Họp về Iran theo yêu cầu của Mỹ, LHQ bị tố vi phạm hiến chương

Phiên họp Hội đồng Bảo an về tình hình Iran ngày 5/1. Ảnh: AFP.
Phiên họp Hội đồng Bảo an về tình hình Iran ngày 5/1. Ảnh: AFP.
TPO - Loạt các quốc gia thành viên, bao gồm Nga và Trung Quốc, cho rằng, việc Hội đồng Bảo an triệu tập cuộc họp khẩn cấp về biểu tình Iran, theo đề xuất của Mỹ, không phù hợp với nhiệm vụ mà cơ quan này được giao trong Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Nga: Mỹ lợi dụng Hội đồng Bảo an

“Chúng tôi rất thương tiếc cho những người thiệt mạng do làn sóng biểu tình bạo lực. Tuy nhiên, hãy để cho Iran giải quyết các vấn đề của riêng họ, đặc biệt vì đó là chính xác những gì đang diễn ra”, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc (LHQ) Vassily Nebenzia phát biểu tại cuộc họp do Hội đồng Bảo an LHQ (UNSC) triệu tập vào ngày 5/1 (theo giờ địa phương).

Ông Nebenzia nhấn mạnh, Mỹ đã chuyển hướng quan tâm của UNSC từ các vấn đề quốc tế quan trọng cần giải quyết, sang vấn đề nội bộ quốc gia vốn bị nghiêm cấm trong Hiến chương LHQ.

“Các vị (Mỹ) đang phân tán năng lượng của UNSC. Thay vì tập trung vào các tình huống khủng hoảng then chốt ở Afghanistan, Syria, Libya, Iraq, Yemen, CHDCND Triều Tiên, lục địa châu Phi, các vị đang đề xuất, chúng ta can thiệp vào công việc nội bộ của một quốc gia. Chúng tôi không muốn dính líu đến việc gây bất ổn cho Iran hoặc bất kỳ nước nào khác”, vị đại sứ nói.

Họp về Iran theo yêu cầu của Mỹ, LHQ bị tố vi phạm hiến chương ảnh 1 Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia. Ảnh: AFP

Ông cũng nhắc nhở Washington về lịch sử của họ trong việc trấn áp các cuộc biểu tình. Theo ông, nếu như logic của Mỹ, UNSC cũng phải họp về các sự kiện ở Ferguson (biểu tình cho các nạn nhân da màu bị cảnh sát Mỹ bắn chết nổ ra năm 2014) hoặc phong trào Occupy Wall Street (xảy ra vào năm 2011, nhắm vào giới ngân hàng, được cho là thủ phạm gây ra khủng hoảng kinh tế năm 2008) ở Manhattan, New York.

Phân tích lý do Mỹ muốn đào sâu vụ biểu tình ở Iran, ông Nebenzia lập luận, đó là một nỗ lực khác của Washington nhằm hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran, tên đầy đủ Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), được ký kết vào năm 2015.

“Lý do thực sự để triệu tập cuộc họp ngày hôm nay không phải là một nỗ lực để bảo vệ nhân quyền hoặc thúc đẩy quyền lợi của người Iran, mà là một nỗ lực bị che giấu thời điểm hiện tại để tiếp tục làm suy yếu JCPOA. Chúng tôi không thể chấp nhận việc cố ý làm suy yếu sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế với JCPOA, đây là thành tựu chính của mục tiêu không phổ biến vũ khí hạt nhân trong vài năm gần đây ... Đặc biệt trong trường hợp IAEA (Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế) nhiều lần khẳng định sự tuân thủ đầy đủ của Iran với các nghĩa vụ của họ”, ông Nebenzia kết luận.

Không có mối đe dọa đối với hòa bình thế giới

Một số đại diện quốc gia khác tại UNSC cũng chỉ ra, tình trạng bất ổn ở Iran nằm ngoài phạm vi can thiệp của cơ quan LHQ này.

Theo Đại sứ Pháp tại LHQ Francois Delattre, dù diễn biến biểu tình tại Iran trong vài ngày qua gây quan ngại, nhưng đó không phải là mối đe dọa đến hòa bình và an ninh thế giới.

Ông cảnh báo, phải cảnh giác với các nỗ lực nhằm lợi dụng cuộc khủng hoảng này cho các mục đích cá nhân “mà sẽ có kết quả trái ngược hoàn toàn với những gì được mong đợi”.

Trong khi, Phó Đại sứ Trung Quốc Liu Jieyi chỉ ra: “Tình hình Iran không gây bất cứ mối đe dọa nào đối với hòa bình hay an ninh quốc tế, cũng không nằm trong chương trình nghị sự của UNSC. Việc Hội đồng thảo luận về tình hình trong nước của Iran là một thực tiễn không phù hợp với trách nhiệm mà Hội đồng được quy định trong Hiến chương Liên hợp quốc. Làm như vậy không giúp giải quyết vấn đề nội địa của Iran”.

Mỹ và Iran nói gì?

Trong bài phát biểu khai mai cuộc họp ngày 5/1, Đại sứ Mỹ Nikki Haley mô tả sự bất ổn đang diễn ra ở Iran là “biểu hiện tự nhiên của quyền cơ bản của con người”.

Tuyên bố những cuộc biểu tình diễn ra đồng thời trong hơn 78 địa điểm, bà Haley nhấn mạnh, người Iran sẽ tự xác định vận mệnh của họ, và khẳng định Mỹ “sẽ không im lặng”.

Bà cũng phủ nhận cáo buộc những người biểu tình Iran là “những con rối của quyền lực nước ngoài”, mà chắc chắn họ đang hành động theo ý chí chủ quan.

Không đồng tình với bà Haley, Đại sứ Iran tại LHQ Gholamali Khoshroo nhắc lại quan điểm của giới chức Tehran khi làn sóng biểu tình bùng phát: Những người nổi dậy đang chịu ảnh hưởng từ nước ngoài.

“Chúng tôi có bằng chứng vững chắc chỉ ra, bạo lực ở Iran do một số người biểu tình thực hiện, trong một số trường hợp tước đoạt tính mạng của cảnh sát và nhân viên an ninh, rõ ràng được chỉ đạo từ nước ngoài.

Những yếu tố bạo lực này xuất hiện trong đám đông ngay từ tối thứ Sáu tuần trước (29/12/2017) từ lúc bắt đầu các cuộc biểu tình. Vào thời điểm đó, các nhân tố bên ngoài Iran, bao gồm cả những người xúi giục có nguồn gốc từ Hoa Kỳ và châu Âu, bắt đầu được phát hiện. Các đối tượng kích động bạo lực khuyến khích và hướng dẫn người dân sử dụng bom xăng, biết sử dụng các bộ phận đạn dược và tiến hành nổi dậy vũ trang”, ông Khoshroo cáo buộc.

Các cuộc biểu tình ở một số thành phố của Iran, xuất phát từ bức xúc do giá lương thực tăng, nạn thất nghiệp và khủng hoảng kinh tế, bắt đầu vào ngày 28/12/2017. Biểu tình kéo theo bạo lực, khiến 22 người thiệt mạng và hàng trăm người bị bắt giữ trong cuộc đụng độ với lực lượng an ninh.

Đồng thời với làn sóng phản đối chính phủ, các cuộc biểu tình lớn ủng hộ nhà nước Tehran cũng được tổ chức trên khắp Iran, với hàng chục ngàn người tham gia.

Theo Theo RT
MỚI - NÓNG