Hơn 23,5 triệu người mắc COVID-19 toàn cầu

Hơn 23,5 triệu người mắc COVID-19 toàn cầu
TPO - Thế giới ghi nhận hơn 23,5 triệu người nhiễm, hơn 812.000 người chết do COVID-19, nhiều nước từng chống dịch hiệu quả đang đối phó làn sóng lây nhiễm lần hai

213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 23.577.609 ca mắc và 812.118 ca tử vong do COVID-19, tăng lần lượt 219.617 và 4.467 ca sau 24 giờ, trong khi 16.069.345 người đã bình phục.

Mỹ, tâm dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 5.872.531 ca nhiễm và 180.570 người chết, tăng lần lượt 31.103 và 396 ca so với một ngày trước đó. Bác sĩ Nhà Trắng Brett Giroir cho biết số ca nhiễm đang giảm trên toàn quốc trong tuần này, có thể một phần nhờ biện pháp đeo khẩu trang và cách biệt cộng đồng.

Nhiều chuyên gia cảnh báo các vùng dịch lớn tại Mỹ có nguy cơ tăng các ca nhiễm  trở lại từ mùa thu, khi các trường học mở cửa và thời tiết lạnh giá khiến mọi người tụ tập trong nhà nhiều hơn.

Brazil, tâm dịch lớn thứ hai thế giới, số ca tử vong tăng lên 114.744 sau khi ghi nhận thêm 467 trường hợp. Ca nhiễm tại nước này tăng 23.085 trong 24 giờ qua, lên 3.605.783.

Cơ quan quản lý y tế Brazil tuần qua đã phê duyệt thử nghiệm lâm sàng Giai đoạn 3 đối với loại vaccine COVID-19 từ công ty dược phẩm Mỹ Johnson & Johnson. Vaccine sẽ được thử nghiệm trên 7.000 tình nguyện viên đến từ 7 bang của Brazil.

Trước đó bang Parana của Brazil cũng ký bản thỏa thuận để thử nghiệm và sản xuất vaccine COVID-19 Sputnik V của Nga, loại vaccine đầu tiên trên thế giới được chính phủ phê duyệt và đưa vào sản xuất. Các nhà nghiên cứu cần thử nghiệm vaccine COVID-19 tại những quốc gia là vùng dịch đủ lớn để đánh giá chính xác hiệu quả và Brazil chính là một trong những lựa chọn lý tưởng nhất.

Mexico, tâm dịch tại Mỹ Latinh, báo cáo 556.216 ca nhiễm và 60.254 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm lần lượt 6.482 và 644 trường hợp. Chính phủ Mexico hôm 19/8 cho biết có dấu hiệu cho thấy nước này đã đạt đỉnh dịch và số các ca nhiễm, tử vong đang liên tục giảm.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng khả năng xét nghiệm hạn chế khiến khó có thể đánh giá tình hình ở Mexico.

Nga, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, báo cáo thêm 73 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 16.383. Số ca nhiễm tăng thêm 4.852, lên 956.749. Tình hình dịch bệnh tại Nga dường như đã được kiểm soát, khi các số liệu đang giảm dần.

Nga tuần này bắt đầu đợt thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn nhằm đánh giá an toàn và hiệu quả của vaccine Sputnik V, với sự tham gia của 40.000 tình nguyện viên thuộc nhiều nhóm khác nhau tại hơn 45 trung tâm y tế.

Nam Phi, vùng dịch thứ năm thế giới, là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi  đại dịch COVID-19 tại châu Phi với 609.773 ca nhiễm và 13.059 ca tử vong, tăng lần lượt 2.728 và 72 ca.

COVID-19 khiến nền kinh tế của Nam Phi ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là ngành công nghiệp bán lẻ, khi phải chịu tác động từ việc đóng cửa hàng và sức mua giảm mạnh.

Chính phủ Nam Phi đã dần nới lỏng các hạn chế ngăn COVID-19 để cho phép hầu hết lĩnh vực của nền kinh tế mở cửa trở lại. Tuy nhiên, Tổng thống Cyril Ramaphosa cảnh báo rằng ca nhiễm có thể gia tăng nếu mọi người lơ là cảnh giác.

Iran báo cáo 20.643 người chết sau khi ghi nhận thêm 141 ca. Trong khi đó, số ca nhiễm tăng thêm 2.113, lên tổng cộng 358.905 ca. Số ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 tại Iran có xu hướng tăng trở lại từ cuối tháng 6.

Chính quyền đã ra lệnh bắt buộc đeo khẩu trang ở những nơi công cộng, các tỉnh cũng được trao quyền để cân nhắc tái áp đặt các biện pháp giới hạn và phong tỏa.

Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ ba thế giới và lớn nhất châu Á, báo cáo thêm 61.749 ca nhiễm và 846 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 3.105.185 và 57.692. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo tình hình dịch ở nước này còn nghiêm trọng hơn nhiều so với báo cáo.

Các bang và thành phố Ấn Độ, bao gồm cả Haryana và Punjab, nơi các ca nhiễm COVID-19  đột biến trong những tuần gần đây, đã phải tái áp đặt biện pháp hạn chế và cách li xã hội trở lại.

Khi các ca nhiễm COVID-19 ngày càng lan rộng tới các thị trấn nhỏ và khu vực nông thôn, các nhà dịch tễ học cảnh báo tình hình dịch ở Ấn Độ có thể phải vài tháng nữa mới chạm đỉnh. Điều này sẽ gây thêm căng thẳng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe vốn đã quá tải tại quốc gia này.

Tại Đông Nam Á, Philippines là vùng dịch lớn nhất khu vực với 189.601 ca nhiễm và 2.998 ca tử vong, tăng lần lượt 2.352 và 32 ca. Giới chức nước này đã yêu cầu người dân đeo khẩu trang và tấm chắn giọt bắn tại nơi làm việc sau khi phát hiện ổ dịch tại một căng tin cơ quan.

Philippines cũng quyết định hoãn ngày khai giảng thêm 6 tuần tới tháng 10 khi đối mặt các ca nhiễm tăng nhanh và dự định chuyển đổi các trường học thành những cơ sở cách ly. Học sinh nước này sẽ "học kết hợp" giữa các lớp học trực tuyến, học trên truyền hình và đài phát thanh.

Nước này tuyên bố sẽ thử nghiệm lâm sàng vaccine của Nga vào tháng 10 và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sẽ được tiêm vào tháng 5 năm sau. Ông Duterte từng tuyên bố tình nguyện tiêm vaccine do Nga sản xuất để thể hiện sự tin tưởng và biết ơn.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã so sánh COVID-19 với đại dịch cúm Tây Ban Nha, kéo dài từ tháng 2/1918 đến tháng 4/1920, và hy vọng nó có thể kết thúc trong hai năm.

"Nhược điểm của chúng ta là toàn cầu hóa, gần gũi, tiếp xúc nhiều, nhưng lại có lợi thế về công nghệ tốt hơn, nên chúng ta có thể hy vọng sẽ chấm dứt đại dịch này trong chưa đầy hai năm", Tedros nói.

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG