Mười cảnh báo của Đặng Tiểu Bình: Phân hóa lưỡng cực

Mười cảnh báo của Đặng Tiểu Bình: Phân hóa lưỡng cực
Trung Quốc đang trên con đường trở thành một siêu cường thế giới nhờ tốc độ phát triển kinh tế- quân sự vũ bão. Đằng sau ánh hào quang rực rỡ còn tồn đọng nhiều khoảng tối.
Mười cảnh báo của Đặng Tiểu Bình: Phân hóa lưỡng cực ảnh 1

 Một khu phố nghèo ở Thượng Hải

Trong đó tình trạng phân hóa giàu nghèo, khoảng cách chênh lệch quá lớn giữa thành thị và nông thôn đã trở thành một trong những hiểm họa được kỳ họp quốc hội mới đây đưa vào chương trình nghị sự để tìm cách giải quyết.

“Sự kiện Vương Vũ Dự”

Cái nghèo đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người dân trong xã hội Trung Quốc và là nguyên nhân dẫn đến bao chuyện đau lòng. Tháng 9-2005, anh nông dân Vương Vũ Dự đang làm thuê ở Quảng Châu hay tin cha mình bị gãy chân.

Gia đình quá nghèo, viện phí rất đắt, anh không đủ tiền để đưa cha đi chữa trị do ông chủ thầu công trình xây dựng - người thuê mướn anh - nợ tiền công đã lâu. Nhiều lần tìm đến để đòi tiền về chữa bệnh cho cha nhưng không được, anh tìm đến Bộ Lao động, đến tòa án nhưng không kết quả.

Lần cuối cùng, anh tìm gặp người chủ nhẫn tâm thì bị ông này mắng như tát nước vào mặt, anh thậm chí còn bị thuộc hạ của ông chủ đấm đá vô tội vạ. Trong trạng thái tuyệt vọng đến cùng cực, Vương không còn làm chủ nổi bản thân nên đã ra tay giết chết bốn người và làm một người bị thương nặng.

Biết mình đã phạm phải tội ác không thể dung thứ, Vương đến công an đầu thú. Ít lâu sau, tòa án khép anh vào tội tử hình. “Sự kiện Vương Vũ Dự” khiến toàn xã hội Trung Quốc rúng động bởi không chỉ bản thân Vương phải chịu trách nhiệm cho cái chết của chính mình.

Lục Học Nghê, chủ tịch Hội Nghiên cứu xã hội học Trung Quốc, khẳng định số phận của Vương phản ánh những góc khuất trong chế độ lao động nông thôn Trung Quốc.

Trước tòa, Vương Vũ Dự, một người không được học hành nhiều, hiểu biết cũng hạn chế, đã nói: “Tôi biết nhà nước có chính sách bảo vệ lao động nông thôn, nhưng cấp dưới không chấp hành, quyền lợi của chúng tôi không được bảo đảm”.

Những mảnh đời như Vương Vũ Dự không phải là cá biệt trong xã hội Trung Quốc, nơi người giàu ngày càng giàu thêm, còn người nghèo thì cứ nghèo đi. Đầu tháng một vừa qua, một nhóm công nhân chuyển đến phòng cấp cứu Bệnh viện Khang Lạc (tỉnh Thanh Hải) một bệnh nhân nam bị ngất do trúng hơi độc hầm mỏ.

Khi bác sĩ giúp bệnh nhân tỉnh lại, người vợ đi cùng tỏ ra vô cùng lo lắng vì không có tiền để trả viện phí cho chồng. Gọi điện cho ông chủ xin ứng trước lương, cô bị từ chối thẳng thừng.

Thấy vậy, các bệnh nhân khác trong phòng cấp cứu thương tình lấy tiền trả cho cô. Bệnh viện yêu cầu nhập viện điều trị nhưng cô vẫn nhất mực đòi đưa chồng về nhà dưỡng bệnh, bởi cô lấy tiền đâu để trang trải chi phí nằm viện.

100 triệu người nghèo

Mười cảnh báo của Đặng Tiểu Bình: Phân hóa lưỡng cực ảnh 2

Nông dân lên Bắc Kinh tìm việc phải ngủ trên hè phố

Những hiểm họa mà Trung Quốc đang đối đầu trên đường phát triển này đã được ông Đặng Tiểu Bình - “kiến trúc sư vĩ đại” của công cuộc hiện đại hóa Trung Quốc và là cha đẻ của chính sách cải tổ, mở cửa đất nước - sớm nhận ra.

Trong nhiều phát biểu qua các thời kỳ khác nhau, ông đã nêu lên những hiểm họa này. Trước khi Quốc hội Trung Quốc nhóm họp giữa tháng 3-2005, tờ Nhân Dân Nhật Báo đã cho đăng mười lời cảnh báo của ông Đặng Tiểu Bình đối với sự phát triển của Trung Quốc.

Có thể thấy rõ là năm lời cảnh báo đầu tiên của ông Đặng Tiểu Bình chỉ xoay quanh vấn đề phân hóa giàu nghèo và khoảng cách giữa khu vực thành thị với nông thôn.

Theo khảo sát sơ bộ, thu nhập bình quân của lao động nông thôn là 395,7 nhân dân tệ/tháng (49 USD), so với thu nhập bình quân của một giám đốc công ty là 8.000 nhân dân tệ/tháng (997 USD).

Trung Quốc hiện còn tới 100 triệu người nghèo, một nửa vùng nông thôn không có nước sạch. Các cơ sở vệ sinh và y tế còn lạc hậu. Nông dân phải tự trả tiền cho các công trình làm đường sá, hệ thống nước sạch và hệ thống chiếu sáng công cộng.

Trong các cảnh báo của mình, ông Đặng Tiểu Bình từng nhắc Trung Quốc thực hiện ý tưởng  làm giàu bằng cách thúc đẩy một số vùng miền có điều kiện phát triển trước, một số vùng miền khác phát triển chậm hơn. Những khu vực phát triển trước sẽ hỗ trợ những khu vực phát triển sau, để rồi đạt tới sự giàu có và thịnh vượng chung.

Ý tưởng tương tự cũng được áp dụng cho từng bộ phận dân chúng. Đến cuối thế kỷ 20, khi một số vùng miền và bộ phận người dân đạt tới mức sống khá giả, Trung Quốc cần phải đưa ra và làm nổi bật việc giải quyết sự phân hóa lưỡng cực.

Tuy nhiên, đã bước qua gần 10 năm của thế kỷ mới, tình trạng phân hóa giàu nghèo tại Trung Quốc vẫn diễn ra gay gắt.

Bị bỏ quên trong thời gian dài, nhiều vùng nông thôn Trung Quốc trở thành những “vùng chân không luật pháp”.

Ở đó, nhiều người nghèo tự co mình lại, sống một cuộc sống thiếu thốn mọi mặt, từ vật chất đến tinh thần. Họ lên thành phố, trở thành “người nhà quê” giữa thị thành.

Và cũng ở đó, xuất hiện những “đế vương thổ” kiểu như một bí thư huyện ủy công khai vỗ ngực tuyên bố: “Huyện ủy là cái gì, huyện ủy là tôi đây nè”. Số sâu mọt tham nhũng như vậy không phải là ít, làm dân nghèo khổ cực thêm.

Theo Cảnh Chánh - Hiếu Trung
Tuổi tr

(Còn nữa)

Nếu để phân hóa lưỡng cực, cải cách sẽ thất bại

Cảnh báo 1: Mọi công dân đều được hưởng lợi ích công bằng từ thu nhập quốc dân, không có người quá giàu và cũng không có người quá nghèo.
Cảnh báo 2: Phân hóa giàu nghèo quá lớn có thể thổi bùng lên ngọn lửa mâu thuẫn dân tộc, mâu thuẫn giữa các khu vực, và mâu thuẫn giai cấp. Những mâu thuẫn này phát triển sẽ kéo theo mâu thuẫn trung ương với địa phương, có thể xảy ra mầm loạn.
Cảnh báo 3: Nếu để xảy ra phân hóa lưỡng cực, có nghĩa là Trung Quốc đã thất bại trong công cuộc cải cách của mình.
Cảnh báo 4: Cuối thế kỷ 20 là thời điểm phải nỗ lực thực hiện giải quyết vấn đề phân hóa lưỡng cực. Đi theo con đường chủ nghĩa xã hội tức là từng bước thực hiện cộng đồng giàu có.
Cảnh báo 5: Trung Quốc với 80% dân số là nông dân. Do đó, xã hội Trung Quốc có ổn định hay không, kinh tế Trung Quốc có phát triển hay không trước hết phải xem liệu nông thôn có phát triển hay không, cuộc sống của người nông dân liệu đã được cải thiện chưa.
Các đô thị dù có phồn hoa đến mấy mà không có nông thôn làm hậu phương vững chắc thì đó cũng là thất bại của Trung Quốc.

(Trích 10 cảnh báo của Đặng Tiểu Bình, Nhân Dân Nhật Báo)

MỚI - NÓNG