Liên minh châu Âu lục đục vì COVID-19

Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters
TPO - Một liên minh châu Âu (EU) rạn nứt tiếp tục chịu thêm sức ép khi Italy và Tây Ban Nha thúc giục cả khối phải hành động để đẩy lùi dịch bệnh, trong khi Đức lưỡng lự không muốn lao vào bất kỳ giải pháp mới triệt để nào. 

Sự chia rẽ bắc nam vốn đã tồn tại trong EU nhiều năm qua giờ trỗi dậy khi dịch COVID-19 lan khắp châu lục, cướp đi nhiều mạng sống hơn bất kỳ châu lục nào khác trên thế giới. 

“Đây là thời khắc khó khăn nhất đối với EU từ khi thành lập, và chúng ta vẫn chưa sẵn sàng để đối mặt với thách thức này”, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez nói trong bài phát biểu trên truyền hình tối 28/3. 

Ông Sánchez cảnh báo sự thiếu đoàn kết trong chia sẻ gánh nặng tài chính khổng lồ mà cuộc khủng hoảng y tế này gây ra và tình trạng đình trệ kinh tế sẽ đe doạ tương lai của cả khối. 

“Châu Âu phải có phản ứng kinh tế và xã hội thống nhất. Chúng ta phải có bằng chứng rằng châu Âu lắng nghe và châu Âu hành động”, ông Sánchez nói. 

Người châu Âu đã có một số hành động thể hiện tình đoàn kết: Đức và Thuỵ Sĩ tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 từ Italy và Pháp. Đức và Pháp gửi khẩu trang và quần áo bảo hộ cho Italy. EU cũng cam kết hỗ trợ hàng tỷ euro để giúp các nước bị dịch bệnh tấn công nghiêm trọng. 

Nhưng những người chỉ trích cho rằng hành động như vậy chưa đủ. 

Trong khi đó, Trung Quốc và Nga đã nói đến chuyện viện trợ y tế cho Italy, khiến một số người Italy chất vấn rằng lòng trung thành của họ nên nằm ở đâu. Cuba và Albania cũng đã cử y bác sĩ đến hỗ trợ Italy. 

“Châu Âu phải thể hiện rằng chúng ta có thể trả lời tiếng gọi lịch sử này”, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte nói hôm 28/3. 

Tây Ban Nha và Italy đã chiếm hơn một nửa số ca tử vong vì COVID-19 của cả thế giới, ghi nhận thêm vài trăm nạn nhân mỗi ngày. 

Ông Sánchez cảnh báo rằng các thành viên ở phía nam châu Âu không thể chịu đựng thêm một chính sách thắt lưng buộc bụng như khủng hoảng năm 2008, khi các nước như Hy Lạp và Bồ Đào Nha bị ép phải nhận cứu trợ, cắt giảm ngân sách và dịch vụ xã hội. 

“Chúng ta không được lặp lại sai lầm như những cuộc khủng hoảng trước đây, nếu không cuộc khủng hoảng nợ tiếp theo sẽ đến sau corona”, Bộ trưởng tài chính Áo Gernot Bluemel nói với hãng thông tấn Áo hôm 20/3. “Chúng ta nên sử dụng các công cụ hiện có trước khi tạo ra những công cụ mới gây tác động lâu dài” lên ổn định kinh tế của châu Âu, ông Bluemel nói. 

Lần này, Tây Ban Nha, Italy, Pháp và 6 nước thành viên khác đề xuất EU chia sẻ gánh nặng nợ, bằng công cụ được gọi là “trái phiếu corona”, để giúp huy động tiền đối phó với dịch bệnh. Nhưng ý tưởng này vấp phải phản đối từ Đức và một số nước. 

Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz hôm qua nói rằng điều quan trọng là phải bảo đảm “các nước có thể gánh vác nhiệm vụ khó khăn này tốt hơn và thể hiện độ tín nhiệm nhiều hơn”. 

Ông Scholz nói rằng sự phối hợp của EU là cần thiết, nhưng ông hoài nghi về trái phiếu corona. Thay vì đó, ông nhấn mạnh các nước đang thảo luận chuyện huy động tiền từ quỹ cứu trợ khu vực đồng euro được tạo ra trong cuộc khủng hoảng nợ châu Âu chục năm trước, mang tên Quỹ ổn định châu Âu. 

Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng tỏ ra không hào hứng với trái phiếu corona khi trả lời phỏng vấn hãng tin Đức dpa vừa qua, khiến Italy chán nản.

Nhưng không riêng Đức thúc giục phải thận trọng. Hà Lan và Phần Lan cũng đưa ra quan điểm tương tự về việc tung ra chính sách hỗ trợ mới, có thể gây tác động lâu dài lên tình hình tài chính của cả khối. Một số muốn tiết kiệm tiền đề phòng cuộc khủng hoảng y tế hiện nay còn tồi tệ hơn. 

Bằng cách đóng cửa y tế và quay về với các chính sách mang tính quốc gia để chống virus lây lan, các nước châu Âu đang đi ngược lại ý tưởng ra đời của EU từ ban đầu. Đó là sự hợp nhất sau Thế chiến 2 để tránh xung đột trong tương lai, mở đường cho tự do thương mại và cuối cùng là biên giới mở. 

Theo Theo Reuters
MỚI - NÓNG