Muốn 'hất cẳng' Mỹ, Trung Quốc dùng tiền quyến rũ các đảo nhỏ

Ảnh minh họa: Asia Nikkei Review
Ảnh minh họa: Asia Nikkei Review
TPO - Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương chuẩn bị khai mạc ở Tuvalu trong tháng này. Sự kiện vốn chỉ mang ý nghĩa ở khu vực nay trở thành trung tâm của cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc.

Ông Baron Waqa, Tổng thống Nauru, một quốc gia với dân số chưa đến 10.000 người, kêu gọi cần phối hợp nhiều hơn với đồng minh phi chính thức của Mỹ là Đài Loan – vùng lãnh thổ mà Nauru công nhận – tại các diễn đàn quốc tế. Trong khi đó, đang có tin đồn chính phủ quần đảo Solomon chuẩn bị chấm dứt công nhận Đài Loan để ủng hộ Trung Quốc.

Đây là lần đầu tiên kể từ sau Thế chiến 2, các quốc đảo nhỏ bé trên Thái Bình Dương trở thành mối bận tâm chiến lược của Mỹ và cường quốc châu Á. Washington và Bắc Kinh đều đang tăng cường quan hệ với khu vực từng bị “ngó lơ” suốt một giai đoạn rất dài.

Đầu tháng này, ông Mike Pompeo trở thành Ngoại trưởng Mỹ đương nhiệm đầu tiên đến thăm Micronesia, nơi ông được tiếp đón rất nồng ấm.

Ông nói rằng Mỹ sẽ “phản đối bất kỳ ý định của nước lớn hơn nào nhằm biến các đảo ở Thái Bình Dương thành chỗ đứng để thống trị khu vực”.

Tổng thống Micronesia David Panuelo tái bảo đảm với Mỹ rằng quan hệ giữa nước ông với Trung Quốc chỉ giới hạn trong lĩnh vực thương mại. “Quan hệ của chúng tôi với Mỹ là trước hết và quan trọng nhất”, ông nói.

Tổng thống quần đảo Marshall Hilda Heine và Phó Tổng thống Palau Raynold Oilouch cũng khẳng định tương tự. 3 quốc gia này thuộc Hiệp ước liên kết tự do (FAS) với Mỹ.

Trải dài trên vùng biển từ Philippines đến Hawaii và xuống phía nam đến vùng lãnh thổ Guam của Mỹ và Quần đảo Bắc Mariana, FAS tạo thành một hành lang có giá trị chiến lược. Và Trung Quốc hiểu rất rõ giá trị này.

 “Trung Quốc ngày càng coi trọng vị trí của các quốc đảo Thái Bình Dương trong việc cản trở can thiệp quân sự của Mỹ vào Đài Loan, biển Đông và biển Hoa Đông”, ông Derek Grossman, một nhà phân tích tại hãng tư vấn Rand Corp. nói với báo Nikkei Asian Review. “Trong những năm gần đây, chúng ta thấy Bắc Kinh rất tập trung vào Thái Bình Dương thông qua các phương tiện kinh tế và ngoại giao, chủ yếu là sáng kiến Vàn đai Con đường, để xích lại gần các quốc đảo”, ông nói.

Dù Mỹ hiện diện ở khu vực này từ lâu, vị trí thống trị của họ có thể sẽ sớm bị đe dọa. Viện trợ là một phần rất quan trọng trong thỏa thuận của Mỹ với FAS, và các điều khoản về hỗ trợ kinh tế hằng năm sẽ hết hạn vào năm tài khóa 2023 đối với Micronesia và quần đảo Marshall, và năm tài khóa 2024 với Palau. Ông Grossman cho rằng điều này sẽ mở ra cơ hội cho Trung Quốc.

Nếu Washington không thể tìm cách gia hạn thỏa thuận, Bắc Kinh có thể dùng sáng kiến Vành đai Con đường để lấp vào chỗ trống.

Ông Grossman nhấn mạng rằng một nơi đặc biệt rủi ro với Washington là Chuuk, một trong bốn đảo chính tạo thành Micronesia. Chuuk đã bàn chuyện tổ chức một cuộc bỏ phiếu về việc tách ra khỏi Micronesia từ năm ngoái, nhưng hoãn lại vào đầu năm 2020. Nếu thực sự tách ra, đảo này sẽ không còn là thành viên của hiệp ước liên kết giữa Micronesia với Mỹ, và sẽ được tự do thoả thuận với Trung Quốc. Đảo này có một đầm phá sâu, rất lý tưởng cho hoạt động quân sự.

Một điều quan trọng không kém là Mỹ sẽ không được tiếp cận độc quyền cả vùng FAS nữa. 

Bất kể thay đổi gì sẽ diễn ra ở vùng bắc Thái Bình Dương này, Trung Quốc cũng đang nhòm ngó những nơi khác nữa. Xa hơn về phía nam, nơi Mỹ có ít ảnh hưởng hơn nhưng đồng minh của Mỹ là Úc rất coi trọng lại đang dựa vào Trung Quốc như một đối tác thương mại hàng đầu và một nhà đầu tư lớn. 

Năm ngoái, hãng tin Fairfax Media đưa tin việc Trung Quốc đang muốn mở một căn cứ hải quân ở Vanuatu đang gây lo ngại ở Canberra. Về lý thuyết, một căn cứ như vậy có thể giúp quân đội Trung Quốc tiếp cận trực tiếp Thái Bình Dương. Báo chí đưa tin đậm nét đã gây sức ép lên chính phủ Vanuatu nên sau đó nước này lên tiếng tuyên bố sẽ không cho phép bất kỳ nước nào mở căn cứ quân sự trên lãnh thổ của họ. Nhưng những quốc gia khác như Fiji và Tonga vẫn là vị trí tiềm năng của Trung Quốc. 

Tham vọng của Trung Quốc ở khu vực là không thể phủ nhận, nhưng nước này vẫn đang ở giai đoạn bắt đầu. “Tôi nghĩ Trung Quốc giai đoạn này đang chớp thời cơ”, ông Jonathan Pryke, giám đốc chương trình nghiên cứu về các đảo ở Thái Bình Dương tại Viện Nghiên cứu Lowy, đánh giá. 

“Nếu nhìn vào bản đồ, có thể thấy Palau có vị trí chiến lược hơn Tonga, nhưng Trung Quốc không thể tự do lựa chọn vì họ có ít đồng minh và cơ hội để thiết lập căn cứ quân sự và chiến lược”, ông Pryke nói.

Chuyên gia này cho rằng lợi ích của Mỹ và Úc ở Thái Bình Dương là phải ngăn Trung Quốc đạt được tham vọng mở căn cứ quân sự. 

Trung Quốc đang sử dụng ảnh hưởng kinh tế để xích lại gần các nước Thái Bình Dương, và sáng kiến Vành đai Con đường chắc chắn rất hấp dẫn với nhiều nhà lãnh đạo, trong đó có ông Manesseh Sogavare, người trở thành Thủ tướng quần đảo Solomon từ tháng 4 năm nay. Nước này đang cực kỳ cần nâng cấp hạ tầng, còn Trung Quốc sẵn lòng cung cấp vốn cho các dự án ở khu vực, trong đó có dự án cầu cảng trị giá 87 tiệu USD ở Vanuatu, con đường trị giá 85 triệu USD ở Papua New Guinea và con đường 136 triệu USD ở Fiji.

Báo Guardian đưa tin đầu tháng 6 vừa qua rằng Ngoại trưởng Sogavare Jeremiah Manele đã nói với Thủ tướng Úc Scott Morrison rằng trong 100 ngày tới, nước này sẽ đưa ra quyết định có cắt đứt quan hệ với Đài Loan để ủng hộ Trung Quốc hay không. 

Ông Sogavare gạt sang một bên cảnh báo từ Mỹ rằng các khoản vay từ Trung Quốc có thể đẩy quần đảo Solomon vào bẫy nợ.

Tính cả quần đảo Solomon thì 6 trong tổng số 17 quốc gia vẫn có quan hệ ngoại giao với Đài Loan là các quốc đảo ở Thái Bình Dương. Washington muốn những nước này duy trì thừa nhận chính thức đối với Đài Bắc vì sợ rằng Bắc Kinh sẽ quân sự hóa khu vực giống như trên biển Đông. 

Ông W. Patrick Murphy, phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ về Đông Nam Á, gần đây thúc giục các quốc đảo Thái Bình Dương duy trì quan hệ với Đài Loan. Ông gọi nỗ lực của Trung Quốc nhằm thuyết phục các nước thôi quan hệ với Đài Bắc là sự “can thiệp thô bạo”, và cách tiếp cận của Bắc Kinh ở khu vực này “gây căng thẳng vì thay đổi hiện trạng, rồi sau đó là nguy cơ xung đột”. 

Từ quan điểm chiến lược, việc Đài Loan duy trì quan hệ ngoại giao với các đồng minh của Mỹ sẽ giúp duy trì một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do, các nhà phân tích nhận định.

Theo theo Asia Nikkei Review
MỚI - NÓNG