Kêu gọi hợp tác tránh chiến tranh thương mại

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (giữa) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk (trái), Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean- Claude Juncker. Ảnh: EPA.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (giữa) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk (trái), Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean- Claude Juncker. Ảnh: EPA.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk hôm qua nói Trung Quốc, Mỹ cần hợp tác tránh chiến tranh thương mại và cải cách Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) để duy trì trật tự toàn cầu.

Theo South China Morning Post, ông Tusk đưa ra lời kêu gọi trên khi cùng Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean- Claude Juncker tới Bắc Kinh tham dự hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Liên minh châu Âu (EU) lần thứ 20.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc và EU đang có những tranh chấp với Mỹ về nhiều vấn đề, trong đó có thương mại, an ninh và quản trị. Thậm chí, ngày 15/7, ông Trump tuyên bố cả EU và Trung Quốc đều là kẻ thù của Mỹ về thương mại và kinh tế.

Ông Tusk cho biết, EU và Trung Quốc đã nhất trí phát triển hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược sau cuộc họp sáng 16/7 tại Bắc Kinh. Cuộc họp này đã diễn ra vài giờ trước cuộc họp thượng đỉnh “ một đối một” giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Helsinki.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu cũng kêu gọi Trung Quốc, Mỹ và cùng nỗ lực cải cách WTO do vẫn còn thời gian để ngăn chặn những xung đột và hỗn loạn.

Hồi cuối tháng 6, EU và Trung Quốc đã nhất trí thiết lập nhóm làm việc để kiểm soát WTO và các vấn đề về trợ giá công nghiệp, chuyển giao công nghệ bắt buộc và các rào cản tiếp cận thị trường.

“ Chúng ta cần những qui định mới về trợ giá công nghiệp, sở hữu trí tuệ và chuyển nhượng công nghệ bắt buộc, giảm các chi phí thương mại cũng như một cách tiếp cận mới để phát triển và giải quyết những tranh chấp hiệu quả hơn. Mục đích của những cải cách này nên được tăng cường  cho WTO để đảm bảo một sân chơi bình đẳng”, ông Tusk nói.

Chính phủ Trung Quốc cho biết trong một thông cáo sáng 16/7 rằng, hai bên đã nhất trí cùng nhau duy trì trật tự quốc tế dựa theo nguyên tắc ủng hộ chủ nghĩa đa phương và tự do thương mại.

Mặc dù không nhất trí với cách tiếp cận của Mỹ  đối với Trung Quốc,  EU kêu gọi Bắc Kinh nhanh chóng mở cửa thị trường và cạnh tranh công bằng. EU cũng không đứng về phía Trung Quốc trong cuộc xung đột thương mại.
MỚI - NÓNG