Hội đồng Bảo an yêu cầu quân đội Myanmar thả Cố vấn Suu Kyi

Nhóm người biểu tình phản đối đảo chính Myanmar ở Thái Lan. Ảnh: Bloomberg
Nhóm người biểu tình phản đối đảo chính Myanmar ở Thái Lan. Ảnh: Bloomberg
TPO - Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã kêu gọi chính quyền quân đội Myanmar trả tự do cho Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và những người khác sau cuộc đảo chính hồi đầu tuần.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đưa ra một tuyên bố hôm thứ Năm, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì thể chế và quy trình dân chủ ở Myanmar, kiềm chế bạo lực và tôn trọng đầy đủ các quyền con người.

Giọng điệu của tuyên bố chính thức nhẹ nhàng hơn so với dự thảo ban đầu của Anh, đồng thời không đề cập đến cuộc đảo chính - dường như nhằm xoa dịu Nga và Trung Quốc.

Phái bộ Liên hợp quốc của Trung Quốc cho biết Bắc Kinh hy vọng các thông điệp chính trong tuyên bố “có thể được tất cả các bên chú ý và dẫn đến một kết quả tích cực” ở Myanmar.

Chính phủ Myanmar hiện chưa đưa ra bình luận.

Cùng lúc đó, tại Mỹ, Tổng thống Joe Biden nói quân đội Myanmar nên rút lui, trong khi Washington xem xét việc đưa ra các lệnh trừng phạt và phối hợp với các đồng minh để giải quyết tình hình.

“Một lực lượng dân chủ không nên bỏ qua ý chí của người dân hoặc tìm cách bác bỏ kết quả của một cuộc bầu cử đáng tin cậy”, ông Biden nói.

Hai thượng nghị sĩ Mỹ, một từ đảng Dân chủ và một từ đảng Cộng hòa, cho biết họ sẽ đưa ra một nghị quyết vào thứ Năm kêu gọi quân đội Myanmar lùi bước sau cuộc đảo chính, bằng không họ sẽ phải đối mặt với hậu quả, đặc biệt là các lệnh trừng phạt.

Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan trước đó cho biết trong một cuộc họp báo rằng chính quyền của ông Biden đang xem xét các biện pháp trừng phạt nhằm vào các cá nhân và thực thể của quân đội.

Theo Reuters, các lệnh trừng phạt này khó có thể ảnh hưởng đến lãnh đạo quân đội Myanmar, vì họ không có nhiều tài sản ở nước ngoài. Tuy nhiên, lệnh trừng phạt cũng có thể khiến các công ty nước ngoài đầu tư vào Myanmar quyết định rút lui, ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế.

Tập đoàn đồ uống khổng lồ của Nhật Bản Kirin Holdings cho biết họ sẽ chấm dứt hợp tác với một tập đoàn hàng đầu của Myanmar mà nhóm chủ sở hữu, theo Liên hợp quốc, bao gồm cả các thành viên quân đội. Kirin nói rằng cuộc đảo chính đã "làm lung lay nền tảng của mối quan hệ đối tác".

Hơn 140 người đã bị giam giữ ở Myanmar kể từ sau cuộc đảo chính, bao gồm các nhà hoạt động, nghị sĩ và các quan chức, Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân chính trị Myanmar (AAPP) cho biết.

Ít nhất 4 người đã bị bắt vào hôm thứ Năm, trong đó có một thiếu niên đập nồi để phản đối cuộc đảo chính.

Win Htein, 79 tuổi, một người ủng hộ lâu năm của Suu Kyi, đã bị bắt vào đầu ngày thứ Sáu.

Tại Myanmar, không có vụ biểu tình phản đối rầm rộ nào được ghi nhận. Nhưng các bác sĩ đã tiến hành một cuộc đình công để phản đối quân đội nắm quyền. Một số nhân viên chính phủ khác và sinh viên cũng có động thái tương tự.

Min Ko Naing, một cựu chiến binh cho biết: “Đèn sáng trong bóng tối. Chúng ta cần cho họ thấy có bao nhiêu người chống lại cuộc đảo chính bất công này."

Theo Theo Reuters
MỚI - NÓNG