ngoại của Nga.

Một mặt, gia tăng quan tâm phương Đông là kết quả của sự trỗi dậy của châu Á thành trung tâm toàn cầu của chính trị và kinh tế thế giới. Mặt khác, Nga phải thừa nhận sự yếu kém và dễ bị tổn thương trong vị thế địa chính trị và địa kinh tế của mình ở phía đông đất nước. Với tâm thế này, những năm 2000, Tổng thống Putin nỗ lực nhiều để đạt được giải pháp cuối cùng cho vấn đề biên giới với Trung Quốc và xây dựng mối quan hệ đối tác gần gũi, hiệu quả với Bắc Kinh.

Kỷ nguyên Putin chứng kiến sự khởi đầu của chính sách châu Á của Nga. Ngoài Trung Quốc, ông Putin nhắm đến phát triển quan hệ với Ấn Độ với tư cách siêu cường châu Á so sánh với Trung Quốc và là đối tác chiến lược truyền thống của Nga; với Nhật Bản và Hàn Quốc với tư cách nguồn nhập khẩu công nghệ và đầu tư; với các nước ASEAN với tư cách thị trường lớn và đang tăng trưởng.

Các mối quan hệ, khuôn khổ song phương và đa phương, trong đó có SCO (Tổ chức Hợp tác Thượng Hải), BRICS (khối các nền kinh tế lớn mới nổi gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), RIC (Nga, Ấn Độ, Trung Quốc) đã tạo điều kiện cho Nga, dù không phải tay chơi lớn nhất hay có thế thượng phong, duy trì được sự cân bằng với các nước có ưu thế hơn và bảo vệ được lợi ích của mình một cách hiệu quả.

Chất lượng mới của chính sách đối ngoại Nga, sự cân bằng động, được thể hiện rõ nét nhất tại Trung Đông, đặc biệt là sự khởi đầu của chiến dịch quân sự tại Syria năm 2015. Tại Syria, Nga đã chiếm được vị trí độc đáo với tư cách tay chơi có khả năng duy trì sự liên lạc hiệu quả với tất cả các lực lượng tên tuổi trong khu vực, kể cả những nhân vật được đánh giá là cứng đầu nhất như Iran, Israel…

Bằng cách triển khai lực lượng vũ trang ở Syria với quân số tương đối khiêm tốn, chi phí tương đối thấp và tổn thất không đáng kể, Nga đã đạt được các mục tiêu trực tiếp của mình. Ngoài ra, lần đầu tiên kể từ khi Liên Xô tan rã, Nga được chấp nhận ở khu vực với tư cách là một tay chơi nghiêm túc.

Bí quyết thành công nằm ở thực tế rằng các hành động của Nga ở khu vực rõ ràng là tập trung vào lợi ích của mình, không phải vào hệ tư tưởng của mình, từ chối áp đặt mô hình địa chính trị cho nước khác.

Syria nói riêng và Trung Đông nói chung là tín hiệu cho thấy Nga đang trở lại vũ đài toàn cầu và đang trở thành tay chơi toàn cầu, nhưng thực sự khác với tay chơi Liên Xô. Thay vì gia tăng nỗ lực xuất khẩu mô hình của mình sang phần còn lại của thế giới, Mátxcơva giờ đây nỗ lực tìm các điểm ngách có thể khai thác cho lợi ích của mình.

Ngoài xuất khẩu năng lượng, vũ khí, công nghệ hạt nhân, thực phẩm, Nga đang hoạt động với tư cách tay chơi quân sự và ngoại giao đem lại sự bảo đảm về an ninh cho một số quốc gia. Nga đang tích cực hoạt động bên ngoài châu Âu và châu Á, gia tăng hiện diện ở Trung Đông, châu Phi và Mỹ Latin.

Thách thức chính ở đây là không để Nga phải hứng chịu thất bại chiến lược, trong khi theo đuổi các lợi ích chiến thuật. Giải quyết vấn đề này đòi hỏi sự hành động phối hợp trong nhiều lĩnh vực và ở nhiều cấp. Ngoài ra, để củng cố sự tôn trọng của các nước khác dành cho mình, Nga phải thực sự tuân thủ các nguyên tắc và giá trị của mình.

Cơ hội cuối cùng xuất hiện dưới thời ông Putin là Bắc Cực. Dưới tác động của biến đổi khí hậu, Bắc Cực đã trở thành một khu vực mới để Nga phát triển quan hệ với thế giới bên ngoài và một mặt trận mới để đương đầu với các đối thủ.

[HỒ SƠ] Thành công, thất bại của đối ngoại Nga dưới thời Putin ảnh 1 Tổng thống Nga Vladimir Putin (thứ hai, bên trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu (trái) nói chuyện với các phi công Nga tại căn cứ không quân Nga Hemeimeem ở Syria ngày 11/12/2017. Ông Putin tuyên bố rút một phần lực lượng Nga khỏi Syria. Ảnh: Sputnik.

Thất bại

Ông Putin dường như không thể tạo ra tầng lớp tinh hoa thực sự quan tâm lợi ích quốc gia. Nhiều cá nhân vẫn đặt lợi ích doanh nghiệp của họ lên trên tất cả.

Việc chuyển đổi kế hoạch xây dựng châu Âu mở rộng sang ý tưởng lục địa Á-Âu mở rộng chịu nhiều đau thương. Sự hợp tác với châu Âu, láng giềng gần nhất của Nga, bị đình trệ vì khủng khoảng Ukraine (chủ yếu là kết quả của việc sáp nhập bán đảo Crimea) và những bất đồng căn bản về giá trị chính trị, xã hội.

Châu Âu muốn đưa Nga gần nhất tới các nguyên tắc và chuẩn mực châu Âu mà không cần trở thành thành viên EU. Nga hy vọng rằng, với sự chấm dứt Chiến tranh Lạnh, các nước EU tinh hoa sẽ rời bỏ quỹ đạo Đại Tây Dương của họ và bắt đầu xây dựng châu Âu mở rộng cùng với Nga.

Trên thực tế, sự tương tác giữa Nga và châu Âu chủ yếu dựa trên mối quan hệ kinh tế, khoa học, văn hóa và nhân đạo. Địa chính trị và quốc phòng vẫn thuộc lĩnh vực của quan hệ Nga-Mỹ.

Nga vẫn chưa thể thực sự tái khởi động quan hệ đối tác với Ấn Độ. Sự chậm trễ trong phát triển quan hệ giữa Mátxcơva và Delhi (bắt đầu với sự sụp đổ của Liên Xô) vẫn diễn ra.

Mức độ hợp tác của Nga với Ấn Độ (nước có sức mạnh kinh tế và tham vọng quốc tế ngày càng tăng) đang thấp dần so với mức độ tương tác với Trung Quốc. Cùng với quan hệ với EU yếu đi đáng kể, điều này tạo ra một mối đe dọa đối với sự cân bằng dịa chính trị của Nga ở lục địa Á-Âu mở rộng.

Tình hình này còn thêm phức tạp trước một thực tế rằng, đàm phán ký hiệp ước hòa bình Nga-Nhật đang đi vào ngõ cụt. Tổng thống Putin đã rất nỗ lực biến Nhật Bản thành một nguồn tài nguyên cho hiện đại hóa công nghệ và kinh tế Nga, cũng như là một thành tố của hệ thống cân bằng lục địa Á-Âu mở rộng. Tuy nhiên, nỗ lực này chưa đem lại kết quả, khiến Nga có khả năng phải phụ thuộc thêm vào Trung Quốc.

Trong khi đó, EAEU (Liên minh Kinh tế Á-Âu giữa Armenia, Belarus, Kazakhstan, Nga, và Kyrgyzstan) ít có triển vọng biến thành trung tâm quyền lực thật sự về kinh tế, địa chính trị và quân sự ở lục địa Á-Âu. Các thành viên đối tác của Nga, bao gồm hai đối tác thân cận nhất là Belarus và Kazakhstan, lo lắng về việc bảo vệ chủ quyền của họ. EAEU cũng khó trở thành đối thủ cạnh tranh thật sự hoặc đối tác đầy đủ của EU, ASEAN hay Trung Quốc.

[HỒ SƠ] Thành công, thất bại của đối ngoại Nga dưới thời Putin ảnh 2 Tổng thống Nga Vladimir Putin tại hội nghị APEC năm 2006 ở Hà Nội. Đứng cạnh ông là Tổng thống Mỹ khi đó George W. Bush và Chủ tịch Trung Quốc thời bấy giờ Hồ Cẩm Đào. Cả 3 mặc trang phục truyền thống của nước chủ nhà Việt Nam. Ảnh: Getty.
MỚI - NÓNG